Giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam, Cánh diều 2016, sẽ được trao vào ngày 20/4 tới tại Cung Văn hóa hữu nghị Hà Nội.
Các diễn viên nhí trong đoàn làm phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” diễn lại một cảnh trong phim trong đợt giao lưu tại Phú Yên - Ảnh: T.DIỆU |
Năm nay, giải thưởng xét trên tiêu chí “Đề cao tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực”. Theo Ban tổchức, năm nay có 18 phim truyện điện ảnh, 14 phim hoạt hình, 24 phim truyện truyền hình (16 phim dài tập, 8 phim ngắn tập), 37 phim tài liệu, 12 phim khoa học, 33 phim ngắn và 6 công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh tham dự giải.
NHIỀU PHIM HÀI
18 bộ phim truyện điện ảnh tham gia tranh giải Cánh diều năm nay, vẫn là những cái tên đã quen thuộc của mùa liên hoan phim trước như: “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Người trở về”, “Chuyện của Yến”… Nổi bật trong mùa giải lần này là sự tham gia hùng hậu của các hãng phim tư nhân, ước tính chiếm 2/3 trong danh sách phim dự giải như: “Quyên”, “Gái già lắm chiêu”, “Trúng số” , “49 ngày”, “Bộ ba rắc rối”, “Ngày nảy ngày nay”, “Ám ảnh”, “Siêu trộm”, “Trót yêu”, “Bảo mẫu siêu quậy”, “Cầu vồng không sắc”, “Mỹ nhân”, “Đời như ý”, “Ám ảnh”…
18 bộ phim, con số này được coi là lớn đối với các giải thưởng điện ảnh trong nước. Bởi cả năm, lượng phim sản xuất cũng không vượt quá ngưỡng 20 phim. Trong khi xu hướng các nhà làm phim chọn kịch bản ngoại để sản xuất đang tăng lên thì giải thưởng Cánh diều lại nói không với thể loại phim này.
Cụ thể như với “Em là bà nội của anh”, mặc dù doanh thu khủng, nhưng bộ phim làm lại từ kịch bản của Hàn Quốc sẽ không xuất hiện trong cơ cấu giải Cánh diều. Trong bối cảnh xã hội hóa làm phim, nhiều nhà sản xuất chọn các kịch bản nước ngoài ăn khách chuyển thành phim Việt. Năm nay, lần đầu tiên, Hội Điện ảnh Việt Nam lên tiếng từ chối phim có kịch bản nước ngoài đã khiến dư luận lo ngại, liệu trong xu thế làm phim mới này, giải Cánh diều sẽ tự “bó” mình?
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, vì kinh phí giải thưởng có hạn nên chỉ tập trung động viên người Việt làm phim, để khích lệ người Việt. Phim không có tính sáng tạo, không phải là phim Việt thì giải Cánh diều tạm thời từ chối để tập trung cho các nghệ sĩ Việt. “Chúng tôi không khích lệ những dòng phim như thế này. 18 phim truyện điện ảnh tham dự giải đều là phim Việt. Chúng ta không thiếu phim để phải mời những phim kịch bản nước ngoài vào giải. Trước hết, chúng ta phải vì một nền điện ảnh Việt”, bà Ngát nhấn mạnh.
SO BÓ ĐŨA CHỌN CỘT CỜ
Đánh giá về chất lượng các phim truyện điện ảnh của giải thưởng năm nay, bà Hồng Ngát cho biết: “Tôi đã được xem khá nhiều phim tốt, trăm hoa đua nở. Quan trọng là ban giám khảo xem và đánh giá”. Tuy nhiên, nhìn vào giải Cánh diều trong nhiều năm qua, có thể thấy, ban tổchức, ban giám khảo chịu không ít dư luận về chất lượng phim, khi quá nửa phim dự giải thuộc loại hài nhảm, thậm chí khi giải vàng trao xong bị dư luận chỉ trích là không xứng đáng.
Dù khi bắt đầu mùa giải, Ban tổchức đều nhận định chất lượng phim đã nâng cao hơn, tuy nhiên, hai mùa giải trước, khi trao giải đều không có Cánh diều vàng. Vì vậy, khó có thể có cái tên nào mới được vinh danh sau mùa giải Cánh diều, hay nói đúng hơn, có thể Cánh diều sẽ tiếp tục trao giải cho những bộ phim đã được vinh danh ở liên hoan phim trước. Bởi đúng như bà Hồng Ngát chia sẻ: “Năm nào cũng có phim hay, phim không hay, cũng là so bó đũa chọn cột cờ”.
Về cơ cấu giải thưởng, Cánh diều 2016 vẫn giữ nguyên giải Cánh diều vàng, Cánh diều bạc và bằng khen cho các tác phẩm điện ảnh xuất sắc; Cánh diều vàng cho cá nhân người Việt (kể cả người Việt mang quốc tịch nước ngoài và người nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam) tham gia phim với tư cách là biên kịch, đạo diễn, quay phim, họa sĩ, người làm âm thanh, nhạc sĩ, diễn viên…
TUYẾT TRẦN (tổng hợp)