Thứ Năm, 10/10/2024 15:24 CH
Giải Oscar: “Muôn mặt đời thường”
Chủ Nhật, 06/03/2016 11:00 SA

Oscar - giải thưởng hàng năm của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ được coi là danh giá nhất trên thế giới dành cho nghệ thuật thứ 7. Tuy nhiên, phía sau giải thưởng đáng mơ ước này cũng có nhiều điều để bàn.

 

Tượng vàng Oscar - Nguồn: Internet

 

Viện Hàn lâm Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ trao giải thưởng Oscar lần đầu tiên vào năm 1929. Đó là bức tượng nhỏ nặng 4kg, mạ vàng 24 cara, cao 31cm, giá trị vật liệu dao động từ 400-500 USD. Theo viện này, cho tới nay đã có khoảng 3.000 bức tượng như thế được sử dụng để trao giải thưởng.

 

Trong lịch sử 87 năm của giải Oscar, có những bộ phim đoạt giải sau đó bị chứng minh không phải là tác phẩm hay nhất. Ngược lại, nhiều phim trượt Oscar lại trở thành tác phẩm kinh điển của màn bạc. Đơn cử như năm 1941, “Citizen Kane” trượt giải Oscar về tay “How Green was My Valley”. Hơn 70 năm sau, “Citizen Kane” được dạy trong các sách giáo khoa về điện ảnh như phim có cấu trúc kể chuyện mẫu mực, trong khi câu chuyện chiến tranh “How Green was My Valley” bị nhìn nhận chỉ có giá trị trong giai đoạn lịch sử sau Thế chiến thứ nhất.

 

Là giải thưởng của riêng ngành công nghiệp điện ảnh Bắc Mỹ, Oscar vinh danh các tác phẩm được sản xuất ở Hollywood và các nước nói tiếng Anh. Sự hạn chế này khiến các phim tranh giải không đa dạng như phim được lựa chọn vào các liên hoan phim thế giới như Cannes, Venice hay Berlin. Đầu vào hạn hẹp nên Oscar bị nhìn nhận ít phát hiện được tác phẩm thực sự gai góc để vinh danh.

 

Tính dân chủ trong quá trình bầu chọn Oscar cũng làm những phim có giá trị độc đáo dễ trượt Oscar. Giải thưởng này được bầu chọn bởi hơn 6.000 thành viên Viện Hàn lâm Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ. Mọi thành viên, gồm cả nhóm người am hiểu chuyên môn và đại chúng, đều góp phiếu bầu cho phim hay nhất. Ngược lại, các liên hoan phim như Cannes, Venice hay Berlin chỉ có một ban giám khảo gồm từ 5 đến 8 thành viên nhưng đều là những nhà làm phim gạo cội hàng đầu thế giới. Họ quyết định phim nào độc đáo và đáng vinh danh.

 

Từ đầu thế kỷ tới nay, khi thời đại truyền thông bùng nổ, giải thưởng Oscar ít nhiều bị ảnh hưởng bởi các chiến dịch vận động hành lang tranh giải lên tới hàng chục triệu USD. Hai phim “Shakespeare in Love” (1998) và “The Hurt Locker” (2008) được cho là giành giải “Phim hay nhất” nhờ có chiến dịch quảng bá thành công chứ chưa hẳn mang giá trị thẩm mỹ độc đáo.

 

 Để vận động hành lang cũng cần có chuyên gia và cố vấn, với chiến lược được vạch ra ngay từ đầu và lộ trình triển khai cụ thể, hao tổn trí tuệ và tiêu tốn tiền của, giống như một hình thức đầu tư ẩn chứa rủi ro. Ở nước Mỹ, người ta không hề giấu giếm hay úp mở khi so sánh việc chạy giải thưởng Oscar giống như… vận động tranh cử trong chính trị. Tác phẩm điện ảnh được tìm cách cho “làm quen” với những thành viên của Viện Hàn lâm. Đương nhiên, luật pháp cấm hối lộ và mua phiếu. Nhưng trong khi đường thẳng chỉ có một thì đường vòng lại có rất nhiều. Những người, tổ chức hay hãng vận động không thiếu cách thức để thu hút sự chú ý của các thành viên Viện Hàn lâm tới bộ phim, bằng quảng cáo và truyền thông, bằng tổ chức sự kiện liên quan, bằng đánh bóng hình ảnh diễn viên tham gia đóng phim, bằng đưa bộ phim hay nghệ sĩ tham gia vào những hoạt động xã hội đang được cả đất nước quan tâm... Tất cả những việc này đều khá tốn kém.

 

Theo quy định, người đoạt giải Oscar không được phép “thương mại hóa” bức tượng Oscar. Viện Hàn lâm Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ đã ràng buộc những người đoạt giải vào cam kết chỉ được bán lại bức tượng cho viện với giá tượng trưng là 1 USD. Cam kết này có hiệu lực pháp lý đối với cả những ai được thừa kế bức tượng Oscar. Nhưng nếu đưa ra bán đấu giá thì lại không sao. Vì thế cho tới nay chỉ thấy có chuyện bán đấu giá bức tượng này. Giá được trả cao nhất từ trước đến nay là 1,5 triệu USD. Năm 1999, danh ca Michael Jackson đã bỏ ra ngần ấy tiền để đấu giá mua về bức tượng Oscar trao năm 1939 cho tác phẩm “Cuốn theo chiều gió”.

 

Đạo diễn lừng danh Steven Spielberg đã nhiều lần bỏ ra số tiền không hề nhỏ để mua qua đấu giá những bức tượng Oscar, sau đó tặng lại cho Viện Hàn lâm. Ông không muốn bức tượng danh giá này lọt vào tay những kẻ chỉ chăm chăm kinh doanh nghệ thuật thứ 7 chứ không tôn trọng giá trị và lịch sử nghệ thuật thứ 7.

 

NGỌC LAN (tổng hợp)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek