Những chủ nhân của tượng vàng Oscar lần thứ 88 đã chính thức được công bố. Theo đó, phim xuất sắc nhất là “Spotlight”; nam diễn viên chính xuất sắc nhất là Leonardo DiCaprio trong phim “The Revenant”. Cùng với đó, nữ diễn viên chính xuất sắc nhất là Brie Larson trong phim “Room”…
Ảnh: Internet |
Dõi theo giải thưởng điện ảnh có sức hút ở tầm thế giới, từ lâu khán giả yêu điện ảnh vẫn đặt một câu hỏi: đến bao giờ phim Việt mới có chỗ đứng ở giải thưởng Oscar? Bởi tính đến năm 2016, điện ảnh Việt đã hơn 10 lần gửi phim tranh giải. Song mới chỉ có một lần phim Việt được lọt vào vòng đề cử 5 phim cuối cùng. Đó là trường hợp của bộ phim “Mùi đu đủ xanh” - tranh giải Oscar lần 86 (đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng). Ở thời điểm ấy, theo đánh giá của nhiều khán giả, đây cũng chưa phải là một bộ phim thuần Việt mà là phim hợp tác Việt - Pháp.
Năm 2012, bộ phim “Mùi cỏ cháy” (đạo diễn Hữu Mười) vinh dự được chọn là phim tranh cử Oscar lần thứ 85 (trao năm 2013). Khi đó, không ít người kỳ vọng vào việc phim Việt có khả năng ghi danh ở một sân chơi lớn. Nhưng hơn ai hết, những người trong cuộc hiểu rõ phim Việt đang ở đâu. Đạo diễn Hữu Mười chia sẻ: “Oscar là một giải thưởng điện ảnh lớn, danh giá nên chỉ riêng việc bộ phim “Mùi cỏ cháy” được lựa chọn đi dự giải cũng đã là một vinh dự. Thêm vào đó, nếu được lọt qua vòng sơ loại để chiếu cho các thành viên của hội đồng giám khảo xem thì đó là một may mắn lớn đối với phim Việt”.
Nhận định của đạo diễn Hữu Mười từ cách đây 3 mùa giải Oscar vẫn còn nguyên tính thời sự. Trở lại với Oscar lần thứ 88, nhiều người đổ tại phim “Trúng số” là phim hài - do đó không đủ sức cạnh tranh ở một đấu trường điện ảnh quá lớn.
Nhưng trước đó, Việt Nam từng gửi những bộ phim gây chú ý về mặt nghệ thuật hoặc phim “bom tấn” do Nhà nước đặt hàng như: “Mùa len trâu”, “Áo lụa Hà Đông”, “Chuyện của Pao”, “Đừng đốt”, “Long thành cầm giả ca”… không phải là phim hài, tại sao vẫn không có tác phẩm nào lọt qua vòng sơ loại?
Lại có những băn khoăn khác được nêu ra là tại sao có những phim Việt Nam từng gặt hái thành công ở các liên hoan phim (LHP) quốc tế khác mà vẫn khó chạm tới giấc mơ Oscar đến vậy? Chẳng hạn như phim “Bi, đừng sợ” được vinh danh một số giải đạo diễn, quay phim, kịch bản tại các LHP Cannes, Busan, Vancouver, hay “Áo lụa Hà Đông” được giải do khán giả bình chọn tại LHP quốc tế Busan…
Điều dễ nhận thấy là những bộ phim được vinh danh ở những LHP khu vực mới chỉ là những thành công đơn lẻ do nỗ lực cá nhân. Cứ nhìn vào những phim nước ngoài từng được đề cử Oscar cũng thấy một điều rằng phim Việt còn cách trình độ của họ khá xa. Nhìn vào những bộ phim ở hạng mục “Phim nước ngoài xuất sắc nhất” của Oscar được giải trong những năm trở lại đây như “Amour” (2013, Pháp), “The Great Beauty” (2014, Ý), “Ida” (2015, Ba Lan) thì thấy những tác phẩm này có tầm ảnh hưởng, tư tưởng nghệ thuật lớn hơn nhiều so với những bộ phim đến từ Việt Nam như “Trúng số”.
Nhìn một cách khách quan, hiện nay, điện ảnh Việt Nam vẫn chưa đủ lực để vào một cuộc chơi lớn như thế. Lại gần nó đã là điều khó. Hay nói cách khác, tượng vàng Oscar vẫn là giấc mơ xa vời của điện ảnh Việt Nam.
TUYẾT TRẦN (tổng hợp)