Chủ Nhật, 12/01/2025 21:03 CH
Nhạc sĩ y phôn ksor:
Người nói chuyện bằng âm nhạc
Chủ Nhật, 28/02/2016 14:00 CH

Chiều chầm chậm đi qua cái xóm nhỏ ở xã Hòa Xuân Tây (huyện Đông Hòa). Dưới gốc cổ thụ trước sân nhà một người bạn thân thiết, nhạc sĩ Y Phôn Ksor và ca sĩ Y Jack ôm đàn, hát “Chim phí bay về cội nguồn”. “Mẹ trồng cây, che gió đưa/ Mẹ trồng cây, che gió mưa/ Che ánh nắng mặt trời/ Che cho con qua đi/ Con hát say mê.../ Chim phí bay ngang qua, ngang qua bầu trời/ Chim don, chim don vẫn bay về cội nguồn/ Bay về vầng trăng soi…”. Chiều lắng xuống trong tiếng hát rạo rực hơi thở Tây Nguyên của người nghệ sĩ.

 

Nhạc sĩ Y Phôn Ksor (trái) và ca sĩ Y Jack - Ảnh: Y.LAN

 

Nhạc sĩ Y Phôn Ksor đã thành công trong việc đưa chất liệu dân ca Ê Đê vào các ca khúc của mình. Bên cạnh những nhạc phẩm nổi tiếng mà nhiều người yêu nhạc đã thuộc lòng, nhạc sĩ Y Phôn Ksor còn để lại dấu ấn trong các ca khúc: “Cư Mga dấu chân qua”, “Lời ru Tak Tar”, “Hồn nhiên Ponaga”…

 

* Nhìn lại chặng đường âm nhạc của mình, với những ca khúc nổi tiếng, đi vào lòng người yêu nhạc như “Đôi chân trần”, “Đi tìm lời ru mặt trời”, “Chim phí bay về cội nguồn”…, điều gì khiến anh cảm thấy tự hào và hạnh phúc?

 

- Tôi sáng tác vì muốn giãi bày nội tâm của mình. Rồi ca sĩ Y Moan và ca sĩ Y Jack bắt gặp nội tâm đó và đồng cảm. Tôi tự hào khi có những người bạn, đồng nghiệp chia sẻ với mình những cảm xúc. Và khi đi khắp 5 tỉnh Tây Nguyên, nghe người ta thường hát “Đi tìm lời ru mặt trời”, “Đôi chân trần”, “Chim phí bay về cội nguồn”…, tôi rất hạnh phúc. 

 

* Mỗi lần đưa âm nhạc, đưa tiếng hát của mình đến với đồng bào ở các buôn làng, cảm xúc của anh như thế nào?

 

- Hạnh phúc lớn nhất của một tác giả là tác phẩm của mình được mọi người biết đến và sống trong lòng mọi người. Sáng tác và hát - đó là cách tôi nói chuyện bằng tâm hồn. Khi lời tâm sự của tâm hồn mình được lắng nghe và đồng cảm, thì đó là điều hạnh phúc nhất.

 

* Có bao giờ anh rơi nước mắt khi sáng tác hoặc thể hiện ca khúc của chính mình?

 

- Hình tượng tạo cảm xúc mạnh mẽ nhất đối với tôi chính là người mẹ, người cha, người chị cả cuộc đời nhọc nhằn. Những hình tượng đó không thể phai mờ và làm cho tôi rơi nước mắt khi sáng tác cũng như khi hát “Tôi muốn quên đi tháng với ngày/ Cha đi lượm quả ngọt rừng cho con đỡ đói qua đêm/ Tôi muốn quên đi đôi chân trần/ Cha đi lượm từng hạt thóccho con một bữa cơm chiều…”.

 

* Anh có thể chia sẻ đôi chút về sự ra đời của ca khúc “Chiếc gùi” viết riêng cho người chị?

 

- Khi chị tôi khoảng 12 tuổi, cha đan cho một chiếc gùi nho nhỏ để chị gùi nước, gùi bắp, gùi dưa. Sau này khi trở về, tôi thấy chị vẫn treo chiếc gùi trên vách nhà sàn. Tôi hỏi: “Chị vẫn còn giữ chiếc gùi này à?”, chị nói: “Phải để lại chứ, đây là chiếc gùi cha đan, phải để lại cho con cháu sau này”. Tôi nhận ra rằng, chiếc gùi gắn liền với hình tượng người phụ nữ Tây Nguyên, từ nhỏ cho đến khi về già. Cuộc đời của họ gắn với chiếc gùi. Từ cảm xúc đó, tôi sáng tác ca khúc “Chiếc gùi”. Sáng tác xong, tôi chạy về nhà. Khi đó trong buôn có đám cưới. Tôi hát bài “Chiếc gùi” tặng chị, chị nghe và đã khóc.

 

* Nhắc đến những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Y Phôn Ksor, người yêu nhạc nghĩ ngay đến cố Nghệ sĩ Nhân dân Y Moan. Anh cảm nhận như thế nào về giọng ca gạo cội này?

 

- Ca sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Y Moan có giọng ca trời phú. Đó là một đàn anh, một đồng nghiệp. Mỗi khi Y Moan hát lên, tiếng hát tưởng như “ôm” cả núi rừng Tây Nguyên. Tôi có cảm giác như ngôn ngữ âm nhạc Tây Nguyên nằm trong Y Moan. Khi hát, dường như Y Moan quên tất cả nỗi nhọc nhằn đau khổ, những vui buồn trong cuộc đời. Anh say mê “cháy” trên sân khấu. Tôi nghĩ rằng một trăm năm nữa, chưa chắc đã có một giọng ca rực lửa như Y Moan.

 

* Xin cảm ơn anh! 

 

Nhạc sĩ Y Phôn Ksor sinh năm 1961, là con trai của đôi vợ chồng nghệ nhân nổi tiếng ở vùng Krông Puk và Ea H’leo (Đắk Lắk). Từ nhỏ, anh đã được cha, nghệ nhân I Lap Kpa, tạo cơ hội để làm quen với tiếng sáo, tiếng cồng chiêng trong những đêm hội của buôn làng. Âm nhạc của đồng bào Tây Nguyên “thấm” vào anh từ đó.

 

Sau 4 năm học thanh nhạc tại Trường Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk, Y Phôn Ksor làm việc tại Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ea H’leo. Ở tuổi 31, anh sáng tác ca khúc đầu tay “Chim phí bay về cội nguồn”.

 

Với mong muốn theo đuổi niềm đam mê âm nhạc, năm 1993, Y Phôn Ksor đầu quân về Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk với vai trò ca sĩ kiêm sáng tác nhạc. Hai năm sau, ca khúc “Đôi chân trần” ra đời và đã mang về cho ca sĩ Y Moan chiếc huy chương vàng tại hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. Còn với ca khúc “Đi tìm lời ru mặt trời”, nhạc sĩ Y Phôn Ksor được Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao giải A năm 1999. Với “hành trang” ấy, anh vào Trường đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, trau dồi chuyên môn, sau đó tiếp tục gắn bó với Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk cho đến bây giờ.

YÊN LAN (thực hiện)

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek