Thứ Ba, 15/10/2024 23:20 CH
Thềm xuân – truyện ngắn của VŨ THỊ HUYỀN TRANG
Chủ Nhật, 24/01/2016 10:46 SA

Thềm nhà bà trồng hoa. Hoa bà trồng dường như chỉ đợi mùa xuân mới bung từng cánh thắm. Lúc nhỏ, thằng Sóc rất khoái đi lẫm chẫm ra vặt cây của bà rồi cười khoe răng thỏ. Nên cây cứ chết đi sống lại vài lần, bà cười móm mém, đấm tấm lưng còng thủng thẳng than “chăm lũ nhóc này đau cái thân già này quá”. Sóc bây giờ đã tám tuổi rồi, tính láu ta láu táu, mỗi lần nghe bà than vậy là lém lỉnh cười:

 

Minh họa: P.V

 

- Cực vậy nhưng mà vui bà nhỉ. Nếu không thì làm gì có người đấm lưng cho bà. Người vo gạo nấu cơm cho bà. Người đêm nào cũng nằm nghe bà kể chuyện.

 

- Còn có cả người hay đái dầm ướt người bà mỗi đêm nữa nhỉ?

 

Sóc ôm cổ bà cười khinh khích. Nó ở với bà từ lúc nhỏ xíu khi mẹ cai sữa đi làm kinh tế xa. Đêm nó khát sữa nhưng nhất định không chịu uống sữa bột, chỉ nằm bú bầu ngực già nua của bà chùn chụt. Rồi nó biết bò, bà lưng còng lại dắt cháu tập đi quanh thềm nhỏ. Bé xíu vậy mà nó cũng biết buồn, có bao thương yêu bà chắt chiu dành hết cho thằng cháu vẫn thường hay thần thượi ngồi nhớ mẹ. Bà nghèo, ba mẹ nó cũng nghèo, muốn thoát cảnh khó thì phải tính kế làm ăn. Nghe anh em trong họ rủ rê nên ba mẹ thằng Sóc đã theo họ hùn vốn mua rẫy trồng cà phê trên tận Tây Nguyên. Công việc bận bịu lại thêm đường sá xa xôi, đi lại tốn kém nên từ bấy đến giờ ba mẹ thằng Sóc về thăm con được một lần. Những cuộc điện thoại ngắn ngủi, vài bộ quần áo hay đống đồ chơi đẹp gửi về chẳng bù đắp được thiệt thòi cho Sóc. Mùa thu hoạch cà phê năm nay thấy bảo được mùa và được giá lắm. Bà nghe cũng phấn khởi trong lòng. Hết chăm cháu đến ngóng con, hàng xóm thương bà già rồi còn cực. Bà cười bảo “Cực gì đâu! Có cái ngóng mong cũng thấy ngày bớt buồn”. Thật vậy, những lúc ôm thằng Sóc trong lòng bà thấy ngày bớt dài bớt rộng.

 

Nhà chỉ có bà với cháu quẩn quanh bên vườn cây nhỏ và mấy sào ruộng trước nhà. Mùa nào thức ấy, quà quê thơm môi miệng cháu. Bà thích ngồi ngoài thềm nhìn cháu luồn qua những lùm cây tìm trái chín, cúi gập người rón rén rình chụp một chú chuồn chuồn. Hay đấp đảnh trên cao len lén dòm vào tổ chim đang đẻ trứng. Cây hồng của bà chín muộn cuối năm, trái còn đỏ rực trên cây. Sóc thường chọn những trái chín dành phần bà. Hôm nào trái trong vườn chín nhiều quá, nó bê rổ ra đặt ngoài cổng, nhà gần đường nên xe cộ qua lại thường dừng mua ít trái. Rau trong vườn sẵn có, tôm cá dưới đồng Sóc theo đám bạn đi câu. Lại thêm gà tự nuôi đầy vườn nên cuộc sống của hai bà cháu chẳng đến nỗi thiếu thốn. Tiền các con gửi về hàng tháng bà không tiêu đến, gói cẩn thận cất đi. Có lần nhìn bà giấu tiền trong rương, Sóc hỏi:

 

- Sao bà không tiêu tiền mà cứ để dành, lỡ bà đãng trí quên mất tiền như quên chỗ cất cái liềm, chỗ cất túi hạt sen khô, chỗ cất bịch hạt cải giống thì phí lắm.

 

- Bà để dành cho con đi học và phòng lúc bệnh đau.

 

- Con lớn con sẽ kiếm tiền nuôi bà nên bà không phải để dành đâu.

 

- Cha mày, chỉ giỏi ăn thủng nồi trôi rế và nói khoác là tài. Bà chỉ sợ không đợi được đến lúc cháu lớn khôn.

 

Ôm đứa cháu nhỏ vào lòng, mắt bà rơm rớm trông ra ngõ. Bà đã ngoài tám mươi, ơn trời không mấy khi đau bệnh. Nhưng người già như lá vàng, như trái chín trên cây, nay khỏe mạnh nhưng ngày mai nào ai biết ra sao. Bà chỉ sợ lúc nằm xuống, thằng Sóc nhỏ không được chăm sóc tử tế, ba mẹ nó thì tham công tiếc việc. Mà cũng phải thôi, chúng nó còn trẻ phải cố gắng làm ăn tích lũy để cuộc sống khấm khá hơn. Cuộc sống bây giờ khác xưa nhiều rồi, đâu còn như thời của ông bà nữa. Ngày xưa giàu nghèo gì cũng bám đất bám quê. Bây giờ đa phần những người khỏe mạnh đều rời quê đi làm ăn xa, chẳng mấy ai thiết tha với ruộng vườn. Chỉ còn hiếm hoi vài người trẻ đi làm thuê khắp nơi cuối cùng lại tìm về mở trang trại chăn nuôi, trồng rừng quy mô lớn. Ra chợ, ra đồng nhìn đâu cũng thấy toàn người già ở lại canh làng và chăm bầy cháu nhỏ, dù làng quê đã khoác lên chiếc áo mới, rũ bỏ vẻ lam lũ nghèo khổ xưa kia. Bà chỉ mong sao thằng Sóc lớn lên sẽ được sống một cuộc sống đủ đầy. Bà thương ông mất sớm nên không được chứng kiến sự đổi thay mỗi ngày ở làng quê nhỏ bé này. Nhất là không được nhìn thấy Sóc nhỏ của ông đã lớn lên ngoan ngoãn và can đảm đến nhường nào.

 

* * *

 

Sóc nhỏ bệnh, nửa đêm lên cơn sốt cao. Bà pha trà gừng nịnh cháu cố gắng uống từng muỗng nhỏ. Cả đêm bà ngồi chườm khăn cho Sóc mong cơn sốt giảm dần, mong trời mau sáng. Đêm hôm muốn đưa cháu đi khám cũng chỉ có tấm thân già yếu. Mà thằng Sóc thì đã lớn, bà đã chẳng thể tay bế tay bồng. Hàng xóm đã yên giấc cả rồi, gấp gáp lắm mới nên nhờ cậy họ. Những lúc trái gió trở trời thế này mới thấy thèm có con cái kề bên. Bà lật đật thắp hương cho ông, hương khói khiến căn nhà ấm áp lên đôi chút. Sóc nhỏ tỉnh dậy sau cơn mê man, gắng gượng cười bảo: “Bà đừng lo, cháu sắp khỏi rồi”. Sóc lấy tay đập nhẹ xuống giường, ý bảo bà nằm xuống bên cạnh. Lưng bà còng nên vòng ôm cũng nhọc nhằn khắc khổ. Sóc dụi cái đầu nóng hầm hập của mình vào lòng bà rồi thiêm thiếp ngủ. Sáng hôm sau, Sóc được đánh thức bởi chén cháo nóng của bà thơm nghi ngút. Dưới bếp, nồi nước lá xông cũng đang bốc hơi, Sóc khẽ reo lên:

 

- Ôi thơm quá, như là sắp được tắm tất niên phải không bà?

 

- Ừ. Xông xong là cháu bà sẽ khỏe lại ngay thôi. Khỏe để còn đi chợ phiên với bà.

 

Bà đặt nồi xông lên giường, Sóc tự trùm kín mền ngồi xông cho mồ hôi thoát ra. Nó hít hà mùi dầu bưởi, sả, hương nhu, tía tô, bạc hà và hình như còn có cả lá tre. Toàn hương lá vườn nhà, hít đến đâu thấy thoải mái đến đó, cơn đau đầu chóng mặt cũng giảm dần. Sóc bảo bà:

 

- Cháu khỏe rồi sẽ đi chặt củi để dành cho bà nấu bánh tét. Tết bà đừng bán con gà mái của cháu. Nó ngoan lắm lại đẻ trứng to nữa chứ.

 

Bà tủm tỉm cười, gật đầu bảo:

 

- Ừ. Bà không bán, bà chỉ để làm thịt thôi.

 

- Ôi không! Bà mà làm thịt nó, cháu sẽ không ăn một miếng thịt gà nào. Cháu sẽ nhịn tết luôn vì buồn.

 

- Cha mày, tí tuổi đã đòi tuyệt thực. Mỗi ngày nó đẻ một trứng là đủ nuôi thằng Sóc nhỏ của bà đấy hả.

 

Bà cười. Cháu cười. Rộn vang cả ngôi nhà nhỏ. Lúc này mùa xuân đã về ngấp nghé bên thềm. Tranh thủ ngày nghỉ về thăm quê, đám thanh niên đã hò nhau đi quanh làng ngắm sẵn một cây tre cao nhất để dành đến 23 tháng Chạp sẽ dựng cây nêu. Nhà văn hóa xã đã được sơn mới, hai bên đường đã được dọn sạch rác rơm. Loa phát thanh xã chiều nào cũng tổng kết năng suất cây trồng vật nuôi sáu tháng cuối năm. Rồi thì tuyên dương phụ nữ ba đảm đang thời kỳ mới, gia đình làm kinh tế giỏi, thôn văn hóa, gia đình văn hóa... Không khí xuân rộn rạo từ đầu làng đến cuối ngõ. Đi đâu cũng thấy người ta bàn chuyện công nợ làm ăn, chuyện thu chi rồi thì chuyện sắm sửa cho ngày tết. Chỉ có bà cháu Sóc là chẳng có chuyện gì hệ trọng để bàn ngoài ao cá, đàn gà. Thấy người ta tính, Sóc cũng tính. Nó bảo:

 

- Từ giờ, gà đẻ cháu không ăn trứng nữa. Để dành nhiều trứng đi thuê người ta ấp. Ở xã mình mới có lò ấp trứng thuê đó bà. Ấp cả trăm quả trứng một lúc, siêu cực. Rồi bà xem, cháu sẽ có một đàn gà vàng ươm, nuôi lớn cháu bán lấy tiền mua quà cho bà.

 

- Bà chẳng cần thứ gì. Chỉ cần Sóc ngoan là bà vui rồi.

 

Sóc ngồi bên bà, vai buông thõng, mắt nó ngó đăm đăm ra ngoài hiên. Mỗi lần như vậy, bà biết Sóc đang nhớ mẹ nhưng nó giấu trong lòng. Sóc bé bỏng lắm. Ở cái tuổi ấy, những đứa trẻ khác còn mè nheo đủ kiểu. Vậy mà Sóc sống với bà tự học cách lớn khôn, đến cả nỗi buồn cũng dằn lòng không nói. Đêm nằm ngủ mớ, Sóc khóc hỏi bao giờ mẹ cháu về? Bà ơi, mẹ có nhớ cháu không? Mấy câu hỏi ấy ban ngày chắc đã cồn cào ruột gan thằng bé. Đã bao lần bà nhắn các con về nhưng chúng cứ mải mê làm ăn nên hẹn lần hẹn lữa. Bà còn biết làm gì hơn ngoài dồn hết tình yêu thương cho Sóc nhỏ.

 

* * *

 

Chiều nay, con trai bà điện về. Nó nói đang tính nhượng lại rẫy cà phê để về quê làm ăn. Làm cà phê bấp bênh lắm, năm được năm không. Tính ra vụ bội thu bù lỗ năm mất mùa đi rồi chẳng còn lại bao nhiêu. Làm ăn ở đâu cũng khó khăn, vậy chẳng thà về quê, cha mẹ, con cái còn được sum vầy sớm tối bên nhau. Ừ, về thôi các con, có nhiều người vẫn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương được đấy thôi. Cái loa phát thanh xã ngày nào chẳng phổ biến mô hình làm kinh tế giỏi, tuyên dương gương lao động giỏi. Có trí lại chẳng sợ gian khổ thì lo gì đời không khấm khá. Về đi cho thằng Sóc nhỏ của bà nó vui. Về cho cửa nhà ấm cúng. Về để lúc đau ốm còn nương tựa lẫn nhau. Về đi thôi các con. Gắng về cho kịp tết này. Bà mừng vui quá, mắt mờ đục ngó di ảnh của ông. Rồi bà lật đật đi ra ngõ chờ Sóc nhỏ đi học về. Từ xa đã thấy cái dáng loắt choắt của nó đang gò lưng đạp xe ngược gió sông. Chỉ tí nữa thôi nó sẽ òa vào lòng bà vì sung sướng…

 

Tối đó, hai bà cháu ra chõng tre ngồi hóng gió. Thằng Sóc hết thắc mắc chuyện nồi cơm của Thạch Sanh làm bằng gì mà kỳ diệu quá bà ơi? Thì nó chuyển qua tính chuyện sẽ đập con heo đất để đi mua chim ở làng bên. Những con chim én kéo về cánh đồng báo hiệu mùa xuân đã bị đám trẻ trâu giăng bẫy bắt. Sáng đi học, Sóc thấy chim được bày bán ngoài đường. Những con lành lặn đều đã được các cụ mua để phóng sinh ngày xuân lấy lộc nên chỉ còn lại vài con què. Người bán chim nói nếu không ai mua sẽ mang chúng về làm thịt.

 

- Chỉ cần cho chim ăn cơm nóng là chúng sẽ khỏi chân đúng không bà? Như là Sóc ăn cháo nóng của bà mà hạ sốt. Rồi cháu cũng sẽ phóng sinh cho chúng. Bà nghĩ nếu được thả ra thì những chú én có ở lại vườn nhà mình không hả bà?

 

- Chúng thuộc về bầu trời rộng lớn nên chúng sẽ bay đi khi hết mùa xuân. Cũng giống như Sóc nhỏ của bà, khi lớn lên cháu sẽ đi khắp nơi nơi, sẽ không còn quanh quẩn bên thềm nhà với bà như bây giờ nữa.

 

- Cháu sẽ không rời xa bà đâu. Sóc nhỏ lúc nào cũng ở bên bà. Nếu có đi đâu cháu cũng sẽ trở về với bà mà. Như ba mẹ cháu cũng sắp trở về bên bà vậy đó.

 

- Mà biết đâu lúc đó bà lại hóa những cánh én nhỏ cũng nên. Để Sóc nhỏ đi đến chân trời nào bà cũng bay theo cháu.

 

Bà cúi xuống vỗ nhè nhẹ vào lưng Sóc. Thằng nhỏ ôm chân bà thiêm thiếp chìm vào giấc ngủ. Những bông hoa đầu tiên đã nở bên thềm, chúng ủ nụ bằng hương xuân thơm ngát. Câu chuyện về mùa xuân, ngày mai bà cháu Sóc sẽ cùng nhau nói tiếp. Còn bây giờ bà muốn nằm xuống bên thằng Sóc nhỏ để vỗ về giấc mơ mềm êm, non nớt… 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Jamie Foxx - Anh hùng giữa đời thường
Chủ Nhật, 24/01/2016 10:42 SA
Người mang sắc hoa sứ đến mọi nhà
Thứ Năm, 21/01/2016 13:00 CH
Ghi nhận sự bứt phá
Thứ Ba, 19/01/2016 09:11 SA
Cổ Thiên Lạc - ngôi sao lặng lẽ sáng
Chủ Nhật, 17/01/2016 15:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek