Âm nhạc đường phố hòa quyện với cải lương - một trong những yếu tố mà những người thực hiện mong “Hừng đông” về hình tượng nhà cách mạng Phan Đăng Lưu không khô cứng.
Poster quảng bá vở diễn “Hừng đông” - Ảnh: Internet |
Tối nay (7/1), tại rạp Hồng Hà (Hà Nội), vở “Hừng đông” là đứa con tinh thần thứ ba của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, gửi gắm cho đạo diễn NSƯT Triệu Trung Kiên, Nhà hát Cải lương Việt Nam được công diễn.
Vở diễn kéo dài đến ngày 9/1. Đạo diễn Triệu Trung Kiên cho biết: “Sau “Chuyện tình Khau Vai”, “Mai Hắc Đế”, tôi đã quen tay hơn. Kịch bản lần này dài hơn 100 trang, sau phải rút gọn phân nửa đủ dung lượng hơn hai tiếng cho một vở diễn”. Tác giả kịch bản Nguyễn Thế Kỷ lý giải việc chọn hình tượng nhà cách mạng Phan Đăng Lưu: Ngoài là một nhà lãnh đạo xuất sắc, mẫu mực, mưu lược, bản lĩnh, nhân văn, ông còn là một trong những bậc tiền bối cách mạng biết cách khai thác văn hóa - văn nghệ, báo chí như vũ khí tranh đấu hiệu quả. Tầm vóc còn thể hiện ở chỗ tôn vinh đồng chí của mình, sẵn sàng lãnh trách nhiệm ở nơi biết rõ mình có thể bị bắt, hy sinh. Phan Đăng Lưu sẽ là quyền Tổng Bí thư thay đồng chí Nguyễn Văn Cừ, nhưng ông tiến cử đồng chí Trường Chinh, còn mình trở lại phía Nam.
Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam phân trần, do nghệ sĩ bận rộn với nhiều kế hoạch, nên thời gian tập vở này khá eo hẹp. Lâu lắm rồi nhà hát mới có một vở với đề tài đấu tranh cách mạng. Vở gần nhất về Nguyễn Thị Minh Khai cách nay gần 20 năm. “Đây là vở diễn chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, cho nên chúng tôi thấy trách nhiệm nặng nề hơn”, đạo diễn Trung Kiên nói. Nghệ sĩ Quang Khải (được giao vai Phan Đăng Lưu) kể, trong thời gian ngắn, anh phải cố giảm 9kg để vào vai, mà đấy chưa phải khó khăn lớn nhất. “Vở diễn trước rất dễ nhớ lời, vở này hết sức khó dù chúng tôi đều nỗ lực. Sát ngày diễn mọi người mới thuộc, bắt đầu thả hồn vào vở diễn, tìm cách bộc lộ tính cách nhân vật và chuyển tải hình tượng thật dung dị”, anh nói.
“Qua xử lý của đạo diễn, tôi thấy vở diễn có hơi thở hơn, nâng tầm lên rất nhiều so với kịch bản”, ông Kỷ nói sau khi xem xong buổi chạy thử đầu tiên tối 3/1. Tác giả hy vọng “Hừng đông” như một lời tri ân các thế hệ đi trước, mong thế hệ ngày nay phát huy tinh thần của thế hệ cán bộ đảng viên, nhân dân hy sinh cho cách mạng. “Tôi yêu cầu đạo diễn làm sao vở diễn phải hết sức chân thực nhưng sinh động”, ông nói.
Điều mới mẻ theo tiết lộ của đạo diễn là mang nghệ thuật đường phố lên sân khấu cải lương. Đạo diễn kể, anh tình cờ gặp nhóm nhạc đường phố HUB, gồm các thành viên 9X. Vở diễn kể trực tiếp câu chuyện giữa đạo diễn và nhóm nhạc này, họ xuất hiện trên sân khấu, chứng kiến câu chuyện và đến một thời điểm cảm xúc dâng cao sẽ dùng âm nhạc để bộc lộ tình cảm, có lúc can dự vào câu chuyện. NSƯT Trung Kiên muốn mang sức trẻ ngày nay lên sân khấu để có tác động qua lại, nhắc nhở về truyền thống văn hóa, tinh thần yêu nước của người Việt Nam. “Lúc đầu tôi cũng lo jazz, rock, nhạc hiện đại hòa cùng cải lương, câu chuyện về cách mạng sẽ bị công. May là nghệ thuật đường phố hòa quyện với cải lương để kể câu chuyện dung dị, rung động”, anh nói.
Khán giả có lẽ không cần lo ngại lời thoại mang tính giáo điều, bởi chính tác giả Nguyễn Thế Kỷ bảo rằng, xem nhiều vở viết về người chiến sĩ cộng sản lời thoại nặng nề. “Tôi cố viết lời thoại bình dị nhất có thể, dù có nhiều đoạn về chính trị. Bên cạnh đó, vở diễn cũng có những chi tiết hờn ghen đời thường, những câu chuyện vui do các đồng chí Trần Phú, Phan Đăng Lưu kể. Câu chuyện cách chúng ta hơn 75 năm, nhưng khán giả có thể cảm thấy những con người ấy vẫn sống bên ta, có những phần của họ trong chúng ta”, ông Kỷ nói. Đạo diễn tiếp lời, đoạn nào cưỡng ép, máy móc thì diễn viên phản ứng ngay, vì họ không thể thoại được. Nhân vật cần hiện lên mộc mạc, mang lại độ mềm mại cho vở diễn.
TUYẾT TRẦN (tổng hợp)