Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh vừa giới thiệu bộ sách được trao giải thưởng 5 năm qua của Hội, gồm 5 tác phẩm mới tái bản của 5 tác giả; trong đó có 2 nhà văn quê gốc Phú Yên là Trần Luân Tín và Phan Hoàng.
Đối với một người cầm bút tài năng và chân chính, việc sáng tác và hoàn thành một tác phẩm có giá trị chẳng hề dễ dàng. Càng khó hơn khi họ phải tìm cách xuất bản, đưa tác phẩm đến với đông đảo bạn đọc. Tất nhiên, đó là không kể đến những tác phẩm “mì ăn liền”, giật gân, câu khách mà các nhà làm sách luôn đón đợi.
Thời chiến tranh, để có được thực tế đời sống làm chất liệu sáng tác và xuất bản, các nhà văn dấn thân vào chiến trường lửa đạn, có người còn hy sinh như: Nam Cao, Dương Tử Giang, Lê Vĩnh Hòa, Nguyễn Thi, Nguyễn Mỹ, Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý, Chu Cẩm Phong… Nhờ đó, di sản văn học họ để lại thực sự là những trang viết bằng máu có giá trị vượt thời gian, trở thành những tác phẩm in đậm dấu ấn lịch sử một thời hào hùng và bi tráng của dân tộc.
Đến thời bình, kinh tế phát triển, việc sáng tác và xuất bản tác phẩm khá thuận lợi, thậm chí là mạnh mẽ và ồ ạt. Nếu như thời chiến và một thời gian sau ngày đất nước thống nhất, các tác phẩm văn học được xuất bản hàng năm rất khiêm tốn, chỉ tính trên đầu ngón tay, thì gần đây mỗi năm, hàng trăm đầu sách văn học được ấn hành, với nhiều thành phần, lứa tuổi cầm bút khác nhau. Tuy nhiên trong số đó, những tác phẩm thực sự có chất lượng lại không nhiều, và càng hiếm hơn số tác phẩm được xét chọn để trao giải thưởng của những hội nghề nghiệp có uy tín.
Dù có nhiều ý kiến khác nhau về quy trình bầu chọn, trao giải thưởng thường niên của hai hội tiêu biểu là Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, nhưng với việc mỗi năm có gần trăm tác phẩm gửi về dự giải và chỉ xét trao cho vài tác phẩm cũng cho thấy sự khắt khe và phần nào giá trị của các giải thưởng này. Có thể vẫn còn những tác phẩm xuất sắc mà tác giả không tham dự giải hoặc bị loại vì nhiều lý do khác nhau, nhưng không thể phủ nhận chất lượng nhất định của những tác phẩm được trao giải chính thức từ hai hội nghề nghiệp trên.
Tuy vậy, một thực tế là sức lan tỏa đến người đọc của đa số tác phẩm được trao giải thưởng chưa lớn, mà chủ yếu là ở khâu ấn hành, quảng bá. Vì lẽ đó, sau khi nhận được sự tài trợ của UBND TP Hồ Chí Minh, Hội Nhà văn thành phố đã phối hợp với NXB Văn hóa Văn nghệ in tái bản và quảng bá bộ sách được trao giải thưởng hàng năm của Hội nhiệm kỳ 2010-2015 vừa qua. Trong đó, 3 tác phẩm được trao giải thưởng chính thức là“Được sống và kể lại” - tập truyện dài của Trần Luân Tín (nhận giải năm 2010), “Chất vấn thói quen” - tập thơ của Phan Hoàng (2012), “Hát đi em” - tập thơ của PrékiMalamak (2014) cùng 2 tác phẩm được trao giải thưởng Nhà văn trẻ: “Cô gái bán ô màu đỏ” - tập truyện ngắncủa Trần Minh Hợp (2011) và“Cỏ đồi phương Đông” - tập truyện ngắn của Tiểu Quyên (2014).
Có thể nói, tác phẩm mang tính tự truyện“Được sống và kể lại” của Trần Luân Tín được viết bằng máu và nước mắt của chính ông và đồng đội về những ngày chiến đấu ác liệt trên chiến trường Quảng Trị giáp ranh thời chống Mỹ. Nghệ sĩ gốc Phú Yên này là một nhà điêu khắc, không có ý thức trở thành cây bút chuyên nghiệp, nhưng những gì Trần Luân Tín viết ra lại có sức lôi cuốn bạn đọc từ trang đầu đến trang cuối nhờ tính trung thực đến từng chi tiết, sự kiện. Trong khi đó, tập thơ “Chất vấn thói quen” của nhà thơ Phan Hoàng, một người cũng quê Phú Yên, được trao phần thưởng của cả Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh và Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012. Theo nhà phê bình Trần Hoài Anh, tập thơ “đã tạo một cơn địa chấn trong đời sống văn học với hơn 20 bài viết đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng” khi vừa trình làng. Ngoài đổi mới về thi pháp, điều đáng chú ý là tác giả đã phản ánh trực diện những vấn đề nóng bỏng của đời sống bằng góc nhìn của cảm xúc thi ca. Tác phẩm được trao giải chính thức thứ ba là tập thơ “Hát đi em” của nhà thơ PrékiMalamak (Trần Vĩnh) người Châu Ro. Đây là giọng thơ lạ của một trí thức người dân tộc thiểu số đi theo cách mạng, thể hiện tình yêu sông núi, niềm tin lãnh tụ, nỗi đau và sự đổi đời của số phận mình, buôn làng mình, dân tộc mình. Bên cạnh đó, hai tập truyện của hai cây bút trẻ Trần Minh Hợp và Tiểu Quyên cũng rất đáng đọc, khi thể hiện tâm thức, cảm nhận, cách nhìn đa chiều của giới trẻ trước bộn bề đời sống phức tạp hôm nay.
Nhà văn Trần Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, cho biết ngay sau khi xuất bản, ban lãnh đạo Hội lên kế hoạch, tiến hành trao tặng sách cho hệ thống thư viện ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành, đặc biệt ưu tiên tặng cho các trường trung học và đại học có giảng dạy bộ môn Văn học. Các tác phẩm này sẽ giúp thầy cô giáo và học sinh sinh viên có thêm tư liệu.
Cần đầu tư mạnh mẽ cho giá trị văn hóa
Việc đầu tư sáng tác, dịch thuật, xuất bản, quảng bá tác phẩm văn học có giá trị là chiến lược văn hóa mà từ lâu nhiều quốc gia phát triển đã làm. Gần đây, nước ta mới bắt đầu có những động thái đó nhưng chưa thực sự mạnh mẽ. Việc bộ sách đoạt giải thưởng 5 năm qua của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh được lãnh đạo thành phố quan tâm hỗ trợ in tái bản, giới thiệu quảng bá là hành động thiết thực hữu ích, không chỉ khuyến khích rộng rãi văn hóa đọc mà còn tạo thêm động lực cho những cây bút tài năng tập trung sáng tác nên những tác phẩm chất lượng cao. Đầu tư cho văn học cũng chính là đầu tư cho những giá trị văn hóa tương lai. |
ĐẶNG TƯỜNG