Thứ Bảy, 12/10/2024 17:21 CH
Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19:
Nhiều hoạt động ý nghĩa
Chủ Nhật, 06/12/2015 08:33 SA

Cảnh trong phim “Cuộc đời của Yến” - Nguồn: NLĐ

Trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19 vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, nhiều hoạt động được tổ chức thu hút đông đảo giới làm phim và công chúng yêu điện ảnh.

 

SỨC HÚT CỦA NHỮNG TÁC PHẨM ĐÍCH THỰC

 

Nỗ lực đưa điện ảnh đến gần hơn với công chúng của Ban tổ chức liên hoan phim đã mang lại những kết quả đáng khích lệ. Sau cảnh khán giả xếp hàng dài lấy vé là cảnh khán giả tấp nập đổ về các rạp để xem phim, chủ yếu là 20 phim truyện điện ảnh tranh giải và các phim khác trong chương trình “Toàn cảnh điện ảnh Việt Nam”. Suất chiếu miễn phí phim Cuộc đời của Yến tại rạp Galaxy Nguyễn Du chật cứng khán giả. Ghế phụ đã được huy động, nhiều khán giả chấp nhận đứng xem, song vẫn có nhiều người phải ra về vì rạp hết chỗ ngồi lẫn chỗ đứng (dù có vé). Đáng ngạc nhiên là trong rạp có không ít khán giả trung niên, lớn tuổi. Hầu hết đều ở lại xem đến cuối phim và nán lại để thưởng thức nốt ca khúc trong phim do Lê Cát Trọng Lý thể hiện.

 

Khi chiếu phim Nước 2030, rạp này cũng rơi vào tình trạng quá tải khán giả. Suất chiếu kết thúc muộn nhưng khán giả vẫn ở lại giao lưu với đoàn làm phim đến gần 23 giờ. Đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh nói anh không thể ngờ được việc khán giả quan tâm đến phim quá nhiều như vậy. Các phim Quyên, Người trở về hay Đập cánh giữa không trung được chiếu vào giờ không cao điểm vẫn không còn một chỗ trống. Có phim, khán giả đã xem rồi nhưng vẫn đi xem lại như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.

 

ĐẦU TƯ CHƯA HIỆU QUẢ

 

Tại hội thảo “Các chính sách và biện pháp ưu đãi phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam”, theo báo cáo của ông Đỗ Duy Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, năm 2015, Nhà nước dành từ 50 đến 70 tỉ đồng để đầu tư mua sắm trang thiết bị và sản xuất phim truyện, phim tài liệu khoa học, phim hoạt hình.

 

Qua số liệu thống kê nhiều năm, có thể thấy Cục Điện ảnh dồn nhiều kinh phí cho phim truyện, đặc biệt là phim lịch sử. Thầu Chín ở Xiêm Người trở về - hai phim có tính lịch sử tranh giải trong liên hoan phim 2015 - được đầu tư hơn 10 tỉ đồng mỗi phim. Trước đó, 10 tỉ đồng được đầu tư cho Những người viết huyền thoại (2013); Sống cùng lịch sử (2014) có kinh phí cao kỷ lục là 21 tỉ đồng. Cá biệt, phim truyền hình Thái sư Trần Thủ Độ sản xuất dịp Đại lễ Thăng Long - Hà Nội (2010) có kinh phí đầu tư lên tới 57 tỉ đồng! Trung bình mỗi tập phim này “ngốn” 1,7 tỉ đồng, cao gấp gần 10 lần so với kinh phí trung bình của một phim truyền hình được sản xuất trong nước.

 

Chiếm phần lớn kinh phí trong tổng số hơn 50 tỉ đồng đầu tư của Nhà nước mỗi năm nhưng phim lịch sử chưa thực sự mang lại hiệu quả kinh tế. Phim Thái Sư Trần Thủ Độ sau khi hoàn thành phải mất ba năm “đắp chiếu” mới được lên sóng. Đến nay, ngoài phim Những người viết huyền thoại có doanh thu lớn nhất - 500 triệu đồng (bằng 1/10 kinh phí đầu tư), những phim lịch sử còn lại đều có doanh thu thấp hoặc không có doanh thu. Các rạp chiếu phim Sống cùng lịch sử phải liên tục hủy bỏ các buổi chiếu vì số lượng khán giả mua vé trong tuần công chiếu chỉ từ hai đến ba người. Còn lại, phim Thầu Chín ở Xiêm Người trở về được sản xuất để phát hành năm 2015 đều chiếu miễn phí.

 

Trước thực trạng đầu tư phim không hiệu quả, chuyên gia các nước có nền điện ảnh phát triển đã gợi ý nhiều giải pháp cho điện ảnh Việt Nam, xoay quanh việc thúc đẩy hoạt động quảng bá phim trong nước, hợp tác sản xuất với nước ngoài, thành lập quỹ hỗ trợ điện ảnh và chú trọng đào tạo nguồn nhân lực làm phim.

 

HỢP TÁC ĐỂ QUẢNG BÁ DU LỊCH

 

Tại hội thảo “Khẳng định vị thế phim Việt” nhấn mạnh việc thúc đẩy du lịch qua các phim truyện, ông Nguyễn Thiên Phúc, giám đốc một công ty du lịch, khẳng định lượng khách du lịch nước ngoài tăng lên đáng kể nếu nhiều đạo diễn đưa hình ảnh đất nước lên phim. Ông Phúc đưa dẫn chứng sau phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, lượng du khách đổ về Phú Yên tăng đột biến. Hiện tượng của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh không phải cá biệt nhưng rõ nhất trong thời hiện đại. Trước đây, khi phim Chuyện của Pao sau khi phát hành ngoài rạp và chiếu trên truyền hình, Hà Giang dần trở thành điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước. Hay ba bộ phim Đông Dương, Người tình Điện Biên Phủ cũng “kéo” được khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam tăng từ 92.000 lên hơn một triệu lượt người ở giai đoạn 1992-1994, trong đó du khách Pháp chiếm đa số.

 

Từ kết quả nghiên cứu này, đại diện ngành Du lịch cho biết họ sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Cục Điện ảnh để quảng bá hình ảnh đất nước trong các dự án phim sắp tới.

 

Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, khẳng định từ năm 2016, Cục sẽ chú trọng sản xuất những bộ phim gắn với quảng bá du lịch. “Chúng tôi hướng đến xây dựng hình ảnh đất nước như một thương hiệu thông qua các bộ phim điện ảnh”, bà Ngô Phương Lan phát biểu. Bà Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TP Hồ Chí Minh, nói: “Trước khi làm thương hiệu quốc tế, phim Việt Nam phải tạo được thương hiệu quốc gia bằng cách thuyết phục khán giả trong nước. Điều này được quyết định bởi chính chất lượng tác phẩm”.

 

Tối qua (5/12), Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19 bế mạc với chủ đề “Lửa thiêng hội tụ”, đã tổng kết, trao giải thưởng cho những tác phẩm xuất sắc ở các hạng mục: Phim truyện điện ảnh, Phim truyện video, Phim tài liệu, Phim khoa học và Phim hoạt hình.

 

YÊN LAN (tổng hợp)

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek