Thứ Bảy, 12/10/2024 15:26 CH
Nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân: Cello là cây đàn định mệnh
Chủ Nhật, 06/12/2015 14:00 CH

Đến với âm nhạc từ khi còn nhỏ, cô bé Đinh Hoài Xuân tập đàn piano, organ, guitar cho đến một ngày “gặp” cello. Bị mê hoặc bởi vẻ đẹp và âm thanh vô cùng quyến rũ, Đinh Hoài Xuân xem cello là cây đàn định mệnh của đời mình. Với nhạc cụ dây này, chị chọn một lối đi riêng và ra mắt những sản phẩm âm nhạc ấn tượng.

 

Nghệ sĩ cello Đinh Hoài Xuân giao lưu, biểu diễn tại Trường đại học Xây dựng Miền Trung - Ảnh: Y.LAN

 

* Vì sao chị gắn bó với cây đàn cello - một nhạc cụ không phổ biến ở Việt Nam? 

 

Nghệ sĩ cello Đinh Hoài Xuân sinh ra và lớn lên ở Huế, học cello tại Đại học Nghệ thuật Huế, sau đó học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Năm 2012, chị tốt nghiệp cao học loại xuất sắc. Chị đã ra mắt CD độc tấu nhạc Trịnh Khúc phiêu du một đời, MV Sóng về đâu, MV Hướng về Hà Nội.

- Lúc Xuân còn bé tí, lần đầu tiên nhìn thấy cây đàn cello là yêu luôn. Xuân nghĩ: Tại sao có một cây đàn rất đẹp và âm thanh lại quyến rũ như thế? Thế là học ngay. Lúc đó Xuân đã chơi được piano, organ và guitar một chút rồi. Xuân quyết định chuyển sang học đàn cello và càng ngày càng yêu. Cello là cây đàn định mệnh của đời mình, không có một lý do nào mà mình từ bỏ nó. 

 

* Được đào tạo bài bản tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam nhưng sau khi tốt nghiệp, chị không tham gia vào dàn nhạc giao hưởng, cũng không đi dạy mà “ra mắt” thị trường âm nhạc bằng album kèm MV chơi lại các sáng tác nổi tiếng của Trịnh Công Sơn. Khác với các ca sĩ hát nhạc Trịnh - “kể chuyện” và truyền cảm xúc bằng giọng hát, chị “kể chuyện” và truyền cảm xúc bằng tiếng đàn cello, điều này hoàn toàn không đơn giản bởi sự mê hoặc của nhạc Trịnh là ở ca từ. Vì sao chị lại “làm khó” mình như thế? 

 

- Người phương Tây nói rằng đàn cello có một quãng âm trầm ấm như giọng người. Đấy là điều vô cùng đặc biệt. Tiếng đàn dễ dàng truyền cảm xúc đến trái tim khán giả khi thể hiện những bản nhạc du dương tình cảm. Đó là thế mạnh của cello. Song ở Việt Nam, nhiều người không biết đây là cây đàn gì. Những khi Xuân đi biểu diễn, các bạn trẻ hỏi: Chị ơi, đây là cây đàn gì vậy, tên nó là gì? Cello thuộc bộ dây, bộ này gồm 4 cây đàn: nhỏ nhất là violon, lớn hơn một tí là viola rồi đến cello và cây đàn to hơn cả người chơi đàn là contrabasse. Cây đàn càng to thì âm càng trầm ấm, thường đảm nhiệm chơi bass trong dàn nhạc giao hưởng. Nhưng Xuân không tham gia dàn nhạc giao hưởng mà muốn biến cello thành một cây đàn solo trên thị trường âm nhạc Việt Nam. 

 

Âm nhạc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thấm đẫm triết học phương Đông. Chuyển tải những giai điệu của Trịnh Công Sơn bằng tiếng đàn cello, về kỹ thuật không khó, nhưng để chuyển tải tình yêu mà tác giả gởi gắm vào trong tác phẩm quả thật không đơn giản chút nào. 

 

* Chơi nhạc trong dàn nhạc giao hưởng đòi hỏi rất nhiều kỹ thuật, còn khi thể hiện những bản nhạc của Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Anh Bằng, Phạm Duy… thì sao, thưa chị? 

 

- Những tác phẩm âm nhạc đã đi vào lòng công chúng có sức sống vô cùng mãnh liệt. Trước khi thể hiện một tác phẩm nào đó của Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Phạm Duy, Anh Bằng, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Văn Tý…, Xuân đều tìm hiểu kỹ xem liệu với tác phẩm này, cây đàn cello có dễ dàng truyền tải được cảm xúc. Xuân sẽ làm những việc như thế trong tương lai, cố gắng truyền tải tất cả tình cảm của trái tim vào tiếng đàn. 

 

* Con đường nghệ thuật vô cùng chông gai, vất vả. Có người còn ví lao động nghệ thuật như lao động… khổ sai. Theo chị, người nghệ sĩ phải làm sao để nuôi dưỡng niềm đam mê và đi trọn con đường nghệ thuật? 

 

- Đúng là lao động âm nhạc nói riêng, lao động nghệ thuật nói chung vô cùng gian khổ, song nếu mình cố gắng thì chắc chắn sẽ thành công. Xuân còn nhớ có một năm ròng Xuân phải từ Huế ra Hà Nội ôn thi. Cứ đến thứ sáu là Xuân đón xe đò ra Hà Nội để ôn thi vào thứ bảy, chủ nhật, chiều chủ nhật lại đón xe từ Hà Nội về Huế để thứ hai học tiếp ở Huế. Vất vả vô cùng nhưng Xuân quyết tâm, phải cố gắng để thành công. Đó là vì có tình yêu âm nhạc. Con đường nghệ thuật vô vàn chông gai nhưng mình đã đam mê và xác định đây là cây đàn của cuộc đời mình thì dù khó khăn mấy cũng phải đi tới đích. 

 

* Ai là người có ảnh hưởng lớn và truyền cảm hứng cho chị? 

 

- Xuân chịu ảnh hưởng từ bố rất nhiều. Bố là đại tá quân đội, mẹ là nhà giáo, cả nhà không có ai theo con đường nghệ thuật nhưng ai cũng có tâm hồn nghệ thuật và ai cũng hát hay. Biết con có thiên hướng nghệ thuật, bố Xuân định hướng: Con cứ học, cứ đi theo niềm đam mê và cố gắng hết sức mình. Dù có được sản phẩm hay không thì trong quá trình thực hiện mình có trải nghiệm, kinh nghiệm, đấy đã là thành công rồi. 

 

Học nhạc rất vất vả, Xuân học 7 năm sơ cấp, bắt đầu từ khi 10 tuổi, sau đó học 4 năm trung cấp, 5 năm đại học, 2 năm cao học, tổng cộng là 18 năm, sắp tới thêm 4 năm học ở châu Âu nữa là 22 năm đi học. Nếu không có ngọn lửa đam mê luôn cháy thì không thể đi tiếp con đường quá gian nan và dài như thế. Trong số các bạn từng học ở Huế với Xuân, sau này chỉ có vài bạn trụ lại với âm nhạc, một số bạn chuyển sang ngành nghề khác và đã lập gia đình. Âm nhạc là con đường quá khó khăn! 

 

* Chị sẽ nói gì với các bạn trẻ đam mê nghệ thuật và muốn tìm thấy chính mình trong nghệ thuật?

- Khi Xuân chơi nhạc thì đó là chính mình, tâm hồn mình gởi gắm vào nốt nhạc. Nếu các bạn có niềm đam mê và xác định con đường mình sẽ đi thì đừng bao giờ từ bỏ. Dù khó khăn mấy cũng giữ niềm đam mê của mình để đạt đến thành công. 

 

* Xin cảm ơn chị!

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek