Mỗi một tiết mục biểu diễn tại Hội diễn văn nghệ Người khuyết tật tỉnh Phú Yên năm 2015 đều mang đến niềm xúc động riêng cho khán giả. Bởi âm nhạc cất lên từ trái tim của người đứng trên sân khấu đã chạm đến trái tim khán giả.
DẠT DÀO CẢM XÚC
Hội diễn văn nghệ Người khuyết tật tỉnh Phú Yên năm 2015 đã để lại ấn tượng và tình cảm tốt đẹp trong lòng khán giả. Qua hội diễn lần này, ngành VH-TT-DL tỉnh sẽ có những giải pháp để phát triển, nâng cao chất lượng phong trào văn hóa, văn nghệ người khuyết tật, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa ngày càng cao của những người khuyết tật.
Ông Nguyễn Ngọc Thái, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL |
Tiết mục hát múa Một đời người, một rừng cây (sáng tác Trần Long Ẩn) do tập thể thiếu nhi đến từ Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phú Yên biểu diễn mở màn hội diễn. Với giai điệu và ca từ đẹp, Một đời người, một rừng cây cũng là bài hát mà Đoàn nghệ thuật quần chúng huyện Phú Hòa và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Phú Yên chọn để thi diễn. Anh Lê Văn Thiện, thí sinh đến từ Đoàn nghệ thuật quần chúng huyện Phú Hòa, cho biết: “Bài hát Một đời người, một rừng cây có những câu hát cổ vũ tinh thần, động viên tôi cố gắng vượt qua nỗi đau tật nguyền mà sống lạc quan hơn. Vì thế tôi chọn bài hát này để tham gia hội diễn”.
Bên cạnh sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Long Ẩn, các ca khúc xúc động về mẹ, về người lính, về tình yêu như Huyền thoại mẹ (Trịnh Công Sơn), Vết chân tròn trên cát (Trần Tiến), Tình cây và đất (Tô Thanh Tùng)… lần lượt được cất lên trong hội diễn.
Một trong những ấn tượng đặc biệt tại hội diễn là âm thanh của nhạc cụ. Các bài độc tấu, song tấu đàn nhị, sáo trúc, guitar… khi da diết, lúc rộn ràng, đã chạm được đến trái tim người nghe. Ông Trần Mỹ, nhạc công khiếm thị đến từ Đoàn nghệ thuật quần chúng TX Sông Cầu, chia sẻ: “Tôi tham gia hội diễn với tiết mục độc tấu đàn nhị Đoàn giải phóng quân và đệm đàn guitar cho bài hát Tình đồng chí. Là một người khiếm thị, tôi luôn xem cây đàn của mình như người bạn thân thiết. Hy vọng các cấp, ngành Văn hóa sẽ tổ chức nhiều hơn các sự kiện giao lưu văn nghệ để những người kém may mắn như chúng tôi có thể giao lưu qua lời ca, tiếng nhạc”.
Theo ông Huỳnh Trọng Thống, Trưởng đoàn Nghệ thuật quần chúng huyện Phú Hòa, đây là lần đầu tiên, ngành Văn hóa tổ chức hội diễn văn nghệ dành cho người khuyết tật với quy mô toàn tỉnh. Việc tìm kiếm hạt nhân văn nghệ đã khó, thuyết phục họ đứng trên sân khấu càng khó khăn hơn. Tuy nhiên sau khi luyện tập, các diễn viên không chuyên đã quên đi mặc cảm về khiếm khuyết của cơ thể mà tự tin biểu diễn. Chính vì thế sân khấu văn nghệ đặc biệt này trở nên giàu cảm xúc và ấm áp hơn.
TIẾNG HÁT, TIẾNG LÒNG
Hà Văn Phúc, thí sinh khiếm thị đến từ Đoàn nghệ thuật quần chúng TP Tuy Hòa, chỉ mới 13 tuổi. Trong trang phục đậm chất nghệ sĩ, em tự tin vừa đệm đàn organ vừa hát. Giọng ca của Phúc trong trẻo, khi vút cao, khi sâu lắng. Bài hát Nỗi đau mặt trời do Hà Văn Phúc thể hiện đã đẩy cảm xúc lên đỉnh cao, khiến nhiều khán giả rơi nước mắt. Bài hát như lời tự sự của những hoàn cảnh không may mắn trong cuộc sống: “Em, ngày em mới sinh ra đời/ Là ngày em mang nỗi đau/ Tiếng khóc đầu đời dưới ánh mặt trời/ Đâu ngờ đêm đen phủ vây/ Em, ngày em biết nói cười là ngày nước mắt mẹ rơi khi nhìn con thơ đớn đau/ Trong từng đêm trắng khóc thương…”. Phúc thổ lộ: “Mắt em không thấy nên cuộc sống chỉ có âm nhạc là niềm yêu thích. Em nghe bài hát này hay quá nên hát theo. Em học đàn từ một chú chơi organ ở gần nhà. Em rất vui vì bài hát đã đoạt giải A tại hội diễn”.
Anh Võ Văn Thỉnh đến từ Đoàn nghệ thuật quần chúng huyện Sơn Hòa, bộc bạch: “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia biểu diễn văn nghệ, với tiết mục múa ngồi trên xe lăn có tên Lời ru sau chiến tranh nói về nỗi đau da cam. Tôi bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, hai chân không đi lại được. Tôi tham gia hội diễn để nói lên tiếng lòng về nỗi đau chiến tranh để lại trên thân thể tôi và nỗi đau của những người không may mắn như tôi”.
Theo chị Nguyễn Thu Hương, khán giả đến từ thị trấn Hòa Vinh (huyện Đông Hòa), tiếng hát của những người khuyết tật chính là tiếng lòng của họ, vì thế chị rất xúc động khi xem họ biểu diễn. “Tôi xem văn nghệ như xem cách người khuyết tật vượt lên, chiến thắng nghịch cảnh. Chỉ trên sân khấu đặc biệt này, tôi mới bắt gặp nhiều hình ảnh đẹp khiến khán giả rơi nước mắt”, chị Hương tâm sự.
Hội diễn văn nghệ Người khuyết tật tỉnh Phú Yên năm 2015 do Sở VH-TT-DL phối hợp với Sở LĐ-TB-XH tổ chức, vừa diễn ra tại Nhà văn hóa Diên Hồng (TP Tuy Hòa). Hội diễn thu hút 65 diễn viên khuyết tật của 9 đoàn nghệ thuật quần chúng đến từ TP Tuy Hòa, TX Sông Cầu và các huyện: Phú Hòa, Đông Hòa, Tây Hòa, Sơn Hòa, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Phú Yên, Hội Người mù tỉnh, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phú Yên. Kết thúc hội diễn, Ban tổ chức trao 4 giải A, 4 giải B, 1 giải C toàn đoàn; 9 giải A, 12 giải B, 6 giải C cho các tiết mục xuất sắc.
Hội diễn nằm trong chuỗi hoạt động thuộc đề án Người khuyết tật năm 2015. |
DIỆU ANH