Thứ Bảy, 12/10/2024 21:25 CH
Tinh thần Nguyễn Du không cần “xác lập kỷ lục”
Chủ Nhật, 29/11/2015 13:00 CH

Bà ngoại tôi là một lão nông mù chữ nhưng thuộc làu làu Truyện Kiều, Lục Vân Tiên cùng nhiều truyện Nôm khuyết danh. Mỗi khi dạy con cháu, bà hay vận dụng thơ, ca dao, tục ngữ. Vào những ngày chủ nhật thuở còn tiểu học, tôi “nịnh” xoa bóp chân tay, đấm lưng cho ngoại rồi nhờ bà đọc đi đọc lại từng câu thơ để tôi chép. Những quyển vở ghi chép ấy bây giờ tôi vẫn còn giữ gìn như báu vật. Ngọn lửa tình yêu thơ ca, văn chương trong tôi cũng nhen nhóm từ đó.

 

Một bản “Truyện Kiều” cổ - Nguồn: Internet

Dù thuộc lòng nhưng bà ngoại tôi không hề biết Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng như Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Sau này lớn lên, nhờ đi học, tôi mới biết tác giả những áng văn chương của dân tộc. Không chỉ bà ngoại tôi mà nhiều cụ già mù chữ ở các vùng quê xa xôi cũng thuộc nằm lòng Truyện Kiều cùng các tác phẩm truyện thơ khác. Bên cạnh tập Kiều, lẩy Kiều, bói Kiều, các cụ còn ngâm ngợi Kiều để giải tỏa nỗi ưu tư của số phận nghèo khó trước thiên tai địch họa, buồn vui đời sống thường nhật sau lũy tre làng, dùng Kiều để răn dạy con cháu điều hay lẽ phải. Tác dụng ấy của Truyện Kiều có lẽ cụ Nguyễn Du khi sáng tác không hề nghĩ tới. Tình yêu, niềm tự hào Truyện Kiều trong lòng mỗi người Việt Nam từ xưa đến nay thực sự là… kỷ lục “độc nhất vô nhị”.

 

Ngoài kiệt tác Truyện Kiều, di sản văn học của đại thi hào Nguyễn Du còn rất phong phú, đồ sộ với nhiều tác phẩm giá trị sáng tác bằng chữ Nôm, chữ Hán khi ông làm quan ở kinh thành, đi sứ hoặc thời kỳ luân lạc vì chiến tranh và lui về quê ở ẩn. Tuy nhiên, nói đến Nguyễn Du là nói đến Truyện Kiều, đỉnh cao của lịch sử văn chương Việt, giống như nói đến Goethe của Đức là mọi người nghĩ ngay đến tác phẩm Faust, Dante của Ý với Thần khúc, hoặc Puskin của Nga với những áng thơ tình bất hủ. Họ đều là những thiên tài văn học của nhân loại. Và chủ yếu nhờ Truyện Kiều mà nhân kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Nguyễn Du, Hội đồng Hòa bình thế giới đã tôn vinh ông là Danh nhân Văn hóa thế giới năm 1965, trở thành người Việt Nam đầu tiên nhận vinh dự lớn này. Và đến năm 2015, nhân kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Nguyễn Du, lần thứ hai ông được tôn vinh Danh nhân Văn hóa thế giới do tổ chức UNESCO trao tặng. Đó là những kỷ lục mà đến nay Nguyễn Du là người Việt Nam duy nhất được vinh danh.

 

Quá trình nghiên cứu Truyện Kiều, các nhà Kiều học còn đã phát hiện nhiều kỷ lục thú vị trong chính kiệt tác này. Chẳng hạn, trong lịch sử văn học Việt Nam, đây là tác phẩm có tỉ lệ câu thơ lục bát đạt chuẩn mực niêm luật cao nhất, sử dụng nhiều và thành công nhất thành ngữ thuần Việt lẫn thành ngữ Hán Việt, xây dựng được nhiều nhân vật điển hình nhất có ảnh hưởng trong đời sống dân gian, thể hiện hình ảnh các loài hoa trong tự nhiên nhiều nhất, dịch ra tiếng nước ngoài nhiều nhất với hơn 20 ngôn ngữ, được các chính khách trong và ngoài nước sử dụng nhiều nhất khi bang giao… Đó là những kỷ lục đáng chú ý từ “nội hàm” của Truyện Kiều.

 

Trong khoảng 10 năm qua, khi phong trào “xác lập kỷ lục” ở nước ta rộ lên với những cái to nhất, nhỏ nhất, dài nhất, ngắn nhất, nặng nhất, độc nhất… thì mấy mươi kỷ lục loanh quanh ngoài Truyện Kiều cũng được “xác lập” theo. Ví dụ như vở cải lương về Kiều có thiết kế sân khấu lớn nhất, đội ngũ diễn viên đông nhất, thiết kế phục trang nhiều nhất, dàn nhạc có nhiều nhạc công nổi tiếng nhất, đầu tư lớn nhất; cuốn “Kiều tân truyện” dài nhất, quyển Kiều viết bằng thư pháp nặng nhất, bản hợp xướng dựa theo Kiều dài nhất, người vẽ tranh lụa về Kiều nhiều nhất, bài thơ về Kiều có nhiều cách đọc nhất, người đầu tiên viết Kiều trên đá cuội... Có thể sắp tới biết đâu còn xuất hiện “kỷ lục” những người đầu tiên viết Kiều trên gốm sứ, gạch, sắt, thân cây, tường nhà, tường cơ quan hoặc vẽ Kiều nhiều nhất trên giấy dó, giấy báo, giấy vở, giấy ăn… và những cuốn sách viết tiếp về Kiều nhỏ nhất, to nhất, ngắn nhất. Lạ hơn, nghe đâu người ta đang còn đề cử kỷ lục thế giới về những điều xung quanh ngoài… Kiều!

 

Không ai ngăn cấm người Việt Nam thể hiện sự yêu quý, trân trọng Truyện Kiều. Nhưng vấn đề đặt ra là những kỷ lục không thuộc về nội dung Truyện Kiều kia có giá trị đến mức nào, được xác lập để tôn vinh cụ Nguyễn Du và văn hóa Việt hay vì lý do nào khác? Với hai lần được vinh danh trên thế giới, đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều tự thân đã đạt kỷ lục. Đó là chưa kể sự lan tỏa, tác động từ nội dung tư tưởng và thẩm mỹ của tác phẩm đến đời sống người Việt và nhiều dân tộc trên thế giới. Còn tình yêu, niềm tự hào đối với Truyện Kiều thì từ lâu người Việt Nam đã thể hiện một cách âm thầm lặng lẽ qua những sinh hoạt hàng ngày, mà bà ngoại tôi cùng những lão nông mù chữ khác thuộc làu làu kiệt tác này là minh chứng, và họ cũng chẳng cần “xác lập kỷ lục” để làm gì!

 

Kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Nguyễn Du là dịp để chúng ta nhìn lại con người và sự nghiệp văn chương vĩ đại mang tầm nhân loại của bậc đại thi hào, đặc biệt là Truyện Kiều - một bảo tàng tiếng Việt kết tinh vẻ đẹp, bản sắc, trí tuệ, tinh thần văn hóa dân tộc, qua đó giáo dục cho thế hệ trẻ cảm thụ, hiểu sâu hơn những giá trị chân thiện mỹ mà cha ông để lại. Đây cũng là dịp để chúng ta quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới với một nền lịch sử nhân văn đáng tự hào, dù đất nước trải qua hàng ngàn năm chống chọi thiên tai và ngoại xâm “chìm nổi” như thân phận nàng Kiều và chính cuộc đời cụ Tiên Điền. Mọi hình thức phô trương lễ lạc tốn kém và cả những hư danh “chạy” loanh quanh Truyện Kiều hoàn toàn xa lạ với tinh thần văn hóa Nguyễn Du.

 

PHAN HOÀNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek