Chủ Nhật, 13/10/2024 07:23 SA
Những người “giữ hồn” văn hóa Ê Đê ở Krông Pa
Thứ Năm, 12/11/2015 13:00 CH

Xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa) - nơi còn lưu giữ gần như nguyên vẹn các nét văn hóa truyền thống độc đáo của người Ê Đê Phú Yên. Bởi ở đây có khoảng 80% người Ê Đê sinh sống và trong số họ có nhiều người am hiểu các tập tục, các loại hình văn hóa - nghệ thuật, sinh hoạt tín ngưỡng độc đáo của cộng đồng người Ê Đê Phú Yên.

 

Các cháu sum vầy nghe Ama Thoan chơi đàn và kể chuyện - Ảnh: T.DIỆU

 

CHUYỆN THÚ VỊ CỦA AMA THOAN

 

Ở tuổi 67, ông Rahlan Y Rim (người dân địa phương vẫn gọi bằng cái tên triều mến là Ama Thoan) ở buôn Lé B là người am hiểu các phong tục tập quán, các loại hình nghệ thuật của người Ê Đê ở xã Krông Pa. Trong căn nhà dài ấm áp của mình, Ama Thoan vừa chơi đàn bầu tự chế vừa kể chuyện về văn hóa truyền thống của người Ê Đê. Tiếng đàn bầu nghe như tiếng suối chảy, tạo cảm giác hân hoan cho người nghe. Trong câu chuyện của Ama Thoan, lịch sử văn hóa của người Ê Đê ở xã Krông Pa hiện ra rõ ràng và tinh tế.

 

Ama Thoan nhấn mạnh: “Trong gia đình người Ê Đê xưa những vật dụng không thể thiếu là gùi, cối giã lúa và dụng cụ dệt vải, bởi đây là những dụng cụ cần thiết nhất phục vụ cho đời sống hàng ngày của bà con. Trong các nghi lễ, lễ cúng mùa lúa mới của làng là quan trọng nhất với người dân. Tiếp sau đó là lễ mừng cơm mới và lễ cúng chòi lúa của mỗi gia đình. Cồng chiêng sử dụng trong các nghi lễ mừng lúa mới, mừng thọ, bỏ mả, thi diễn và sinh hoạt vui chơi”.

 

Từ năm 1976, Ama Thoan được người dân Krông Pa tín nhiệm bầu giữ các chức vụ Chủ tịch UBND xã và Bí thư Đảng ủy xã Krông Pa trong nhiều năm liền. Người dân yêu quý Ama Thoan không chỉ vì sự hiểu biết và vốn sống của ông mà còn ở tài hoa mà Ama Thoan sở hữu. Hiện Ama Thoan có thể chơi điêu luyện các loại nhạc cụ như: Cồng chiêng, đàn bầu, K’ní, goong, đinh năm của người Ê Đê. Ngoài ra, Ama Thoan còn là nghệ nhân đẽo tượng nhà mồ. Tượng nhà mồ là lễ vật không thể thiếu của người sống dành cho người chết trong lễ bỏ mả của người Ê Đê.

 

Ông Y Cách, Trưởng buôn Lé B, cho biết: “Với người Ê Đê ở Krông Pa, Ama Thoan là người được dân làng yêu mến. Người nào muốn tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của người Ê Đê ở xã Krông Pa thường tìm gặp Ama Thoan”.

 

NHỮNG NGƯỜI TÀI HOA

 

Không giống Ama Thoan am hiểu cả lịch sử, văn hóa của người Ê Đê ở xã Krông Pa, buôn Lé B còn có Nay Y Thanh có biệt tài giả giọng các loài vật. Tiếng nhiều con chim rừng, con bò, con nghé, nói chung hầu hết những con vật Y Thanh tiếp xúc, anh đều giả giọng thật giống, thật hay. Cái biệt tài này là độc nhất ở Krông Pa. Với biệt tài này, Nay Y Thanh đã tham gia nhiều lễ hội giao lưu văn hóa trong và ngoài tỉnh.

 

Y Thanh chia sẻ: “Giữa hoang vu đại ngàn, lắm khi tôi chỉ có một mình với muông thú. Nghe tiếng chim hót, thú kêu, mình bắt chước theo để làm bạn với chúng. Sau mọi người biết đến, thường bảo tôi giả giọng thú rừng cho họ nghe. Nhờ có khả năng này mà tôi có thể đi giao lưu khắp nơi và mang một phần bản sắc thú vị của người vùng cao đến đó”.

 

Hiện nay, trong nhà Y Thanh còn lưu giữ nhiều giấy khen, giấy chứng nhận tại các hội diễn nghệ thuật, Liên hoan văn hóa các dân tộc toàn quốc 2002, Hội diễn nghệ thuật quần chúng An ninh quốc phòng năm 2007…

 

Nói về những người “giữ hồn” văn hóa Ê Đê tại xã Krông Pa còn phải kể đến Oi Jiet (Ma Nghin) ở buôn Lé A, bởi ông là người kể khan hay nhất xã Krông Pa hiện nay. Ma Nghin có biệt tài nhớ dai các bài sử thi cổ. Ai trong buôn Lé A cũng đã có dịp nghe Ma Nghin kể khan. Trong không gian quây quần bên nhà rông buôn Lé A, Ma Nghin hớp một hơi ly rượu đế và bắt đầu kể. Làn hơi dài và giọng cao ngút, ông quyến rũ người nghe bằng câu chuyện về chàng Xing Chi Ngã tài giỏi đã diệt trừ tên Gia Rơ Bú độc ác, trả thù cho cha mẹ chàng.

 

Ma Nghin tâm sự: “Hồi bé, tôi hay ngồi nghe ông bà, rồi cha mẹ kể khan về những người anh hùng trong văn hóa của người Ê Đê. Tôi rất mê nên học thuộc, chép ra giấy lưu lại, rồi kể cho con cháu và hàng xóm nghe. Lũ nhỏ bây giờ nghe khan sẽ phần nào biết được cội nguồn văn hóa tâm linh của người Ê Đê”.

 

Nói về vai trò quan trọng của Ma Nghin trong việc lưu truyền hình thức văn học truyền miệng dân gian này của người Ê Đê xã Krông Pa, Ma Thân, Trưởng buôn Lé B, cho biết: “Bên men rượu nồng, mọi người quây quần nghe Ma Nghin kể khan phải hết 2 ngày 2 đêm ròng rã. Ma Nghin kể hay tới mức mà người lớn quên cả ngủ, lũ trẻ ngủ gật rồi tỉnh lại mà nghe. Người có thể kể khan như Ma Nghin ở xã Krông Pa này là rất hiếm”.

 

Những người “giữ hồn” văn hóa Ê Đê ở Krông Pa hôm nay vẫn miệt mài làm nhiệm vụ chuyển tải giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Ê Đê cho thế hệ con cháu. Trong những câu chuyện kể, đôi khi họ dừng lại, lặng lẽ, thoáng chút bùi ngùi, tiếc cho vài giá trị văn hóa đang mai một dần theo thời gian.

 

Ama Thoan, Nay Y Thanh và Ma Nghin là những người tài hoa và nhiệt huyết của xã Krông Pa. Họ đã truyền cảm hứng cho những người trẻ noi gương. Chính vì thế, Krông Pa luôn có một lực lượng hạt nhân bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người Ê Đê không chỉ ở xã mà còn trên địa bàn huyện Sơn Hòa.

 

Ông Rơ Ô Ble, cán bộ văn hóa xã Krông Pa

 

DIỆU ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek