Nhà thơ Lê Anh đã giã biệt chúng ta sau gần một năm chống chọi với bệnh tật, hưởng thọ 67 tuổi. Người anh hiền lành, trong trẻo của giới cầm bút Phú Yên đã đi xa, xa mãi vào dòng “Sông Thức” chi chít những “Hoa Xương Rồng trên cát” thắm đỏ ven sông.
Nhà thơ Lê Anh (ngồi trên tảng đá) và tác giả ở Đá Bia - đèo Cả - Ảnh: Đ.THẮNG |
Mấy chục năm làm thơ, gửi hương cho gió ở hạ bạn Đà Rằng, Lê Anh để lại cho đời khoảng 200 bài thơ, trong đó Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên tuyển chọn 48 bài in trong tập thơ “Hoa Xương Rồng trên cát” (xuất bản tháng 7/2006) và 71 bài in trong tập thơ “Sông thức” (Nhà xuất bản Thanh niên 10/2012). Lê Anh cộng tác khá đều với Tạp chí Văn nghệ Phú Yên, trang thơ Báo Phú Yên.
Là một hội viên mẫu mực của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Phú Yên, Lê Anh dốc trọn đam mê, cảm xúc và những rung động sâu thẳm để lại những tiếng tơ cho đời bằng ngôn ngữ thơ. Nhiều bài thơ của anh lắng khá sâu trong lòng những người yêu thơ. Anh đã từng được giải thưởng về thơ của Sở LĐ-TB-XH Phú Yên.
Các tuyển tập văn học hoành tráng nhất của Phú Yên đều trân trọng ghi nhận sự đóng góp nghệ thuật của anh bằng ngôn ngữ thơ.
Tuyển tập tác phẩm văn học Phú Yên thế kỷ XX (tháng 11/2004) trân trọng giới thiệu tác giả Lê Anh ba bài thơ “Lời hoa cỏ”, “Cuối chạp”, “Ngày xuân mới”.
Ba Đà Rằng này, từng được làm thành viên ban tuyển chọn tuyển thơ 30 năm Nguyên tiêu Phú Yên 1980-2010 (Nhà xuất bản Thông tin - Truyền thông 2/2010) và Văn học Phú Yên 400 năm (NXB Văn học 4/2011) đã đề xuất chọn hai bài thơ “Lời giãi bày” và “Uống rượu dưới chân Tháp Nhạn” đưa vào tuyển tập, được cả tác giả và Ban tuyển chọn đồng tình hoan nghênh.
Lê Anh đã rất chịu khó đọc bài “Uống rượu dưới chân Tháp Nhạn” cho bạn bè bốn phương để họ cảm sâu hơn về Phú Yên và ngộ ra đôi điều là vùng đất này cũng có đôi người làm thơ coi được…
Những bữa rượu la đà trong mây ở lưng chừng đèo Cả, Lê Anh ấp ủ nhiều dự định sáng tác thánh thiện, chân thành để góp phần làm đẹp quê hương bằng ngôn ngữ thơ.
Đối diện với sinh ly tử biệt hàng năm trời, Lê Anh để lại tiếng lòng dưới dạng di cảo nhiều thi phẩm xúc động. Xin trích một bài trong số đó (Lời thầm thì) như một nén hương tri ân tiễn một hồn thơ quê hương về cõi thinh không:
Mai tôi về
Với thinh không
Ai sẽ tìm tôi
Trong hun hút gió
Một hạt bụi
Tan giữa cõi hư vô
Giờ tôi một nhánh cây khô
Trơ trọi một mình
Nỗi nhớ
Tôi gọi tôi
Bằng giọt nước mắt
Rơi vào đêm
Quạnh quẽ
Đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng, các thi hữu Câu lạc bộ Thơ Đường TP Tuy Hòa (Nguyễn Công Đức, Trần Ngọc Thành…) đã đọc thơ tống biệt và rưới rượu trên mộ theo đúng cốt cách Cao Bá Quát ngày xưa “Đoạn tống nhất sinh duy hữu tửu” (Đưa tiễn một người đi chỉ có rượu).
Và xin được giới thiệu hai bài thơ “Lời giãi bày” (tuyển thơ 30 năm Nguyên tiêu Phú Yên), “Uống rượu dưới chân Tháp Nhạn” (Văn học Phú Yên 400 năm) để nói rằng quê hương và cuộc đời ghi nhận, tri ân những đóng góp của nhà thơ Lê Anh.
BA ĐÀ RẰNG