Quê ở xứ Thanh, làm việc tại Hà Nội, song chị đã dành cho Trường Sa trái tim mình. Tình yêu đó được gửi vào tiếng hát, trong những lần vượt sóng ra đảo xa, và gửi vào album nhạc Gần lắm Trường Sa. Chị là Nghệ sĩ ưu tú Khánh Hòa - “cô gái của Trường Sa”.
Nghệ sĩ ưu tú Khánh Hòa hát trên sân khấu Phú Yên - Ảnh: Y.LAN |
Cùng các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long - Hà Nội, Nghệ sĩ ưu tú Khánh Hòa đến Phú Yên biểu diễn mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI thành công. Chị hát Đừng ví em là biển và Gần lắm Trường Sa, được khán giả nồng nhiệt cổ vũ. Báo Phú Yên đã phỏng vấn Nghệ sĩ ưu tú Khánh Hòa sau đêm diễn, về những tình cảm đặc biệt mà chị dành cho Trường Sa.
* Chị có thể chia sẻ cảm xúc của mình sau khi đi một quãng đường xa đến Phú Yên và hát hai ca khúc về biển đảo?
- Mặc dù đi đường rất vất vả nhưng đến đây nhìn thấy những gương mặt của khán giả, mình rất hạnh phúc. Đặc biệt, nhận được sự cổ vũ động viên của khán giả, bao mệt mỏi của mình đã tan biến. Rất cảm ơn khán giả Phú Yên đã dành cho mình những tình cảm tốt đẹp!
* Vì đâu mà chị dành những tình cảm đặc biệt cho lính Trường Sa?
- Năm 2009, lần đầu tiên mình được đi biểu diễn phục vụ cán bộ chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa. Khi đặt chân đến Trường Sa, mình vô cùng ngỡ ngàng trước sự bao la của biển cả. Và mình cảm nhận sự hy sinh lớn lao của những người lính đảo. Họ đương đầu với gian khổ, thiếu thốn, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Mình rất xúc động trước điều đó.
Người lính Trường Sa thiếu thốn tình cảm, họ đón chào những người ra thăm đảo như người thân trong gia đình. Mình xúc động và đã khóc rất nhiều. Ngay trong chuyến đi đó, mình xin lãnh đạo nhà hát được ra Trường Sa lần thứ hai. Mình muốn mang tiếng hát tiếp tục động viên cán bộ chiến sĩ để các anh vơi bớt khó khăn vất vả nơi đầu sóng ngọn gió.
Năm 2010, mình trở lại Trường Sa, cảm xúc vẫn vẹn nguyên như chuyến đi đầu tiên. Lần thứ hai ra đảo, mình đã có kinh nghiệm nên đỡ say sóng hơn trước. Mình cũng biết kiềm chế, không khóc nhiều như trước. Đến được Trường Sa rất khó khăn, mình mang tiếng hát ra đảo phục vụ những người lính Trường Sa, động viên các anh mà mình cứ khóc như thế thì rất… phí. Mình cố gắng không khóc và cố gắng hát thật nhiều. Sau chuyến đi thứ hai, tình yêu đối với Trường Sa càng mãnh liệt hơn, sâu sắc hơn. Mình về đất liền nhưng luôn nghĩ về Trường Sa, mong nhớ Trường Sa. Những bản tin có hai tiếng “Trường Sa” là mình theo dõi. Mình cũng thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết ở Trường Sa (cười). Và mình quyết định làm một đĩa hình, hát những bài hát về biển đảo, về Trường Sa để động viên các anh, để ngoài đảo xa, khi nào các anh muốn nghe Khánh Hòa, chỉ cần bật máy lên là có.
Tháng 5/2012, mình cùng đạo diễn Việt Hương và ê kíp làm phim hơn 10 người của Đài Truyền hình Việt Nam ra Trường Sa để làm DVD về Trường Sa. Đến tháng 10 năm đó, album Gần lắm Trường Sa được phát hành. Mình rất vui khi anh em bộ đội Trường Sa nói riêng và khán giả cả nước nói chung cảm nhận được tình cảm chân thành, sâu sắc của mình gửi gắm vào tiếng hát trong album đó.
* Chị nghĩ gì khi đồng nghiệp gọi chị là “Cô gái của Trường Sa”?
- Mình rất hạnh phúc. Sau khi nghe những bài hát trong DVD Gần lắm Trường Sa, anh em bộ đội gọi điện thoại, trao đổi qua facebook rằng: Nghe chị hát, anh em cảm nhận được tất cả tình cảm của chị gửi trong album này. Mình rất hạnh phúc vì điều đó. Và tên gọi “Cô gái của Trường Sa” đến hết sức tự nhiên.
* Ca khúc Gần lắm Trường Sa của nhạc sĩ Hình Phước Long đã được ca sĩ Anh Đào ở Khánh Hòa thể hiện rất thành công và gắn liền với tên tuổi chị ấy. Khi thể hiện ca khúc này, chị có cảm thấy áp lực?
- Không có gì áp lực cả, vì mỗi người có một tình cảm khác nhau, tâm hồn khác nhau. Khi ra Trường Sa, mình đã hát ca khúc này bằng tất cả tấm lòng, tình cảm, bằng sự rung động của trái tim. Mình cứ hát như thế, rất tự nhiên thôi.
* Trở về đất liền, điều gì làm chị nhớ nhất về những ngày ở Trường Sa, thưa chị?
- Mình nhớ nhiều lắm, nhớ rằng bộ đội Trường Sa luôn thiếu thốn tình cảm. Anh em mong mình ra và mình cũng mong được trở lại Trường Sa. Khi mình ra đảo Trường Sa Lớn lần thứ ba, các em ở đảo đã quá thân quen, từ xa chạy lại gọi “Cô Khánh Hòa! Cô Khánh Hòa!”. Mình cảm nhận Trường Sa như quê hương thứ hai, bước chân lên đảo giống như về với quê hương mình, rất thân thương gắn bó và vô cùng xúc động.
* Cái tên Khánh Hòa của chị có liên quan gì đến xứ trầm hương Khánh Hòa?
- Bố mẹ mình đặt tên này rất ngẫu nhiên, và điều đó như là duyên tiền định. Khánh Hòa gắn liền với Trường Sa. Mình rất gắn bó với Trường Sa và dành rất nhiều tình cảm cho Trường Sa.
* Xin cảm ơn chị!
Nghệ sĩ ưu tú Khánh Hòa quê ở huyện Ngọc Lạc (tỉnh Thanh Hóa), gắn bó với Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long hơn 15 năm. Chị đã có 4 lần ra Trường Sa biểu diễn phục vụ lính đảo trong các năm: 2009, 2010, 2012 và 2014. Trong chuyến đi Trường Sa lần thứ ba năm 2012, khi cùng ê kíp làm phim của Ban Văn nghệ - Đài Truyền hình Việt Nam lênh đênh trên biển thực hiện DVD Gần lắm Trường Sa, chị nhận tin mình được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.
DVD Gần lắm Trường Sa gồm 7 ca khúc: Sức sống Trường Sa (thơ: Đoàn Vũ Vinh, nhạc: Nguyễn Hồng Sơn), Mùa xuân nơi Trường Sa (thơ: Nguyễn Hữu Quý, nhạc: Quỳnh Hợp), Thời gian của đời (nhạc và lời: Lê Vinh), Tiếng hát nơi đảo xa (nhạc và lời: Thanh Bình), Đừng ví em là biển (thơ: Minh Thiện, nhạc: Trần Thanh Tùng), Sao biển (nhạc và lời: Phạm Minh Tuấn), Gần lắm Trường Sa (nhạc và lời: Phước Long). Đây được xem là DVD ca nhạc đầu tiên được quay tại hầu hết các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. |
YÊN LAN (thực hiện)