Tác quyền hay còn gọi là quyền tác giả là đề tài nóng trong dư luận hiện nay, mà vấn đề chính là tranh chấp tác quyền, “mượn”, “đạo” tác phẩm văn học nghệ thuật. Ở Phú Yên, tác quyền vẫn càng là chuyện mới mẻ.
Ông Nguyễn Trọng Thiện và tác phẩm nhiếp ảnh Sông Ba, Cầu Đà Rằng - Ảnh: T.DIỆU |
LÙM XÙM
Thời gian gần đây, dư luận xôn xao chuyện ông Ngô Xuân Phúc “tố” nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai “đạo” bài thơ Tổ quốc gọi tên mình của ông thành bài thơ Tổ quốc gọi tên của bà. “Nghi án” xoay quanh bài thơ Tổ quốc gọi tên chưa kịp lắng xuống thì một lần nữa, giới cầm bút xôn xao chuyện Phan Huyền Thư “đạo” thơ của Phan Ngọc Thường Đoan. Nhiều nhà văn, nhà thơ đã vào cuộc luận bàn xung quanh vấn đề này. Có thể thấy, tình trạng vi phạm bản quyền, “sao chép”, “mượn” ý tưởng, “đạo” tác phẩm ở Việt Nam đang rất nhức nhối. Đây là vấn đề khó kiểm soát. Nhiều người cho rằng, các tác giả bị “đạo” tác phẩm phải khởi kiện để tòa án xử lý thật nghiêm minh những người cố ý “cầm nhầm” tác phẩm của người khác nhằm răn đe, giáo dục chung.
Ông Nguyễn Trọng Thiện (phường 1, TP Tuy Hòa) - tác giả của tác phẩm nhiếp ảnh Sông Ba, Cầu Đà Rằng là người đầu tiên ở Phú Yên gửi đơn đến Sở VH-TT-DL yêu cầu giải quyết việc cửa hàng tranh ảnh Phú Tồn (TP Tuy Hòa), Công ty TNHH Mỹ thuật Quảng cáo Loka (TP Tuy Hòa) đã sao chép tác phẩm này của ông để bán mà không xin ý kiến tác giả. Cửa hàng tranh ảnh Phú Tồn bị phạt hành chính và bị tịch thu các bức ảnh sao chép trái phép. Công ty TNHH Mỹ thuật Quảng cáo Loka trả tiền tác quyền cho ông Thiện 5 triệu đồng. Ông Thiện nói: “Tôi biết có nhiều tác giả cũng bị người khác sử dụng tác phẩm của mình mà không xin phép, nhưng họ không lên tiếng. Có thể, các tác giả đó cũng cảm thấy khó chịu khi người khác sử dụng tác phẩm của mình nhưng họ có tư tưởng “dĩ hòa”, suy nghĩ dù sao việc này cũng quảng bá cho tác phẩm của họ. Cũng có thể, họ ngại các thủ tục pháp lý khi phải kiện tụng. Nhưng tôi thì muốn bảo vệ quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ của mình”.
Theo Sở VH-TT-DL Phú Yên, hiện tại chỉ có 3 lá đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tác quyền, trong đó có 2 trường hợp của ông Nguyễn Trọng Thiện và một trường hợp khác cũng liên quan tới vấn đề sử dụng tác phẩm nhiếp ảnh. Ông Lê Trung Hiền, Chánh thanh tra Sở VH-TT-DL Phú Yên, cho biết: “Hiện nay, công tác bảo hộ quyền tác giả đã thu được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm bản quyền, tranh chấp quyền tác giả vẫn đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực, nhất là đối với các tác phẩm văn học nghệ thuật. Ở Phú Yên, tác quyền là một lĩnh vực còn mới. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân vẫn còn mơ hồ, không chỉ đối với người sử dụng tác phẩm mà còn với chính tác giả”.
Có thể thấy hiện nay, tranh chấp tác quyền là hệ lụy xấu trong sáng tác, sử dụng tác phẩm. Làm thế nào để vấn này được ứng xử một cách văn minh là trăn trở của nhiều người.
TĂNG CƯỜNG TUYÊN TRUYỀN
Qua thanh tra, giám sát, Sở VH-TT-DL Phú Yên đã phát hiện và xử lý các vi phạm tác quyền, chủ yếu như: sửa chữa, cắt xén, sao chép, nhân bản tác phẩm mà không được phép của người sở hữu; những sản phẩm in sao, nhân bản lậu được bày bán ở các cửa hàng và chợ; các loại hình bị xâm phạm quyền tác giả phổ biến là băng đĩa phim, ca nhạc, sân khấu, sách hoặc phần mềm máy tính.
Ông Lê Trung Hiền nói: “Làm thế nào để xóa bỏ thói quen sử dụng miễn phí tác phẩm của người khác, bên cạnh việc nâng cao hiểu biết về Luật Sở hữu trí tuệ là yêu cầu cần thiết hiện nay. Giải pháp tối ưu là tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến thông tin, kiến thức pháp luật đến những người có liên quan trực tiếp đến phạm vi điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ như: tác giả, chủ sở hữu tác phẩm; tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tác phẩm của người khác”.
Trong thời gian tới, ngành Văn hóa Phú Yên tiếp tục phối hợp với Cục Bản quyền tác giả Việt Nam tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền văn bản pháp luật về quyền tác giả và các quyền liên quan cho chủ các cửa hàng tranh ảnh, băng đĩa nhạc, cơ quan báo chí, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật…
“Các tác phẩm của tôi được đăng ký tác quyền tại Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam chi nhánh phía Nam. Hàng quý, tôi nhận tiền tác quyền từ trung tâm này. Một khi người nghệ sĩ được bảo vệ quyền tác giả thì không chỉ bù đắp chi phí bỏ ra cho sáng tác mà đó còn là động lực thúc đẩy người nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm. Tuy nhiên hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn thụ động trong việc thông tin, quản lý, xử lý khiếu nại để bảo vệ quyền tác giả”.
Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên |
DIỆU ANH