Hài hước và có phần châm biếm, phim của đạo diễn người Mỹ Wes Anderson luôn mang đến cảm giác thoải mái cho khán giả. Vui và đậm chất nghệ thuật, phim của Wes Anderson trở thành “món ngon” đặc biệt, không thể thiếu trong các kỳ liên hoan phim danh giá của thế giới.
Tại lễ trao giải Oscar 2015, bộ phim The Grand Budapest Hotel (Khách sạn đế vương) của Wes Anderson dẫn đầu đề cử với 9 hạng mục tranh giải. Trong đó, bộ phim giành chiến thắng ở 4 hạng mục, gồm: Nhạc phim hay nhất, thiết kế sản xuất xuất sắc nhất, hóa trang xuất sắc nhất, trang phục xuất sắc nhất. Cũng dễ hiểu khi bộ phim được vinh danh tại lễ trao giải danh giá này ở các hạng mục liên quan tới hình ảnh và âm nhạc. Bởi, khán giả xem phim của Anderson bao giờ cũng được mãn nhãn với những shoot hình lung linh được dàn dựng kỹ lưỡng, đẹp như thể đang xem từng bức tranh ghép lại. Thêm vào đó, Wes Anderson luôn chọn các tone màu rực rỡ phối với nhau tạo nên cảm giác tươi tắn cho khán giả thưởng thức. Bằng những góc quay tuyệt vời, Wes Anderson đã nhân cách hóa vẻ đẹp của khách sạn Grand Budapest (phim Khách sạn đế vương) hiện ra trước mắt khán giả rực rỡ, sang trọng và lộng lẫy tựa như một quý bà.
Nhạc phim, yếu tố quan trọng không kém hình ảnh, bao giờ cũng là điểm nhấn đặc biệt trong phim của Anderson. Khán giả khó có thể quên được đội trống, kèn tí hon trong bộ phim Moonrise kingdom (Vương quốc trăng lên). Nhịp điệu rộn rã, thúc giục đặt trên nền nhạc cổ điển đưa người xem vào trạng thái phấn khởi, hồ hởi khi tiếp nhận bộ phim. Vương quốc trăng lên đã trở thành phim trình chiếu mở màn tại Liên hoan phim Cannes năm 2012 và đoạt nhiều giải thưởng ở hạng mục phim ca nhạc tại các liên hoan phim khác cùng thời điểm.
Nếu Wes Anderson làm phim chỉ với đôi mắt của họa sĩ và nhạc sĩ thì rất có thể, tên tuổi của ông chưa lừng lẫy trong thị trường điện ảnh quốc tế. Phẩm chất của một nhà thơ, một nhà biên kịch của Anderson thể hiện qua những lời thoại mượt mà nhưng hóm hỉnh, giàu nhịp điệu trong đối thoại và mang ý nghĩa phổ quát trong từng câu thoại. Cũng vì thế mà ông luôn là ứng cử viên sáng giá ở hạng mục Biên kịch xuất sắc nhất tại các liên hoan phim, (đoạt giải Biên kịch xuất sắc nhất tại giải Oscar năm 2001 cho bộ phim The Royal Tenenbaums).
Thông minh, dí dỏm, hài hước, Wes Anderson luôn hướng khán giả của mình đến chủ đề ưa thích là mối quan hệ ruột thịt trong gia đình. Từ câu chuyện về các thành viên trong một gia đình, các tình tiết mà nhân vật trải nghiệm sẽ dẫn dắt khán giả ra thế giới bên ngoài với những suy tư khác về nhân cách và triết lý nhân quả. Hơn hết, Wes Anderson mở ra trong phim của ông những cuộc phiêu lưu trải nghiệm các nền văn hóa đặc sắc mà khán giả là những vị khách du lịch qua những khung hình.
Đạo diễn Wes Anderson tên đầy đủ là Wesley Wales Anderson, sinh năm 1969. Ngoài công việc đạo diễn, ông còn được biết đến với vai trò là nhà biên kịch, diễn viên, nhà sản xuất phim. Trong sự nghiệp của mình, Wes Anderson từng đoạt nhiều giải thưởng ở hầu hết các vai trò mà ông đảm nhiệm tại các liên hoan phim danh tiếng như Cannes, Berlin… Có thể nói, Anderson là đạo diễn phim hài hiếm hoi tranh tài tại các liên hoan phim quốc tế. |
TUYẾT TRẦN