Theo phong tục tập quán người Việt ta từ xưa, Tết Trung thu được tổ chức vào giữa mùa thu, tức là ngày rằm tháng tám. Trong dịp này, người ta làm cỗ cúng gia tiên và bày bánh trái ra sân cúng mặt trăng.
Múa lân luôn thu hút các em nhỏ trong dịp Tết Trung thu - Ảnh: Y.LAN |
Tết Trung thu, người lớn thì uống rượu, thưởng trăng và hát trống quân, trẻ em rước đèn, đi xem múa lân, ca hát các bài hát về trung thu và vui hưởng bánh kẹo cùng các thứ trái cây do cha mẹ bày ở ngoài sân trong đêm Trung thu dưới hình thức một mâm cỗ. Theo tục lệ, việc trẻ con thưởng thức bánh kẹo, trái cây trong đêm Trung thu được gọi là “phá cỗ”. Người Việt đón Tết Trung thu phỏng theo phong tục của người Hoa, được du nhập vào Việt Nam từ thời Lý. Nhưng phải đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công và nhất là từ năm 1947, khi Bác Hồ gửi thư Trung thu cho thiếu nhi cả nước, Tết Trung thu mới thực sự trở thành tết của trẻ em và được tổchức vui chơi tưng bừng, rộn ràng, phấn khởi, vừa mang nhiều niềm vui, vừa có ý nghĩa khi toàn xã hội, gia đình tận tình chăm sóc trẻ em.
Tết Trung thu của người Việt có nhiều điểm đặc biệt khác với Tết Trung thu của người Hoa. Theo phong tục người Việt ngày trước, cha mẹ bày cỗ cho các con để mừng Trung thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để các con rước đèn. Cỗ mừng Trung thu gồm bánh trung thu, kẹo, mía, bưởi và các thứ hoa quả khác. Đây là dịp để con cái hiểu được sự săn sóc của cha mẹ đối với mình một cách cụ thể. Vì thế, tình cảm gia đình lại càng khắng khít thêm. Cũng trong dịp này, người ta mua bánh trung thu, trà, rượu để cúng tổtiên, biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng và các ân nhân khác.
Người Việt tổchức múa sư tử hay múa lân trong dịp Tết Trung thu, còn người Hoa thường tổchức múa lân trong dịp Tết Nguyên đán. Con lân tượng trưng cho điềm lành.
Tại Thủ đô Hà Nội, vào mùa Trung thu, dọc các tuyến phố Hàng Mã, Lương Văn Can, Hàng Lược..., người ta bày bán rất nhiều loại đồ chơi phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã hấp dẫn du khách. Người dân dồn về đây, thưởng ngoạn không khí Tết Trung thu, chụp ảnh cùng gia đình, bạn bè và mua sắm những món đồ chơi yêu thích. Điều đó khiến cho phố cổ Hà thành, đặc biệt là phố Hàng Mã chật cứng người.
Tại các thành phố lớn, từ đầu tháng 7 âm lịch, các cửa hàng bán bánh trung thu được mở ra trên nhiều con đường lớn, nhỏ trong thành phố. Những quầy hàng chong đèn sáng rực cả góc đường, với tủ kính trưng bày bánh trung thu của nhiều thương hiệu. Dọc hai bên đường là những chiếc đèn lồng các loại đủ màu sắc, những tấm giấy kính, gỗ điện... khiến cả con phố rực sáng, đậm sắc Trung thu.
Những hoạt động văn hóa văn nghệ, các chương trình dành cho thiếu nhi luôn được quan tâm hàng đầu trong dịp lễ hội Trung thu. Lớn thì có các trung tâm ca nhạc, sân khấu, công viên văn hóa tổ chức những chương trình văn nghệ, tạp kỹ phục vụ các em thiếu nhi, các trường tiểu học cũng có những cuộc thi làm đèn lồng giữa các lớp, thi nhau trang trí mâm cỗ đón Trung thu. Các tổ chức từ thiện gây quỹ tổ chức Trung thu cho trẻ em nghèo…
Tại TP Tuy Hòa nói riêng, Phú Yên nói chung, mùa Trung thu được báo hiệu bằng tiếng trống lân rộn ràng, trước khi những cửa hiệu bán bánh trung thu, lồng đèn… rực sáng. Múa lân là hoạt động không thể thiếu trong mỗi mùa Trung thu. Không thể đếm xuể số đội lân lớn, nhỏ đang hoạt động tại TP Tuy Hòa trong dịp này, chỉ biết rằng vào mùa Trung thu, những con đường vốn rất thoáng đãng, êm đềm ở Tuy Hòa trở nên vô cùng náo nhiệt. Vào buổi tối, giao thông trên nhiều con đường lớn, nhỏ thường bị tắc nghẽn khi dân chúng xúm lại xem các đội lân biểu diễn. Ngay cả một số con đường liên xã, khi đội lân biểu diễn cũng không tránh khỏi tình trạng tắc đường. Trẻ em hân hoan khi được xem múa lân, chơi lồng đèn, được nhận quà bánh...
Tết Trung thu là một phong tục rất có ý nghĩa. Đó là ý nghĩa của sự săn sóc, của báo hiếu, của biết ơn, của tình thân hữu, của đoàn tụ và của thương yêu.
Q.NHƯ (tổng hợp)