Thứ Hai, 20/01/2025 09:59 SA
“Đừng đánh mất tiếng ru của mẹ”
Chủ Nhật, 27/09/2015 14:00 CH

Đến với dân ca bài chòi từ những năm tháng tuổi trẻ và mê đắm cho tới bây giờ, người đàn ông xứ Quảng có tên trùng với tên của một nhạc sĩ tài hoa đã dấn thân vào con đường gập ghềnh khó khăn nhưng đầy ý nghĩa: thành lập Trung tâm Bảo tồn và Phát huy nghệ thuật dân ca bài chòi và hát hố tỉnh Quảng Ngãi. Ông là Trịnh Công Sơn - người luôn khao khát truyền lửa đam mê bộ môn nghệ thuật truyền thống của người xưa cho lớp trẻ ngày nay.

 

Ông Trịnh Công Sơn - Ảnh: Y.LAN

* Từ ý tưởng nào mà vợ chồng ông thành lập Trung tâm Bảo tồn và Phát huy nghệ thuật dân ca bài chòi và hát hố tỉnh Quảng Ngãi, thưa ông?

 

- Xuất phát từ sự say đắm dân ca bài chòi. Niềm đam mê đó đã đi vào máu thịt vợ chồng tôi. Từ phong trào văn nghệ, năm 1975, chúng tôi đến với Đoàn Văn công tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1976, sau khi hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định sáp nhập, chúng tôi về Đoàn Ca kịch Nghĩa Bình… Lúc chúng tôi còn trẻ, chưa yêu nhau thì đã gắn bó với dân ca bài chòi. Rồi cũng từ bộ môn nghệ thuật này, chúng tôi đến với nhau, sống hạnh phúc cho tới bây giờ và có được 3 đứa con. Say mê dân ca bài chòi, chúng tôi nghĩ làm thế nào để tiếng ru à ơi của mẹ không mất đi. Chúng tôi muốn đem hết sức lực của mình để truyền đạt bộ môn này cho các thế hệ sau, để các em nối bước gìn giữ, phát huy dân ca bài chòi. Và tôi nghĩ, ta không nên “thủ cựu bài tân” mà cần tăng thêm sự phong phú, tăng thêm “gia vị” để bộ môn nghệ thuật truyền thống của ông cha thêm thu hút khán giả và có thêm sức sống. Quan niệm của tôi là phát triển mà không mất gốc là có thể chấp nhận được.

 

Nghệ thuật đòi hỏi năng khiếu, đòi hỏi sự tập luyện dày công, miệt mài. Muốn có một cái cây trưởng thành, ra quả thì phải gieo hạt, hạt nảy mầm thì phải chăm bón, nếu không làm sao có quả ngọt? Chúng tôi mong lãnh đạo các cấp, các ngành vì tương lai mai sau, vì bộ môn nghệ thuật truyền thống có giá trị lớn lao do cha ông để lại mà cố gắng gìn giữ và phát huy.

 

* Trung tâm Bảo tồn và Phát huy nghệ thuật dân ca bài chòi và hát hố tỉnh Quảng Ngãi đã truyền lửa cho lớp trẻ như thế nào?

 

- Hiện trung tâm có khoảng 20 em theo học, đều là người ở Quảng Ngãi. Một số em mới 7, 8 tuổi đã được cha mẹ đưa đến học, có em hơn 10 tuổi, và có những người đã trưởng thành, giáo viên cũng có. Bên cạnh đó, Trung tâm Văn hóa thành phố, Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Ngãi cũng tổ chức các lớp dân ca bài chòi và chúng tôi đến dạy. Ngoài ra, chúng tôi còn đi về từng địa phương, hỗ trợ từng cơ sở hội phụ nữ để từng địa phương thành lập CLB Dân ca Bài chòi và chúng tôi đưa giáo viên về phụ trách, dạy hát cho họ. Tại trung tâm, chúng tôi cũng có một CLB Dân ca Bài chòi dành cho những người trung niên, từ 40 tuổi trở lên. Được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành Văn hóa, chúng tôi làm công việc đúng với tâm nguyện của mình và mong ước con cháu bước tiếp theo. Xin bật mí, chúng tôi đang có hướng mở các lớp dạy hát dân ca bài chòi tại Phú Yên. Vì say mê phong trào ở Phú Yên mà chúng tôi nảy sinh ý định đó. Chúng tôi sẽ dạy khoảng ba lớp, dành cho thiếu nhi, thiếu niên và trung niên.

 

Các em học sinh hát dân ca trong đêm chung kết Liên hoan Dân ca Bài chòi năm 2015 - Ảnh: T.HƯNG

 

* Ông có thể chia sẻ cảm nhận của mình về phong trào hát dân ca bài chòi ở Phú Yên?

 

- Năm 2014, tôi vào Phú Yên thực hiện dự án Sân khấu học đường, dạy dân ca bài chòi tại ba trường THCS ở huyện Đông Hòa, Phú Hòa và TP Tuy Hòa. Tôi thấy phong trào hát dân ca ở đây rất khí thế, như những đợt sóng của biển Tuy Hòa. Làm thế nào để tạo động lực? Tôi thấy tổ chức được sân chơi như Liên hoan Dân ca Bài chòi của VTV Phú Yên là vô cùng ý nghĩa! Và chúng ta phải quan tâm đến việc đào tạo. Ở Phú Yên có những người say mê nghệ thuật dân ca bài chòi như anh Bình Thảng, cô Ái Phi, anh Mai Hoàng… Tôi cho rằng Phú Yên nên mời nghệ sĩ, nghệ nhân ở các địa phương khác đến, cùng với anh em nghệ sĩ, nghệ nhân ở đây bồi dưỡng nghiệp vụ thêm và đào tạo cho các em, để các em cảm nhận được tinh hoa của nghệ thuật dân ca bài chòi.

 

* Theo ông, dự án Sân khấu học đường đã mang lại hiệu quả như thế nào?

 

- Thực hiện dự án Sân khấu học đường chính là gieo hạt. Ta biết giống đó quý, ta gieo hạt để hạt nảy mầm. Các em không xa lạ với nghệ thuật dân ca bài chòi, chẳng qua là mình chưa tạo điều kiện để các em tiếp cận. Lúc tôi mới vào Phú Yên dạy hát dân ca bài chòi theo dự án Sân khấu học đường, một số phụ huynh không ủng hộ con em họ đi học. Còn các em thì quá non trẻ, làm sao ý thức được đây là bộ môn nghệ thuật truyền thống, là vốn quý văn hóa? Các em đăng ký học rất đông, nhưng rồi vì không được gia đình ủng hộ nên nhiều em rút lui. Tôi xin ý kiến nhà trường, tổ chức mời cha mẹ học sinh đến, nói về mục đích, ý nghĩa của dự án này. Lúc đó phụ huynh mới đồng cảm với chúng tôi và con em họ lại đến, say sưa học. Sau hai tháng, báo cáo thành quả trước Bộ VH-TT-DL, các em diễn rất dễ thương và không thiếu niềm say mê. Như vậy thì ta tự trách ta, tạo điều kiện cho các em tiếp cận hơi chậm nhưng không muộn. Tôi mong các cấp, các ngành hãy lưu tâm, tổ chức ngày càng nhiều lớp như thế, nhiều liên hoan như thế. Dân ca bài chòi sẽ “ngấm” dần vào lớp trẻ - những người kế thừa, phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống này.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Lana Del Rey - Cuộc đời bí ẩn
Thứ Hai, 28/09/2015 08:00 SA
Mùa biển động
Thứ Bảy, 26/09/2015 07:04 SA
Giỗ Tổ Sân khấu năm 2015
Thứ Bảy, 26/09/2015 06:59 SA
Dạt dào hồ nước Phú Xuân
Thứ Sáu, 25/09/2015 09:09 SA
Phát triển phong trào đọc sách
Thứ Năm, 24/09/2015 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek