Thứ Hai, 14/10/2024 09:40 SA
Gia đình tham gia phòng chống tệ nạn xã hội
Thứ Năm, 24/09/2015 10:04 SA

Yêu thương là nền tảng giáo dục tốt trong gia đình - Ảnh: Internet

Bên cạnh những tệ nạn như: cờ bạc, trộm cắp, mại dâm, nghiện rượu, bạo lực gia đình, hiện ở nước ta còn xuất hiện hàng loạt tệ nạn, tội phạm mới với những hành vi, mức độ gây hại, nguy hiểm, ảnh hưởng đến nhiều người, nhiều gia đình và toàn xã hội, như: ma túy, buôn bán phụ nữ và trẻ em...

 

Nhiều tệ nạn xã hội không chỉ hủy hoại sức khỏe của bản thân người mắc phải mà còn ảnh hưởng đến sự ổn định của gia đình, gây nguy hại cho cuộc sống gia đình cả về kinh tế và các mối quan hệ tình cảm. Thành viên của gia đình mắc vào tệ nạn xã hội sẽ làm cho hoạt động kinh tế của gia đình trì trệ. Không những thế, nó còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của cộng đồng, địa phương và quốc gia, kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế và sự phát triển không bền vững, tạo ra những hậu quả nghiêm trọng, nguy hiểm, ảnh hưởng đến sự phát triển của cá nhân, gia đình và xã hội; đến đạo đức lối sống truyền thống, thuần phong mỹ tục tại cộng đồng dân cư.

 

Tệ nạn xã hội là nguyên nhân tăng tỉ lệ phạm pháp, tội phạm, làm mất trật tự an toàn xã hội tại cộng đồng dân cư, nếu không được kịp thời kiểm soát và xử lý tận gốc có thể phá vỡ hạnh phúc gia đình, làm ảnh hưởng đến trật tự, an ninh, an toàn ở địa phương.

 

Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ thành viên của mình trước các tệ nạn xã hội, góp phần to lớn vào việc đảm bảo an ninh, giữ gìn trật tự xã hội. Vì vậy, trước hết cần xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, bình đẳng, hạnh phúc. Làm sao để gia đình là tổ ấm thực sự cho mỗi cá nhân phát triển? Các thành viên trong gia đình cần quan tâm chăm sóc lẫn nhau để sớm phát hiện ra những biểu hiện, triệu chứng bất thường trong tâm lý, hành vi liên quan tới tệ nạn xã hội để kịp thời ngăn chặn; tập trung phát triển kinh tế thông qua việc nâng cao đời sống vật chất cho mọi thành viên trong gia đình, ai cũng có việc làm chính đáng để tăng thu nhập, hạn chế mắc phải tệ nạn xã hội. Gia đình cần tích cực, chủ động tham gia các hoạt động xây dựng nếp sống văn hóa gia đình, hoạt động của các câu lạc bộ gia đình để cùng nhau học tập kiến thức, trao đổi kinh nghiệm phòng, chống tệ nạn xã hội.

 

Các gia đình cần tăng cường trách nhiệm và sự giám sát hoạt động của các thành viên trong gia đình nhằm phòng, chống tệ nạn xâm nhập vào gia đình. Mỗi thành viên trong gia đình cần quan tâm đến mọi hoạt động của gia đình, giúp nhau nâng cao kiến thức, hiểu biết để có thể cùng nhau tránh xa tệ nạn xã hội. Gia đình có trách nhiệm giáo dục các thành viên hiểu sâu sắc tác hại của tệ nạn xã hội, từ đó mỗi người tự nâng cao ý thức tự giác và tích cực tham gia phòng chống, ngăn chặn và đẩy lùi các loại tệ nạn xã hội.

 

Các thành viên trong gia đình, đặc biệt là ba mẹ phải dành thời gian để kiểm tra, giáo dục, duy trì mối quan hệ chặt chẽ với nhà trường, cơ quan quản lý và những người bạn thân thiết của con em mình nhằm phát hiện kịp thời những vi phạm ban đầu để có biện pháp giáo dục, ngăn chặn, không để chúng sa vào các tệ nạn xã hội.

 

Ngoài ra, gia đình cũng cần làm tốt chức năng của mình là kiểm tra, giám sát và phát hiện kịp thời những thành viên có liên quan đến tệ nạn xã hội. Khi có thành viên trong gia đình sa vào tệ nạn xã hội thì cần phải bình tĩnh và sáng suốt giải quyết vấn đề, không vì sợ mất thể diện với bạn bè, hàng xóm, mất uy tín với cơ quan mà che giấu sẽ làm sự việc ngày một trầm trọng hơn.

 

Cùng với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, gia đình có vai trò rất lớn trong việc đảm bảo an ninh trật tự xã hội, thể hiện trong việc thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Gia đình phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường hoạt động điều tra, kiểm tra, truy quét, triệt phá, truy cứu trách nhiệm hình sự các ổ nhóm tội phạm liên quan trực tiếp đến các loại tệ nạn xã hội. Gia đình phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể xã hội, nhà trường tham gia phòng chống tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh trật tự xã hội.

 

ĐỨC THÀNH

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek