Nhà thơ Hoài Vũ vừa mừng thượng thọ 80 tuổi. Tác giả của những Vàm Cỏ Đông, Đi trong hương tràm, Chia tay hoàng hôn… trẻ trung hơn nhiều so với tuổi tác. Một trong những điều ấn tượng nhất ở Hoài Vũ là nụ cười hồn nhiên đầy chất thi sĩ của ông. Nụ cười “bay” qua mọi hoạn nạn thăng trầm, mãi hiện diện tươi rói trên đôi môi bậc lão thành khi bước vào tuổi bát tuần.
Có lẽ nhờ nụ cười lạc quan mà nhà thơ Hoài Vũ bước vào tuổi bát tuần vẫn rất mạnh khỏe, trẻ trung, mẫn tuệ. Và nhà thơ Hoài Vũ cũng sống hết lòng vì mọi người, ít nghĩ đến quyền lợi cho bản thân mình, nên khi Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh đề nghị tổ chức mừng thọ, ông đã tìm cách từ chối, cũng như ông chẳng mấy bận tâm đến những phần thưởng đáng ra mình được nhận. Tài năng và nhân cách ấy của bậc lão thành Hoài Vũ cũng giúp tôi hiểu vì sao khi tôi tin cho biết ngày 25/8/2015 là sinh nhật 80 của ông, Tổng biên tập Nguyễn Tấn Phong của báo Sài Gòn Giải Phóng và Chủ tịch Trần Văn Tuấn của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh đã dẫn đầu hai đoàn nhà báo và nhà văn đến chúc mừng thủ trưởng cũ thượng thọ. |
25 năm trước, tôi bắt đầu bước vào làng cầm bút và nhà thơ Hoài Vũ là một trong những người đi trước tạo cho tôi nhiều thiện cảm. Ông sinh từ đất Quảng nhưng phần lớn cuộc đời gắn với Sài Gòn và Nam Bộ. Thi thoảng ông đến chơi với anh em ở tờ tạp chí mà tôi làm việc hoặc gặp ông tại quán cà phê Văn Nghệ. Cởi mở, hoạt bát, nụ cười luôn nở trên môi, ông làm cho người đối diện có cảm giác dễ gần. Nụ cười tự nhiên, sảng khoái của một trái tim đa cảm, một tâm hồn phóng khoáng, một tấm lòng chân thành và độ lượng. Nhìn nụ cười của ông, tôi cứ nghĩ tác giả lừng danh của Vàm Cỏ Đông luôn lạc quan yêu đời, chẳng bao giờ gặp phải đau buồn phiền toái. Tôi đâu biết rằng, đằng sau nụ cười ấy là một cuộc đời không ít sóng gió, truân chuyên, gần cả chục lần thập tử nhất sinh trên chiến trường và vượt qua không ít bất trắc.
Trên đường đến mừng thượng thọ 80 tuổi của bậc đàn anh và là thủ trưởng cũ, nhà văn Trần Văn Tuấn kể với tôi rằng, lần đầu ông gặp nhà thơ Hoài Vũ vào năm 1973, lúc đơn vị của ông đóng gần cơ quan văn nghệ giải phóng ở Củ Chi. Bất kỳ người lính nào trên chiến trường, nhất là lính yêu văn chương đều biết đến tên tuổi của tác giả bài thơ Vàm Cỏ Đông được nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ nhạc. Hơn nữa, Hoài Vũ còn là một trong những hạt nhân quan trọng lãnh đạo Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam, đặc biệt là báo Văn Nghệ Giải Phóng.
Nhà thơ Hoài Vũ thượng thọ 80 tuổi - Ảnh: P.HOÀNG |
Ngay từ cuộc gặp đầu tiên, Trần Văn Tuấn đã ấn tượng với nụ cười của Hoài Vũ. Về sau nhiều năm làm việc cùng nhau, càng ngày ông càng yêu mến nụ cười của con người bản lĩnh và chân tình Hoài Vũ. Tác giả của tiểu thuyết Rừng thiêng nước trong nói: “Giang Nam với bài thơ Quê hương, Thanh Hải với Mồ anh hoa nở, Hoài Vũ với Vàm Cỏ Đông đã trở thành ba nhà thơ với ba tác phẩm tiêu biểu nhất của miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cả ba ông đều gắn bó xuyên suốt ở chiến trường. Sau ngày giải phóng, mặc dù sáng tác không nhiều, nhưng Hoài Vũ vẫn có những bài thơ đặc sắc sống trong lòng người đọc. Thơ ông giàu tình cảm, giản dị mà da diết. Hoài Vũ còn là người có công lớn đối với báo Văn Nghệ Giải Phóng, tập hợp và nâng đỡ một lớp viết văn trẻ ở phía Nam trưởng thành.
Ngoài thơ, Hoài Vũ còn có những truyện ký nóng hổi hơi thở chiến trường, rồi về sau ông còn là một trong những dịch giả văn học tiếng Hoa có uy tín. Có thể nói sự nghiệp văn chương của Hoài Vũ phong phú và đa dạng, trong đó nhiều tác phẩm giá trị có sức sống vượt thời gian.
Tại lễ mừng thượng thọ 80 tuổi của nhà thơ Hoài Vũ còn có mặt hai nhà thơ Văn Lê và Quang Chuyền. Nhà thơ Văn Lê cho tôi biết, kỷ niệm xúc động nhất của ông với nhà thơ Hoài Vũ là khi hai người cùng làm bộ phim tài liệu Thời chiến họ còn rất trẻ, nói về các chiến sĩ từng tham gia chiến đấu ở miền Đông Nam Bộ, chủ yếu là ở tỉnh Hậu Nghĩa cũ. Lúc Hoài Vũ đưa ông lên kinh Ma Ren đã kể câu chuyện rằng, có thời điểm đơn vị bắt đầu đi chiến dịch, Hoài Vũ đi xuồng thứ 2, còn ông Võ Trần Chí và vài vị chỉ huy khác đi xuồng thứ 3, qua một đoạn kinh này thì bị rong quấn chặt vào cánh quạt không đi được. Mọi người xuống gỡ ra, bất ngờ thấy toàn tóc con gái. Vừa gỡ tóc vừa khóc. Tất cả mọi người đều khóc. Nhưng xuồng phải tiếp tục lên đường. Đến mùa khô trở lại thì thấy xương con gái trắng lòng kinh. Các chị đã bị trực thăng bắn hy sinh vào xuân Mậu Thân 1968!
Không chỉ ở báo Văn Nghệ Giải Phóng mà từ ngày đất nước thống nhất đến nay, hai nhà thơ Hoài Vũ và Văn Lê luôn gắn bó với nhau. Tác giả của tiểu thuyết Mùa hè giá buốt thổ lộ: “Tài năng văn chương của nhà thơ Hoài Vũ không nói thì ai cũng biết. Với tôi, anh còn là một thủ trưởng sống chân tình, có tài tổ chức tập hợp lực lượng, trao đổi công việc lẫn tác phẩm của anh em một cách nhẹ nhàng và trung thực. Thời làm báo Văn Nghệ Giải Phóng, có lúc tôi ở Tổ Văn với các anh Đặng Đức Thưởng (Thạch Cương), Trần Đức Cường và chị Nguyễn Thị Bi (vợ nhà thơ Trang Nghị), nhưng khi anh Hoài Vũ phân công kiêm công tác phát hành là tôi vui vẻ nhận ngay. Anh luôn thuyết phục được mọi người. Một mình anh cáng đáng tờ báo, lãnh đạo anh em chung sức xây dựng báo ngày càng phát triển, đỉnh cao phát hành lên trên 100.000 tờ. Lúc anh Hoài Vũ gặp hoạn nạn, anh em đều cảm thông, chia sẻ và tôi là người lên tiếng đấu tranh với sự sai trái, bảo vệ anh, giữ gìn tinh thần đoàn kết Bắc Nam trong giới văn nghệ sĩ khi đất nước vừa hòa bình thống nhất. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, anh Hoài Vũ cũng đều tự tin với nụ cười lạc quan yêu đời, hết lòng vì mọi người”.
Sống và tồn tại như cách của Hoài Vũ đáng quý xiết bao. Và mỗi lần nhớ tới ông, trong tôi lại hiện lên nụ cười hồn nhiên tươi rói, nụ cười “đặc sản” của thi sĩ Vàm Cỏ Đông!
PHAN HOÀNG