Những ngày qua, rạp Hưng Đạo (TP Tuy Hòa) là địa điểm được nhiều người chọn đến để xem chùm phim kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Những bộ phim về đề tài Bác Hồ, về người lính đã mang đến không khí thiêng liêng, tự hào trong lòng khán giả.
Khán giả tìm hiểu thông tin về phim Những người viết huyền thoại tại rạp Hưng Đạo - Ảnh: T.DIỆU |
Tại buổi công chiếu mở màn đợt phim kỷ niệm vào ngày 28/8, bộ phim tài liệu Ba Bản tuyên ngôn độc lập của nước Việt (Cục Điện ảnh) dài 15 phút rất cuốn hút khán giả. Nội dung của phim xoay quanh ba kiệt tác được xem là ba bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc qua các giai đoạn lịch sử khác nhau là: Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi và Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh. Thông qua sự phân tích, đánh giá của các học giả dưới hình thức phim tài liệu, Ba Bản tuyên ngôn độc lập của nước Việt đã mang đến một cách nhìn, cách cảm, cách hiểu trọn vẹn hơn về những áng văn thơ tuyệt tác của dân tộc.
Phim truyện Nhà tiên tri (Hãng phim truyện Việt Nam) có kinh phí đầu tư lên tới 16 tỉ đồng do đạo diễn Vương Đức (đạo diễn của các phim nổi tiếng: Những người thợ xẻ, Rừng đen…) chỉ đạo diễn xuất, lần đầu được trình làng tại đại lễ kỷ niệm năm nay. Phim lấy bối cảnh lịch sử từ năm 1947 đến 1950 tại Việt Bắc, nơi Bác Hồ đã tiên đoán về chiến thắng của quân và dân ta năm 1954, từ Việt Bắc tiến về tiếp quản thủ đô. Kịch bản phim Nhà tiên tri được chuyển thể từ hai truyện ngắn của Hồ Chí Minh viết trước năm 1954 là Việt Bắc anh dũng và Giấc ngủ 10 năm. Nội dung phim tái hiện một thời kỳ khó khăn của quân đội ta khi lực lượng mỏng, vũ khí đạn dược còn thô sơ. Bộ phim Nhà tiên tri cũng đã xây dựng thành công và làm nổi bật hình tượng Hồ Chí Minh tại thời điểm lịch sử quan trọng, giai đoạn “trứng nước” của chính phủ kháng chiến trước đạo quân viễn chinh Pháp đầy sức mạnh. Hình ảnh Bác Hồ là nhân vật trung tâm xuyên suốt các sự kiện và tuyến nhân vật. Dù lần đầu tiên đảm nhận vai diễn Bác Hồ nhưng NSND Bùi Bài Bình đã lột tả được thần thái và cốt cách của Người một cách xuất sắc.
Anh Nguyễn Văn Hưng, khán giả ở phường 2 (TP Tuy Hòa), chia sẻ: “Xem phim Nhà tiên tri, tôi được tiếp cận hình tượng Bác Hồ ở hai sắc thái vừa giản dị vừa vĩ đại. Những cảnh quay đẹp như cảnh Bác Hồ ngồi làm việc và “Trăng vào cửa sổ đòi thơ” toát lên khí chất thanh cao của Người. Xem phim, tôi càng thấu hiểu phẩm chất anh minh, thông tuệ của Hồ Chí Minh. Người như một nhà tiên tri nhìn thấy được những bước đi của lịch sử, của tương lai dân tộc. Xem những thước phim hay này, tôi càng kính yêu hơn vị cha già của dân tộc”.
Liên tục trong một tuần công chiếu, khán giả được thưởng thức những tác phẩm điện ảnh xuất sắc khác về đề tài người lính và chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc vĩ đại của nhân dân Việt Nam. Phim Những người viết huyền thoại (Hãng phim truyện Việt Nam) đoạt 6 giải tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18, trong đó có giải thưởng cao quý Bông sen vàng ở hạng mục Phim truyện nhựa xuất sắc nhất. Phim kể câu chuyện bi tráng về số phận những người đi tiên phong xây dựng đường ống dẫn dầu xuyên dãy Trường Sơn. Bàn chân người lính bị xé nát trên những cánh rừng nhiệt đới phủ đầy mìn lá, những chiếc xe vận tải nổ tung vì bị hỏa lực oanh tạc, những cái chết bất ngờ, những tổn thất triền miên. Một phuy xăng vào chiến trường phải trả bằng máu hàng trăm chiến sĩ vận tải… Họ là tướng Dinh (diễn viên Hoàng Hải), vị chỉ huy tài tình tuyến đường ống dẫn dầu xuyên Trường Sơn; Nghĩa (diễn viên Trương Minh Quốc Thái), người giao liên dũng cảm; Hà (Tăng Bảo Quyên), cô văn công trẻ tuổi gan dạ… Họ là những người viết nên huyền thoại.
Một phim truyện khác là Đường xuyên rừng (Hãng phim Giải phóng) cũng được trình chiếu trong đợt phim kỷ niệm này. Đường xuyên rừng là câu chuyện về cuộc vượt rừng của những người tình cờ gặp nhau trong một giai đoạn chiến tranh khốc liệt. Đây không phải cuộc vượt rừng bình thường, mà là vượt qua trận càn Junction City, trận càn quy mô nhất, huy động đông quân nhất của Mỹ vào năm 1967 ở chiến trường miền Nam Việt Nam tại Tây Ninh. Những người vượt rừng không hề quen biết nhau. Họ là Vinh (diễn viên Trương Thế Vinh) - anh bộ đội quả cảm được chỉ định làm đội trưởng của “đội quân tình cờ” này; Thu Hà (diễn viên Tăng Huỳnh Như) - nữ văn công xinh đẹp; vợ chồng Tư Nghệ, nhà văn địa phương Chín Nếp, bác sĩ Ba Quang, nhóm năm chiến sĩ thông tin hồn hậu, mộc mạc… Họ chỉ có một khẩu súng lục mà cô văn công Thu Hà nhặt được, sát cánh bên nhau để tìm đường thoát khỏi vòng vây của địch. Tình đồng đội, sự sẻ chia, tinh thần dũng cảm và những giây phút rung động của tình yêu đã làm nên một bức tranh đầy tính nhân văn trong phim Đường xuyên rừng.
Chị Đặng Lan Hương, khán giả ở phường 8 (TP Tuy Hòa), bày tỏ: “Tôi rất thích xem thể loại phim lịch sử. Vì thế tôi không bỏ lỡ phim nào trong dịp kỷ niệm lần này. Xem phim xong, tôi thấy biết ơn những người lính đã nằm xuống để đổi lấy độc lập, tự do cho dân tộc. Tôi càng trân quý hơn những gì có được hôm nay”.
Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Phú Yên đã phát hành 1.000 vé xem phim đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh trong đợt chiếu phim kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Theo ghi nhận, rạp Hưng Đạo có nhiều nhóm khán giả trẻ tuổi đến rạp xem phim đợt này. Đội chiếu phim lưu động thuộc trung tâm cũng đã mang sáu phim chiếu phục vụ bà con tại năm xã của huyện Đồng Xuân là: Phú Mỡ, Đa Lộc, Xuân Lãnh, Xuân Long, Xuân Sơn Nam. Bà con nơi đây rất hào hứng đón xem phim. Đợt chiếu phim kết thúc vào ngày 3/9 tại rạp Hưng Đạo nhưng kéo dài đến hết ngày 9/9 tại huyện Đồng Xuân.
Ông Võ Xuân Thống, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Phú Yên |
DIỆU ANH