“Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày. Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai. 19 tháng 8 khi quốc dân căm hờn kêu thét. Tiến lên cùng hô: Mau diệt tan hết quân thù chung...”.
Đoàn người biểu tình ngày 19/8/1945 trước cửa Bắc Bộ Phủ, Hà Nội - Ảnh tư liệu |
Nhạc sĩ Xuân Oanh - người viết nên giai điệu, lời ca hào sảng ấy - đã đi vào cõi vĩnh hằng trong một ngày đầu xuân 2010. Khi còn sống, ông từng kể về ngày mùa Thu tháng Tám năm 1945 như sau: “Tôi vẫn nhớ như in diễn biến những ngày ấy. Tôi khi đó là một chàng thanh niên 23 tuổi, sớm giác ngộ cách mạng, được nhà văn Nguyễn Đình Thi và một số đồng chí khác dìu dắt, hướng dẫn tham gia công tác tuyên truyền cách mạng, cụ thể là đi phát hành các tờ báo Hồn Nước, Cờ giải phóng. Tâm trạng của lớp trẻ chúng tôi lúc đó, nhất là những người ham hoạt động, luôn sôi lên bầu máu nóng muốn làm một điều gì đó đóng góp vào công cuộc cách mạng chung”.
Sáng sớm 19/8/1945, nhạc sĩ Xuân Oanh nhập vào đoàn người đi từ Văn Điển lên Nhà hát Lớn Hà Nội. Hôm ấy có rất nhiều người thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội từ nhiều hướng đổ về đây để thực hiện cuộc mít-tinh lịch sử. Mọi người hối hả, khẩn trương và vô cùng phấn khích. “Là người yêu thích âm nhạc, trước đó đã từng sáng tác, tôi nảy ý định sáng tác một bài hát ngay trên đường đi. Thế là vừa đi, tôi vừa sáng tác. Được câu nào tôi tập ngay cho những người quanh tôi hát và nhập vào đoàn người hôm ấy. Họ thuộc và hát trôi chảy, tôi lại nghĩ tiếp câu sau cho đến hết bài. Không hiểu sao tôi cho ra đời bài hát khá dễ dàng, có thể nói là không mất công nghĩ ngợi nhiều. Sáng tác gần như một mạch. Chính cái không khí lịch sử, tình cảm của đồng bào đã giúp tôi sáng tác nhanh như vậy. Sau đó, tôi cũng không phải sửa chữa gì thêm, bởi mọi người rất hưởng ứng, tâm đắc, chẳng ai có “ý kiến” chỗ nào”. Sinh thời, nhạc sĩ Xuân Oanh từng kể như vậy.
Với giai điệu hào hùng theo nhịp bước, mỗi khi ca khúc 19 tháng 8 vang lên, người nghe xúc động xen lẫn tự hào. “Người Việt Nam ta giữ vững trong tim lời thề. 19 tháng 8 chớ quên là ngày khởi nghĩa. Hạnh phúc sáng tô non sông Việt Nam”.
Theo lời nhạc sĩ Xuân Oanh, lúc sáng tác trên đường, ông chẳng nghĩ gì đến tên bài hát, chỉ cố làm sao cho số đông người dễ hát, dễ thuộc. Sau khi ông hướng dẫn mọi người hát xong cả bài và họ đã hát trôi chảy, bỗng có một người hỏi: “Này nhạc sĩ ơi, thế bài hát này tên là gì?”. “Khi ấy, tôi mới sực nhớ là chưa có tên. Tôi nghĩ mãi chẳng ra được tên gì, cuối cùng bèn nói: “Hôm nay là ngày 19/8. Lịch sử sẽ ghi nhớ mãi ngày này. Thôi, chẳng cần tìm kiếm gì cho mất công, tên bài là 19 tháng 8”. Sau đó tôi hỏi: “Mọi người thấy thế nào, được không?”. Tất cả thống nhất: “Được đấy, đúng rồi. Hay đấy!”. Thế là tôi yên tâm đặt tên cho đứa con tinh thần của mình. Bài hát 19 tháng 8 ra đời như vậy”, nhạc sĩ cho biết.
Lúc đi trên đường, nhạc sĩ Xuân Oanh không có giấy bút nên về nhà mới ghi ca khúc này ra giấy. Ông nhờ một người quen làm nghề xuất bản in ấn hộ. Và ông vô cùng sung sướng khi thấy sau đó ít ngày, bài hát đã lan truyền rất nhanh khắp Hà Nội.
Nhạc sĩ Xuân Oanh sinh năm 1923, tại TX Quảng Yên, nay thuộc Quảng Ninh. Khi mới học lớp 4, vì nhà nghèo, ông phải thôi học, vào làm việc ở mỏ than. Năm 19 tuổi, Xuân Oanh về Hà Nội. Tự học, ông đã thông thạo 4 ngoại ngữ: Pháp, Anh, Nga, Trung. Tự học, ông sáng tác âm nhạc từ tuổi thanh xuân. Cũng do tự học, ông có thể vẽ được những bức tranh sơn dầu.
Tuy có ca khúc bất hủ 19 tháng 8 (và nhiều nhạc phẩm khác cũng rất hay) nhưng Xuân Oanh luôn tự coi mình chỉ là người sáng tác nghiệp dư vì cả đời ông làm công tác ngoại giao. Suốt nhiều thập kỷ trước lúc nghỉ hưu, ông là Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Hòa bình thế giới của Việt Nam. Ông được trao tặng Huân chương Độc lập hạng ba (năm 1998) và giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (năm 2007).
N.LAN (tổng hợp)