Thứ Năm, 03/10/2024 20:27 CH
Một kỷ niệm với nhà thơ Phạm Hổ
Thứ Năm, 07/06/2007 07:05 SA

Chừng 25 năm về trước, tình cờ tôi, anh Phạm Hổ và anh Định Hải có chung một công việc là dạy các lớp năng khiếu văn học cho các cháu nhỏ ở Cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội. Bởi vậy, mấy anh em thường xuyên có thời gian trò chuyện với nhau về thơ phú, văn chương và về cả chuyện đời.

 

070606-Pham-Ho.jpg

Nhà thơ Phạm Hổ (thứ ba từ trái sang) cùng các bạn văn. Ảnh: mientrung.com

 

Anh quê Bình Định, mảnh đất mà tôi có nhiều gắn bó. Tôi càng trọng và quý anh hơn khi biết gia đình anh có truyền thống văn nghệ. Anh ruột anh là nhà văn Phạm Văn Ký rất nổi tiếng ở Pháp, còn em trai anh là nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ có tên tuổi ở miền Nam trước 1975 và trong thời kỳ chiến tranh biên giới có bài hát Lê Na Bêricôva vừa da diết vừa trẻ trung. Còn riêng anh thì đã từng phụ trách báo Văn Nghệ, nơi tôi được in những bài thơ đầu tiên của đời làm thơ.

 

Trong những ngày ấy, có một lần anh cho tôi xem một bài thơ thiếu nhi của anh in báo Thiếu Niên Tiền Phong. Bài thơ có tên là Thiên nhiên. Nhịp thơ năm chữ mà sao lay động quá. Lay động vì tư tưởng lớn của nó: muốn con người hòa nhập với thiên nhiên, nhận ra mình là một phần nhỏ trong thiên nhiên, nhưng lại được trình bày rất giản dị, rất đỗi ngây thơ để có thể nhanh chóng thấm vào tâm hồn trẻ nhỏ:

 

Thiên nhiên im không nói

Mãi mãi yêu thương người

Bằng trái ngọt hoa tươi

Bằng tiếng chim biển lúa

Thiên nhiên im không nói

Mãi mãi yêu thương người

Bằng sóng nhạc triều lên

Bằng biếc xanh làng xóm…

 

Đọc xong bài thơ, tôi liền xin ngay. Anh cười vui vẻ: “Được, Kha thích là mình mừng rồi. Ai làm thơ chả mong như thế”. Tuy không nói gì với anh, nhưng trong lòng tôi đã đinh ninh thế nào cũng phải phổ nhạc bài thơ này thật hay để có thể giới thiệu nó rộng rãi hơn với các cháu thiếu nhi.

 

Tôi phổ nhạc bài thơ này cũng rất nhanh. Để tạo nên âm hưởng cho tứ thơ, tôi chọn nét dân ca Tây Nguyên làm chủ đề và cả tiết tấu đảo phách của nhịp dân ca này. Phổ xong, để rõ hơn ý nghĩa giáo dục của bài thơ, tôi đặt tên bài hát phổ thơ là Em yêu thiên nhiên. Sau đó, tôi tổ chức một buổi mời anh Phạm Hổ cùng nhạc sĩ Mộng Lân và nhạc sĩ Phan Long nghe tôi tự trình bày bằng guitare gỗ. Nghe xong, anh Phạm Hổ bắt tay tôi rất chặt và không nói gì. Còn nhạc sĩ Mộng Lân và nhạc sĩ Phan Long thì yêu cầu ngay hai tác giả cho phép Đài tiếng nói Việt Nam thu thanh. Khi chia tay, anh Phạm Hổ mới thì thầm: “Rất cảm ơn bạn. Mình sẽ gởi cho Mỹ giai điệu này để nó cùng vui”.

 

Bài hát Em yêu thiên nhiên đã được nhạc sĩ Phúc Linh - một nghệ sĩ kèn bát - xông thượng hạng - phối khí và được bé Bích Vân (bây giờ là ca sĩ nhạc nhẹ Bích Vân) thu thanh khá thành công. “Bống” Hồng Nhung thời thiếu niên cũng đã thu thanh và biểu diễn Em yêu thiên nhiên.

 

Từ đấy, thỉnh thoảng gặp nhau sau khi tôi xin thôi dạy ở Cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội để có thời gian cho việc khác, hai anh em vẫn vui vẻ nhắc lại kỷ niệm đẹp đẽ này. Bài hát thì vẫn được hát trong các chương trình ca nhạc thiếu nhi còn nhà thơ sáng tạo ra nó thì đã từ giã cõi đời. Nhưng với tư tưởng mà anh đã ngộ ra từ lâu, tôi tin anh đã ngay lập tức nhập vào thiên nhiên...

 

NGUYỄN THỤY KHA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek