Thứ Năm, 03/10/2024 20:29 CH
Bắt đầu với nhớ và trải dài cùng nhớ
Thứ Tư, 06/06/2007 14:02 CH

Sao không là Nhớ, Nơi không chỉ có khói núi, Về Tuy Hòa, Ngày chưa yên, Khói và mảnh trăng khuyết hay Bầy chim trước hiên nhà… mà lại là Mưa trên sông Đăkbla?! Câu hỏi này cũng chính là câu trả lời xuyên suốt tập truyện ngắn Mưa trên sông Đăkbla (*) mà chủ đề đã được tác giả đưa ngay vào những trang đầu: Nhớ.

 

070606-bia-sach.jpgMột ông già theo con vào Sài Gòn sinh sống đã luôn hoài nhớ về mảnh đất quê lắm nắng gió nhọc nhằn. Ông già nhớ thời cùng lũ bạn để chỏm ê a học tam tự kinh, nhớ lúc dại dột, nhớ chuyện dâu bể, nhớ mảnh ruộng, khóm rau xanh góc vườn. Ông già nhớ sang những gì thuộc về máu thịt nhưng không thành hình dạng dù luôn phảng phất đâu đó trong đời mà ta vẫn gọi là tâm linh. Nhớ, đúng là nhớ khôn cùng, nhớ không giới hạn địa lý, nhớ không thời gian cản ngăn. Nỗi nhớ luôn là độc quyền của mỗi người, không ai có thể khích lệ hay cấm đoán ta nhớ được.

 

Bắt đầu với nhớ và trải dài cùng nhớ, Mưa trên sông Đăkbla mờ mịt nhớ, ướt nhòe nhớ, hư ảo nhớ… Một nàng miền ngược làm dâu miền xuôi để luôn nhớ con suối, nhà sàn, cánh rừng, bếp lửa... Khi thỏa nỗi nhớ quê thì nàng lại nhớ chồng, con. Nỗi nhớ bi kịch như huyền sử ngàn xưa mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân đã gặp. Tiên rồng còn bi kịch là vậy huống gì người thường bị cách ngăn, dù là người trong truyện ngắn.

 

Nỗi nhớ có muôn ngàn trạng thái, ba cô giáo trẻ ở vùng cao nhớ miền xuôi nhưng bị nhiệm vụ níu kéo (Nơi không chỉ có khói núi); một người bạn nhớ một người bạn và cuộc tình thời thanh niên huyền hoặc thông qua một bức tranh có tên Khói và mảnh trăng khuyết; người yêu nhớ người yêu thông qua những lá thư (Về Tuy Hòa); con chim quên tự do bay nhảy, quên tiếng hót, quên bầu trời… quanh quẩn mãi trong lồng để được ăn của có sẵn mà không cần lao động– một phản đề của nhớ (Bầy chim trước hiên nhà); đến nỗi nhớ của người phụ nữ hay ghen vụn vặt mà ghê gớm (Ngày chưa yên)… Tất cả nỗi nhớ đều qui vào đời thường, mà nhớ được đời thường trong hành trình dâu bể đáng để người đọc đồng cảm, vì trong hàng tỉ sinh linh chúng ta có mấy người là vĩ nhân (nhưng nếu có là vĩ nhân cũng nhớ quê cha, đất mẹ, chòm xóm…)?

 

Một trong những lời bạt của tập truyện này do nhà văn Cao Duy Thảo viết, tôi đồng cảm nên xin trích lại: “Thấp thoáng trong khói núi hay một làn mưa giăng mắt là những câu chuyện rất thực về tình người, tình đời. Truyện ngắn của Đoàn Việt Hùng luôn tạo ra được vòm không gian rộng, ở đó, giữa hai bờ cảm xúc, nhân vật của anh đã đặt bước chân của riêng họ lúc ngập ngừng, lúc quyết liệt, nhưng bao giờ cũng giữ được thăng bằng…”.

 

TRẦN HOÀNG NHÂN

(*) Tập truyện ngắn của Đoàn Việt Hùng, NXB Hội Nhà văn, tháng 5/2007

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek