Thứ Sáu, 04/10/2024 02:33 SA
Nhiếp ảnh gia huyền thoại Nick Út:
"Sau Pulitzer, là nỗi buồn chiến tranh và khát vọng hoà bình!"
Thứ Hai, 21/05/2007 07:00 SA

“Ba mươi năm đã đi qua, những vết thương chiến tranh trên đất đã được mầm cây che phủ. Thế nhưng, với tôi, nỗi buồn chiến tranh vẫn âm ỉ như một tàn lửa vùi sâu trong nùi rơm con cúi… Ai cũng bảo, bức ảnh tôi chụp bé Kim Phúc bị bom napan làm cháy hết quần áo tại Trảng Bàng vào tháng 6/1972, bức ảnh đã mang đến cho tôi giải thưởng Pulitzer cao quý và làm “thức tỉnh lương tri nhân loại”!

 

Người ta không biết, đó là một dấu ấn buồn nhất trong cuộc đời tôi, khi chính mình đóng đinh cho mình một khoảnh khắc đau buồn nhất của chính đồng loại mình, trong cơn hoảng loạn đến cùng cực chạy trốn khỏi ranh giới giữa sự sống và cái chết… Phía sau giải thưởng Pulitzer ấy là nỗi buồn chiến tranh, một nỗi buồn ám ảnh và dai dẳng không thể nào xóa mờ đi được…”! 

 

Đôi mắt 60 tuổi đã bị thời gian phủ lên hàng lông mày bạc thếch, mái tóc cũng lốm đốm muối tiêu nhưng ánh nhìn vẫn nồng nàn lửa nhiệt huyết, nhiếp ảnh gia huyền thoại Nick Út (Huỳnh Công Út), tác giả của bức ảnh đoạt giải Pulitzer năm 1973, miên man với nỗi ám ảnh chiến tranh giữa Hà Nội những ngày đầu hạ… 

 

KHOẢNH KHẮC BUỒN … 

 

070521--AP-photo.jpg

"Napalm Girl" - bức ảnh đem lại cho Nick Út giải thưởng Pulizer năm 1973.

 

Tháng 6 tới đây, người ta sẽ kỷ niệm 35 năm bức ảnh bé Kim Phúc bị bỏng do bom napan. Bức ảnh ấy đã được rất nhiều tờ báo trên thế giới đăng tải, dẫn họa như một bằng chứng thuyết phục nhất về lời phản chiến của những người yêu chuộng hòa bình…  

 

Rất nhiều triển lãm đã được tổ chức mà gần nhất là triển lãm cá nhân của Nick Út tại Đức mang tên “Từ địa ngục đến Hollywood” cũng không vắng mặt bức ảnh đó. Chiếc Leica M4 mà nhiếp ảnh gia Huỳnh Công Út sử dụng để chụp bức hình ấy đã được các viện bảo tàng của Anh, của Mỹ đều muốn mượn để trưng bày… 

 

Người ta muốn được tận mắt nhìn thấy tận cùng của sự hoảng loạn, đau khổ của những nạn nhân cuộc chiến phi nghĩa, cũng là tận mắt chứng kiến sự vô nhân đạo của kẻ thù. Thế nhưng, đằng sau bức ảnh ấy là những góc khuất, những câu chuyện rất dài, nó là kết quả của một khoảng chần chừ nán lại của Nick Út, và nó cũng đã suýt… không được đăng trên tờ báo AP thời điểm bấy giờ! 

 

Buổi sáng ngày 9/6/1972 định mệnh tại thị trấn Trảng Bàng - Tây Ninh, phóng viên trẻ của hãng thông tấn AP Huỳnh Công Út (Nick Út) cùng một vài đồng nghiệp có mặt tại chiến trường. Anh muốn ghi lại những hình ảnh cuối cùng để phản ánh đầy đủ nhất cả một diễn tiến của cuộc chiến tranh mà người Mỹ gieo rắc trên đất Việt.  

 

Khi công việc đã tạm thời kết thúc, nghĩa là những hình ảnh về khói bom, lửa cháy, về những xác chết, những hình ảnh tang thương tiêu điều sau mỗi một lần bom dội… đã được ghi lại đầy đủ, những phóng viên chiến tranh chuẩn bị ra về. Bỗng nhiên, anh thấy tiếng phi cơ gầm lên từ cuối chân trời.

 

Rồi như một tia chớp, 2 chiếc phi cơ lao xuống, 4 quả bom bị cắt xuống khoảng đất xám xịt. Theo một phản xạ nghề nghiệp và một linh tính báo trước, anh bảo: chắc chắn nó sẽ rót bom xuống Trảng Bàng.  

 

Rồi anh chĩa ống kính về phía 4 quả bom bị cắt. Theo tiếng nổ như xé, nóc nhà thờ Cao Đài biến thành một cột khói. Trong làn khói bom mù mịt, anh nghe thấy những tiếng la hét hoảng loạn. Rồi một đám người chạy ra từ đám khói. Một bà cụ già bế một đứa trẻ đã chết trên tay. Tiếng la hét của một bé gái: “Nóng quá, nóng quá, con chết mất chú ơi…”. Theo phản xạ, anh bấm máy. Một bé gái trần truồng chạy qua ống kính của anh, rồi ngã nhào trên cánh tay Nick Út. 

 

“Tôi không muốn có thêm một đứa trẻ nữa bị chết. Tôi lấy nón múc nước tưới vào người cháu bé cho đỡ bỏng, rồi mượn mảnh dù quân đội trùm lên người đứa nhỏ trần truồng. Cũng chẳng còn nghĩ gì đến việc chụp hình nữa, tôi bồng cháu bé về bệnh viện Củ Chi. Lúc ấy, bệnh viện đã hết sạch chỗ nằm vì có quá nhiều người bị thương. Người ta ưu tiên binh lính trong quân đội, chứ dân thường, chắc không có suất. Mấy y tá la ầm lên, yêu cầu tôi bồng đứa nhỏ trở ra. Lúc ấy, tôi mới nạt họ rằng: “Tôi là phóng viên đây, nếu mấy người không chạy chữa cho đứa nhỏ, tôi sẽ đưa tin, chụp hình mấy người lên báo! Ai dè, lời dọa ấy có sức nặng thiệt. Và bé Kim Phúc đã được cứu chữa ngay lúc ấy!”.  

 

Về tòa soạn ở Sài Gòn. Đại diện của AP tại Việt Nam là một người Nhật có tên gọi Ishia Jackson, rửa 8 cuộn phim của Nick Út, rồi Jackson in thành file. Đưa file ảnh lên ánh sáng để nhìn rõ, Jackson hỏi Út: “Tại sao con bé này lại ở truồng?”.  

 

Nghe Út kể, Jackson rùng mình. Rồi ngay lập tức, vị đại diện tại Việt Nam của AP rửa ảnh rồi gửi sang Úc cho một editor cấp trên của mình.  

 

“Ảnh này không sử dụng được, vì nhân vật ở truồng, rất gây phản cảm!” - câu trả lời từ bên nước Úc. Hai lãnh đạo của Út bắt đầu gây gổ. Cuối cùng, bức hình bé Kim Phúc bị phỏng nặng, quần áo cháy sém vẫn được gửi về trụ sở của AP tại Mỹ, sau một thời gian chờ đợi để truyền ảnh gần 1 giờ đồng hồ, và đi bằng đường vòng từ Sài Gòn - Tokyo; rồi từ Tokyo sang Washington

 

Sáng hôm sau, AP đăng tải bức hình lên trang nhất. Mấy giờ sau, đồng loạt tất cả các tờ báo của các hãng thông tấn khác cũng đều sử dụng bức hình của Nick Út.  

 

Một năm sau (năm 1973), Nick Út được nhận giải thưởng quốc tế cao quý về ảnh - giải thưởng Pulitzer - cho bức hình anh vô tình nán lại, vô tình anh chụp được. Một khoảnh khắc buồn của cả cuộc chiến và cũng là một khoảnh khắc buồn trong cuộc đời cầm máy của Nick Út. 

 

“TÔI BI ÁM ẢNH…” 

 

070521--Nick-Ut.jpg
"Mái đầu bạc khẽ cúi xuống. Và đôi mắt của ông bỗng nhiên hoe đỏ..."
Nick Út tâm sự: “Tôi đã thực sự bị ám ảnh về bức hình đó, ám ảnh tới mức, chiến tranh đã qua đi, cô bé Kim Phúc ngày đó mới 8 tuổi, bây giờ đã trở thành một đại sứ hòa bình của một Tổ chức phi chính phủ luôn giúp đỡ những trẻ em có cuộc sống bất hạnh, do chiến tranh, do đói nghèo gây ra…

 

Thế nhưng, hình ảnh đứa bé ở truồng vì bị bom napan đốt cháy hết áo quần, những mảng da lưng rụng xuống và tiếng kêu la hoảng loạn, những bóng người chạy vụt ra từ trong khói bom… tôi không thể nào quên được. Tận mắt chứng kiến nỗi đau cùng cực của đồng loại, làm sao có thể dễ dàng mà quên được…”. 

 

Thời điểm chụp bức hình bé Kim Phúc, Nick Út khi đó mới 19 tuổi. Ông đến và trở thành phóng viên chiến trường của hãng AP cũng hết sức tình cờ. Cái chết của anh trai (Huỳnh Thanh Mỹ - cũng là một phóng viên ảnh của hãng AP tại chiến trường Cần Thơ), đã thôi thúc Út cầm máy.  

 

Một điều trùng hợp, mà Nick Út tâm sự, “chẳng biết có phải sự linh hiển của anh Mỹ hay không?”: tôi luôn khấn cầu anh Mỹ phù hộ để tôi chụp được những bức hình có giá trị. Ở nhà, anh Mỹ là thứ bẩy. Bức ảnh tôi chụp Kim Phúc cũng có 7 người. Có lẽ, anh Mỹ đã hiển linh mà cho tôi một khoảnh khắc làm nên điều kỳ diệu! 

 

Mấy chục năm trôi đi. Gần đây, lúc tôi mở cuộc triển lãm: “Từ địa ngục đến Hollywood”, một phụ nữ Mỹ đến ôm chầm lấy tôi rồi bảo: Khi ấy (năm 1973), bức ảnh bé Kim Phúc được AP đưa lên trang nhất, rất nhiều người Mỹ đã phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam.

 

Bản thân chị khi đó còn là một đứa trẻ (bằng tuổi bé Kim Phúc), đã đốt những đống rác trên đại lộ trong thành phố để phản đối.  

 

Rồi, một đạo diễn nổi tiếng tại Hollywood bấy giờ cũng ôm lấy tôi và bảo: Cảm ơn Nick Út, cảm ơn bức hình của anh mà tôi không phải sang Việt Nam, nhờ đó mà tôi còn sống được đến ngày hôm nay…  

 

“TÔI SẼ VỀ VIỆT NAM SỐNG !”  

 

“Đối với tôi, khi cầm máy để chụp một hình ảnh nào đó, trong đầu tôi luôn hiện lên một mục đích, một mong muốn: phải lên trang nhất! Đó cũng là động lực để tôi có được những thành công.” - Nick Út tâm sự.  

 

Chiến tranh kết thúc. Nick Út vẫn tiếp tục làm việc cho AP, tại Mỹ.  

 

Từ địa hạt phóng viên chiến tranh, Nick Út chuyển sang chụp các ngôi sao Hollywood, những vụ scandal của những người nổi tiếng…

 

070521--Nick-Ut--Kim-Phuc.jpg
Nick Út và Kim Phúc (Napalm Girl) tại New York (Nguồn: Nick Út)

 

Bức ảnh diễn viên Blake được tòa án tuyên vô tội - hình ảnh một người đàn ông với điều thuốc ngậm trên môi, cả khuôn mặt bị che bởi làn khói thuốc mờ mịt phả ra từ mũi - là một hình ảnh tiêu biểu cho phong cách cầm máy của Nick Út: luôn có một cái nhìn của riêng mình, đặc tả nhân vật và không mấy ai giống Út góc nhìn ấy.  

 

“Đồng nghiệp của tôi, Tim Page, một phóng viên chiến trường người Anh từng bảo: Những bức ảnh chiến tranh, dù chụp từ phía nào đi nữa, cuối cùng cũng vẫn phản đối chiến tranh! Tôi rất ủng hộ ý kiến này.

 

Nhưng với tôi, đó còn phải là tôn trọng sự thật. Ngày nay, với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ, người ta hoàn toàn có thể dùng máy móc để tạo nên một bức ảnh như mong muốn, thậm chí còn trên cả sự mong muốn. Thế nhưng, đó không phải là sự thật. Đó là sự giả dối. Mà điều ấy, với tôi, đó là một sự phủ nhận chính mình!’’.

 

Bước sang tuổi 60. Mái tóc và hàng lông mày rậm rạp của Nick Út đã bạc trắng. Thế nhưng, ánh mắt Nick Út vẫn đầy lửa. Giọng miền Tây nhẹ nhàng, dù mấy chục năm trời sống ở trời Tây, nói tiếng Tây, vẫn ấm áp một tình yêu, vẫn nguôi ngoai một sự trắc ẩn về nỗi buồn Trảng Bàng gần 35 năm trước.  

 

“Những ngày cuối đời, chú mong muốn sẽ trở về Việt Nam sống, dù không được nhiều, thì cũng sẽ cố gắng nửa năm ở Việt Nam, nửa năm về Mỹ. Con biết không, ở Mỹ, nhìn thấy một món hàng “Made in Việt Nam”, thấy tự hào lắm. Rồi, chẳng cần mặc cả chi hết, bỏ vài chục, vài trăm đô mua một chiếc áo có dòng chữ “Made in Việt Nam”, thấy thỏa mãn và toại nguyện vô cùng…!”. 

 

Tôi thấy mái đầu bạc khẽ cúi xuống. Và đôi mắt của ông bỗng nhiên hoe đỏ. Cái nhìn nguôi ngoai, thảng thốt…  

 

Tôi biết, đó là nỗi buồn chiến tranh và sự ám ảnh về những nỗi đau của đồng loại! Trong người Nick Út, vẫn mang vài mảnh đạn trên cơ thể, để những lúc trở trời, nó lại tấy lên, đau nhức, như một sự nhắc nhở về cuộc chiến, dù đã lùi xa.

 

Nhưng có một sự thật, đằng sau Pulitzer, sau nỗi ám ảnh chiến tranh là khát vọng hoà bình...

 

Theo Di Linh – VNN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Live show ở... phòng trà
Thứ Bảy, 19/05/2007 07:37 SA
Khánh thành Đài tưởng niệm Núi Nhạn
Thứ Bảy, 19/05/2007 07:30 SA
Những điều lạ lùng về Anh Khoa
Thứ Sáu, 18/05/2007 13:20 CH
Song Il Gook và dấu ấn Joo Mong
Thứ Sáu, 18/05/2007 09:20 SA
Muốn tiến xa hơn nữa...
Thứ Tư, 16/05/2007 07:18 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek