Thứ Sáu, 04/10/2024 06:17 SA
NSND Lan Hương: “Ngôn ngữ kịch hình thể là cơ thể của diễn viên”
Thứ Ba, 15/05/2007 14:23 CH

Gặp NSND Lan Hương vào một chiều mùa hè, chị đang bận rộn cho việc công diễn vở kịch hình thể Stereo man dành cho giới sinh viên, lại đang tất bật cho ra đời một vở mới vào tháng 7. Chị tự nhận mình “quá già so với kinh nghiệm của một diễn viên trên sân khấu nhưng quá non với nghiệp của một đạo diễn”. Hãy nghe những tâm sự của chị về loại hình kịch hình thể mà chị đang dồn tâm huyết theo đuổi.

 

“Một nửa giới trong nghề phản bác kịch hình thể”

 

070515- Lan Huong.jpg
Nghệ sĩ nhân dân Lan Hương
Kịch hình thể trong 2 năm trở lại đây cũng không còn quá xa lạ với thị hiếu của khán giả. Nhưng để đạt được điều đó thì sự cố gắng và kiên trì là yếu tố không thể thiếu đối với người khai phá như chị. Chị có thể bộc lộ quãng đường mà bản thân chị đã nỗ lực cho sự ra đời của Đoàn kịch hình thể?

 

Tôi say mê với những vở có múa và anh Lê Hùng là người đầu tiên thắp ước mơ đó cho tôi. Có thể nói nhen nhóm với lối diễn kịch hình thể có từ năm 2000 nhưng phải đến khi anh Lê Hùng dàn dựng cho tôi một chương trình độc diễn tham gia liên hoan sân khấu quốc tế tại Trung Quốc 2004, tôi mới suy nghĩ là đã đến lúc phải làm. Và mới đầu là cho ra đời câu lạc bộ kịch hình thể. Và 2005, đoàn kịch hình thể đã chính thức ra đời.

 

Giới trong nghề phản ứng thế nào với sự tiên phong này của chị?

 

Khởi điểm của câu lạc bộ là hai vở Nhật thực và Tiếng vọng hành tinh. Khán giả thì chưa thể tiếp nhận nhưng giới trong nghề cũng đã bắt đầu có phản hồi. Một nửa đánh giá tốt, một nửa họ phản bác. Họ phản bác vì nó không có chuẩn mực gì. Họ quen kịch nói có thắt nút, mở nút, cao trào. Trong khi kịch hình thể chỉ có một phần, đoạn nào đấy, rất ngắn, rất chọn lọc và không giãi bày như kịch nói. Kịch hình thể chỉ cần gút là cái gì và chọn đúng thời điểm đấy để biểu diễn.

 

Khán giả mới đầu khó tiếp nhận, bởi vì nếu xem không tập trung sẽ không hiểu gì. Kịch hình thể rất logic, chặt chẽ đến từng phút, từng giây. Khó khăn của riêng bộ môn kịch mới này ở Việt Nam là ở khâu nào?

 

Tôi học đạo diễn chung, nhưng với kịch hình thể tôi chỉ đứng ở góc nhìn hình thể và luôn có biên đạo làm trợ lý chuyển tải mong muốn của mình, biên đạo hiện nay đang quen với đương đại, để đẩy vào tiết tấu kịch hình thể thì lúc đó lại cần một đạo diễn. Biên đạo của chúng ta chưa được đào tạo về loại hình kịch này nên còn sáng tạo theo lối mòn, chưa đột phá. Cũng đã có một số người biên đạo múa đương đại khá giống với kịch hình thể. Tôi hy vọng đến một lúc nào đó các biên đạo múa sẽ nắm bắt được và có cơ hội hợp tác với một số biên đạo trẻ.

 

Kịch bản hiện nay cũng còn thiếu, thỉnh thoảng lắm mới có kịch bản hay mang đúng tính chất hình thể. Stereo man mới đúng là kịch hình thể. Thêm nữa, kịch hình thể không thể dùng micro. Do vậy, hơi khó để trình diễn những đoạn có lời. Khán giả sẽ phải im lặng, tập trung và sẽ là hẫng với khán giả Việt nếu không thông báo trước cho họ các diễn viên không dùng micro.

 

“Khó khăn nhất là liệu mình có tài năng để làm không”

 

Vậy nói một cách ngắn gọn về kịch hình thể, thì chị sẽ nói gì?

 

Kịch hình thể dành cho những người thông minh. Ở Việt Nam gọi là kịch hình thể nhưng ở nước ngoài họ gọi là kịch có vũ đạo. Nhưng nó khác với balê, có cả dùng tiếng nói chứ không đơn thuần là hình thể. Nó cũng không phải múa, có tính kịch thực sự trong động tác, nó không lãng mạn như múa. Kịch hình thể vừa mang tính chất khái quát nhưng vừa mang gì đó cụ thể.

 

Lấy ngôn ngữ chính của kịch nói là lời đối thoại, nhưng ngôn ngữ kịch hình thể chính là cơ thể của người diễn viên. Nhưng khi nào cơ thể người diễn viên không nói lên được nữa thì dùng đối thoại. Độc thoại của kịch hình thể hầu hết bằng diễn xuất, hình thể là tốt hơn.

 

Trong suốt quá trình đến với kịch hình thể, có thể nói chị đã học tập không ngừng nghỉ. Những kinh nghiệm thực tế nào đã giúp chị có được thành quả như hiện nay?

 

Tôi may mắn được đi nước ngoài hội thảo, họp, biểu diễn và cũng thấy thiên hướng loại hình này tại các nước. Sau đó thì tôi có nghe băng, xem đĩa của Úc, Philippines và xem múa đương đại của Trung Quốc.

 

Một kinh nghiệm thực tế là chúng tôi có dịp hợp tác với bà Lea (Giám đốc Nhà hát Giáo dục Philippines) trong một khóa học do tổ chức Peta (thuộc Hội nghệ sĩ Philippines) tiến hành cho 6 nước tiểu vùng sông Mekong. Sau khoá học, bà Lea có hỏi tôi là “đàn ông Việt Nam khi thể hiện mạnh mẽ nhất là như thế nào?”. Tôi trả lời: “Đàn ông Việt Nam cũng như đàn ông thế giới, giống đàn ông Philippines, bà muốn thể hiện họ mạnh mẽ như thế nào thì bà làm”. Và bà Lea đã quyết định dựng vở Stereo man cho 4 diễn viên Việt Nam.

 

Vở Stereo man đã gây được tiếng trong lòng giới sân khấu và vừa được chuyển từ 6 phút thành 35 phút để chọn phục vụ tuyên truyền về giới cho sinh viên. Đây là một kinh nghiệm thực tế được tiếp xúc với đạo diễn, biên đạo múa nổi tiếng của Philippines.

 

Stereo man được đánh giá là vở kịch hình thể đầu tiên ở Việt Nam. Và nó cũng gây được tiếng khi được chọn lưu diễn tại các tỉnh, thành trong cả nước. Dự án này liệu có phải đang mở đường cho kịch hình thể đến với đông đảo công chúng?

 

Stereo man cho đến thời điểm này đã phục vụ cho sinh viên hai trường Đại học Y và Học viện Hành chính Quốc gia. Ban đầu tôi cũng sợ họ không hiểu hoặc là thấy kịch hình thể không phù hợp cho công việc tuyên truyền về giới cho sinh viên. Nhưng sau đó tôi thấy phản ứng của các em rất thật, có người cảm nhận nghệ thuật, có người cảm nhận cái cuộc sống hiện nay ở tầm cao hơn, có người nhìn thẳng luôn. Họ phát biểu rất nhiệt tình và hứng thú với loại hình này.

 

Cũng một phần nữa là đạo diễn của vở không ép khán giả, sinh viên phải hiểu như thế nào, họ thả ra một câu chuyện như thế và hiểu như thế nào là tuỳ ở từng người và lựa chọn cách cư xử riêng. Vở này sẽ được diễn 8 đêm phục vụ cho sinh viên Hà Nội, Hải Phòng và Thái Nguyên. Sau đó nếu tiếp tục xin được tài trợ chúng tôi sẽ nam tiến.

 

Hiện nay, chị thấy điều gì là khó khăn nhất với tư cách là trưởng đoàn kịch hình thể?

 

Khó khăn nhất là liệu mình có tài năng để làm không. Làm diễn viên cũng đã mất bao nhiêu năm để thành công. Sau 5 năm học đạo diễn tôi đã thay đổi nhiều, cách nhìn cũng khác, vững vàng hơn nhưng để đích thực thì cần vươn tới nhiều hơn nữa. Tuổi diễn không trẻ nhưng tuổi đạo diễn lại còn trẻ. Có thể nói tôi quá già so với kinh nghiệm của một diễn viên trên sân khấu nhưng quá non với nghiệp của một đạo diễn.

 

Vậy với cảm nhận riêng chị, kịch hình thể đang có những bước đi như thế nào?

 

Khó khăn thì nhiều nhưng có bước tiến triển. Từ năm 2005 rất nhiều người đã nói dến kịch hình thể. Tháng 7 tới này, chúng tôi sẽ tiếp tục dựng vở mới và sẽ do anh Lê Hùng làm đạo diễn và sẽ mời biên đạo Ngọc Cường - Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn.

 

Xin cảm ơn chị!

Theo THIÊN LAM – VNMedia

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek