Thứ Sáu, 04/10/2024 06:17 SA
Sắc màu lễ hội cầu ngư
Thứ Bảy, 12/05/2007 08:56 SA

Băng qua dãy lều quán vừa dựng tạm trên bãi cát phục vụ nhu cầu ăn uống cho bà con trong suốt ba ngày hội, chúng tôi bước ra bãi cát ướt  mịn màng sát chân sóng. Từ đây, cửa biển Lễ Thịnh (An Ninh Đông, Tuy An) mở ra một vùng mênh mông trời nước. Trời trong vắt. Biển xanh rì. Phía ngoài xa, những con sóng chầm chậm trôi vào bờ. Những chiếc thúng chai buộc đôi, buộc ba dâïp dềnh lên, xuống theo con sóng nhẹ tênh. Vài ba nhóm người già có trẻ có, nam có nữ có bíu vai nhau cười nói ríu rít đi về hướng gành đá cuối chân đồi, nơi có ngôi miếu Tam Tà nằm khuất dưới tàng cây cổ thụ xanh um, từ đó đang giục lên những hồi trống rộn rã. Làng đang vào lễ hội cầu ngư, lễ hội quan trọng nhất trong tín ngưỡng của bà con vùng biển.

 

070512-anh-2--dang-ruou.jpg

Nghi thức dâng rượu trong lễ cầu ngư - Ảnh: D.T.X

 

BÁ TRẠO CỦA LÀNG

 

Năm nay, cụ Nguyễn Hào, bà con trong làng thường gọi một cách thân thiết là ông Sáu Chưa, được làng cử làm chánh tế. Cụ trịnh trọng trong chiếc áo dài xanh, đầu đội khăn đóng cũng màu xanh, giang thẳng cánh tay nện dùi vào chiếc trống cái đặt bên cạnh bàn thờ hương đèn nghi ngút. Bốn thanh niên trong vai học trò lễ áo mão tề chỉnh tuần tự đốt nến, châm rượu, rồi thành kính hướng về phía bàn thờ Ông Nam Hải lâm râm khấn vái. Hai cụ phụ lễ cũng trang phục một màu xanh, tả hữu nhịp nhàng sánh cùng cụ Hào cầu Ông Nam Hải giúp cho trời yên, biển lặng, dân làng được no ấm, hạnh phúc.

 

Phần lễ kéo dài suốt đêm đầu tiên của lễ hội. Các cụ thức suốt đêm để thực hiện những lễ thức cổ truyền được lặp đi, lặp lại từ nhiều đời nay. Trong tiếng nhạc lễ uy nghiêm, họ từng bước cúng tổ, cúng tiền hiền, tế âm, tế thần, khai tiên… Xong tất cả mới đến phần hội hè, vui chơi trong suốt ba ngày đêm sau đó, mà hát bội Bình Định là bộ môn không bao giờ được thiếu.

 

Năm nay dân làng Phú Lương ai cũng vui hơn vì làng đã lập được đội bá trạo để hầu lễ. Ông Ba Minh, một ngư dân 52 tuổi, được làng giao thực hiện nhiệm vụ này, rất tự hào khi nhìn 12 thanh niên chắc, khoẻ trong bộ quần áo cùng màu xanh két, cổ áo viền vàng, đầu đội nón đỏ, tay cầm mái chèo, chia thành hai hàng đứng nghiêm hầu lễ. Những năm trước, cứ đến kỳ tổ chức lễ cầu ngư, các cụ cao niên phải vào tận An Phú, An Chấn nhờ lạch bạn về giúp hầu lễ, thật phiền phức. Nay làng góp tiền may quần áo, mũ nón,  lại thêm cụ Giáo đã 76 tuổi, ngày trước từng nhiều năm thủ vai học trò lễ trong các lễ cầu ngư nhận đứng ra tập luyện cho thanh niên từng đường đi nước bước của bá trạo nên ai nấy đều cố gắng  tập ngày tập đêm cho thành thục bài bản. Không chỉ 12 trạo viên mà lần này làng còn trang bị đầy đủ cho đội siêu 5 người với áo đỏ viền vàng, đầu quấn khăn vàng, tay cầm đại đao đứng hầu thật oai nghiêm.Vui nhất có lẽ là cụ Trần Nhứt (dân làng thường gọi là Ba Nhứt), người đang giữ chức lạch trưởng nhiệm kỳ này. Ở tuổi 71 nhưng dáng người còn chắc chắn, giọng khoẻ như thanh niên, cụ mãn nguyện khi thấy con cháu năng nổ góp sức cùng các cụ giữ gìn và phát huy bản sắc của làng.

 

ÔNG NAM HẢI, VỊ THẦN HỘ MỆNH CỦA NGƯ DÂN

 

Trong tâm thức của ngư dân vùng biển, cá Ông thường được gọi một cách thành kính là Ông Nam Hải, là vị  Phúc thần luôn sẵn sàng phù hộ họ trong những cơn hoạn nạn giữa biển khơi cũng như trong công ăn việc làm hàng ngày ở ven bờ. Cụ Ba Nhứt nhớ lại gần hai mươi năm trước, lúc cụ chừng 55 tuổi, đang đánh cá đêm gần Lao Mái Nhà cùng với 10 người bạn. Bất thần thuyền của cụ bị giông giật cho chao đảo, phá nước, sắp chìm. Trong cơn hoảng loạn, mưa to gió lớn, mịt mù giữa biển tối đen, cụ không còn biết phải định hướng làm sao nên lẩm nhẩm cầu  Ông Nam Hải. Vậy mà thật lạ, một lúc sau mọi người trên thuyền chợt nghe tiếng sóng vỗ gần bờ. Thì ra họ đã vào đến gần cửa Lễ Thịnh!

 

070512-hat-2.jpg
Các diễn viên của Đoàn tuồng CLB An Nhơn 2, tỉnh Bình Định biểu diễn phục vụ bà con tại lễ cầu ngư

 

Chị Ba Vinh, một người chuyên bỏ dầu lẻ cho tàu thuyền còn nhớ  đến từng chi tiết câu chuyện mà “người thật việc thật” đã kể lại trong cơn bão số 9 năm ngoái. Biển động dữ dội. Sóng từng lớp từ ngoài khơi xô vào cửa cao như cái nhà. Một chiếc thuyền của Phù Cát- Bình Định mỏng manh len giữa sóng to gió lớn từ từ tìm cách lách vào bờ. Nhưng không kịp, một con sóng dữ đã nhận chìm chiếc thuyền. Ba người đàn ông vịn vào một tấm ván chới với trong sóng. Hai người phải buông tay! Người thứ ba, sống sót kể lại, lúc ấy anh chẳng còn biết phải làm gì đành nhắm mắt, cầu nguyện. Đến sáng, anh dạt vào cửa Lễ Thịnh, trên người không còn một chút vải, bà con trong làng phải cho quần áo để mặc.

 

Người ta tin rằng, trong những trường hợp như thế chỉ có Ông Nam Hải mới đẩy được họ vào bờ.

 

Bên trong miếu Tam Tà hiện còn giữ nhiều bộ xương Ông Nam Hải. Anh Huỳnh Hai, trưởng ban tổ chức lễ cầu ngư cho biết, hiện có hai bộ xương hàm lớn nhất đang đặt tôn nghiêm trên bệ thờ trong miếu, còn những bộ nhỏ hơn thì rất nhiều, không thống kê được. Anh nhớ lại lần “Ông Lỵ” gần đây nhất là giữa năm 2005. Năm ấy, đoàn tuồng của ông bầu Minh hát vừa dứt, chuẩn bị thu dọn rạp thì “Ông” vào. Ai nấy lạnh cả mình! “Ông” dài 18 mét, nặng đến 32 tấn, và cao thì người đứng bên này không thấy được người đứng bên kia! Dân làng định về lấy dây kéo ngược ra biển để cứu, nhưng một cơn sóng to đã đẩy “Ông” vào mắc kẹt tại cửa biển. Vậy là dân làng  hút cát, đào lỗ, rắc vôi để táng “Ông” tại đó, năm sau mới di hài cốt vào lăng.

 

Người ta bảo rằng cũng nhờ đó mà hai năm nay dân Phú Lương trúng mùa liên tục. Cá cơm thì khỏi phải nói; tôm hùm giống thì người ta lặn bắt được đều đều. Đặc biệt giàu nhanh thấy rõ là mấy chủ nuôi tôm sú và tôm hùm lồng: ông Đặng Bến, bà Nguyễn Thị Vân, ông Nguyễn Lộc… Và mấy chủ đi nghề như Huỳnh Hai, Nguyễn Đức Thắng, Phạm Chín, Đỗ Phận… thì nhà cửa rất khang trang, nếu chỉ nhìn những căn nhà “hoành tráng” ai cũng tưởng Việt kiều về bỏ tiền ra cất. Cho  nên năm nay lễ cầu ngư vui hơn, đông hơn là phải.

 

ĐẶC SẢN: BÁNH BÈO -  HÁT BẬU!

 

070512-anh-6-khan-gia.jpg

Lớp dưới lớp trên chen nhau xem hát - Ảnh: D.T.X

Có người đã hệ thống “phong cách” ăn chơi của ba miền: miền Bắc: thịt chó -hát chèo; miền Trung: bánh bèo -hát bậu (hát bội); miền Nam: nhậu - cải lương! Cứ một món đặc sản cho vào miệng lại có một món đặc sản làm đã cái lỗ tai! Đến dự lễ cầu ngư có nhiều món ăn dân dã, nhưng quên món bánh bèo là coi như chưa đủ bộ. Ở vùng biển này, bánh bèo thường “linh hoạt” tuỳ theo lúc mà đổ cỡ bánh to hay nhỏ. Lúc ít khách, thong thả thì người đúc dùng khuôn chỉ lớn hơn đồng xu một chút, cái bánh tròn trĩnh, nhỏ nhắn, xinh xinh; nhưng lúc đông khách, cần giải quyết nhanh gọn cho cái bao tử nhiều người thì không cần cầu kỳ nữa, người ta cho cả chén ăn cơm làm khuôn, và chỉ cần bốn, năm bánh là xoay đầy một dĩa! Gia vị ăn kèm cũng tuỳ theo yêu cầu người dùng, thường là tôm khô chà nhuyễn hoặc thịt chà bông thơm phức rắc lên dầu hẹ, nhưng gặp người ăn chay, chủ quán thay tôm, thịt bằng xác đậu sấy khô, nhuộm đo đỏ. Dĩa bánh bèo nóng hôi hổi, rắc đủ gia vị lên cũng “bắt mắt” thấy rõ: màu trắng tinh tươm của bột, màu đỏ của tôm, màu xanh của lá hẹ, màu vàng của trái thơm trong nước chấm… tất cả quyện vào nhau trong không khí hội hè khiến nhiều người cả đời, hễ nghe tiếng trống chầu là nhớ… bánh bèo.

 

Năm nay đoàn tuồng CLB An Nhơn 2, tỉnh Bình Định về hát phục vụ bà con. Không khí “chợ chiều” mà các nhà quản lý nghệ thuật thường nói ở đâu không rõ, chứ ở đây, cứ nhìn cảnh bà con nhễ nhại mồ hôi, lớp trong lớp ngoài, lớp leo lên cây hau háu ánh mắt khâm phục nhìn các diễn viên mặc trang phục xanh, đỏ, vàng, tím… diễu võ dương oai, múa may theo các tuồng xưa tích cũ mới thấy vẫn còn quá nhiều người hâm mộ bộ môn nghệ thuật dân tộc tưởng đã mai một này. Chị Sáu Nhung, bụng lùm lùm không dám vào ngồi trong lăng, nhưng cũng không chịu về nhà. Chị mắc ngang chiếc võng ở hai đầu cây phong ba nằm đung đưa… nghe hát! Chị bảo sẽ nghe hát suốt ba ngày, khi nào vãn mới thôi !

 

Và cứ thế suốt ba ngày đêm, diễn viên cứ tuồng tích mà diễn, còn bà con làng biển này cứ thong dong, hễ đói bụng là có… bánh bèo.

 

DƯƠNG THANH XUÂN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek