Thứ Sáu, 04/10/2024 06:28 SA
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9: Đi làm vì... hết chỗ để chơi!
Chủ Nhật, 13/05/2007 12:23 CH

Tôi có biết gì đâu mà nói, mà lỡ nói thật thì sợ mất lòng lắm! Tôi quan niệm ai cũng có vị trí riêng, có cái hay có cái dở. Nghệ sĩ là đem hết tình cảm dâng cho mọi người, chứ không phải là cho cái tôi của mình - Nguyễn Ánh 9

Mở phòng trà có là thú ngông của gã nhạc công “thất thập cổ lai hy” ?

070513--Nguyen-Anh-9.jpg- Ở cái tuổi 70 rồi, vẫn bị mặc cảm mình là gánh nặng gia đình, không muốn nhờ con cái nuôi nên mở một phòng trà. Mang danh nhạc sĩ nghĩa là đeo cái nghề nghiệp vào người. Ở nhà thấy nhớ sân khấu, làm phòng trà thấy vui. Nói thật cứ ngỡ là nói ngông: kinh doanh mỗi tháng lỗ từ 8 đến 12 triệu đồng nên phải đi chơi đàn ở những nơi khác để bù lại. Nói ngông mà lại đúng như thật là: tôi mở quán bán hàng để làm vui lòng vợ.

Thời buổi này mà nghĩ như ông kể cũng lạ, ngàn vàng mua lấy trận cười như không!

- Ừ thì chúng tôi mỗi người góp sức một tý để làm một phòng trà, đùm bọc chia sẻ với nhau. Hoàng Kim, Thụy Long, Phi Hải Quỳnh Lan...đều hiểu tiền catse hát, chơi nhạc ở chỗ tôi rất thấp, chỉ đủ cafe và xăng xe thôi, nhưng được cái là vui, ai cũng có một chỗ đi về.

Nghe nói trước đây ông đã định giải nghệ để...đi chơi?

- Ừ. Đã có một thời gian tôi nghỉ hẳn chơi nhạc để đi thăm thú anh em bạn bè trong và ngoài nước. Đến khi hết sạch người để chơi, hết cả chỗ để đi chơi mới thấy nhớ sân khấu vô cùng. Vậy mà ngày xưa, đã có lúc tôi yêu cầu vợ tôi nghỉ việc ở nhà trông con để tôi được rộng cẳng du hí. Giờ tôi mở quán trà này là để tạ lỗi cùng cô ấy.

Nghe đồn mấy bác nghệ sĩ ai cũng có máu lãng mạn, nhiều người có cả vợ nọ con kia... Ông có thế không?

- Không có! Tôi yêu vợ tôi lắm. Hôm vừa rồi, kỷ niệm ngày cưới lần thứ 42, tôi gom tiền tác giả, tiền đi chơi nhạc để mua tặng cô ấy một chiếc nhẫn hột soàn. Từ ngày cưới đến giờ, tôi muốn tặng cô ấy một cái gì đó nhưng chưa có tiền. Giờ mới thực hiện được.

Để có một “đám cưới kim cương” như vợ chồng ông không phải là dễ?

- Tôi nghĩ tình yêu là tự nó đến rồi đi. Tôi cũng có một mối tình đầu sau đó chia tay. Tôi lấy vợ không hề yêu, chỉ có tình bạn và thương mến nhau. Giờ thì vẫn thương lắm. Tôi thấy cô ấy như một người mẹ, một người bạn, một người tình, một người chị, ngoài ra chúng tôi có nghĩa phu thê nữa. Hạnh phúc chúng tôi có được là sự tôn trọng và thành thật lẫn nhau.

Ông sáng tác không nhiều?

- Tôi chỉ viết khoảng 30 bài, cũng bị dừng mất 16 năm không sáng tác được gì. Sự nghiệp sáng tác bắt đầu từ: Không; Buồn ơi, chào mi; Ai đưa em về; Một lời cuối cho em; Cô đơn; Bơ vơ; Tiếng hát lạc loài…Gần đây tôi có sáng tác bài “Mầu tím tình yêu” với tôi mầu tím thường sâu lắng, gắn liền với tình yêu, số phận

Những bóng hồng nào tạo nên cảm xúc cho các nhạc phẩm của ông?

Tôi là nhạc công chơi piano, năm 1970 sáng tác tình khúc “Không” và bắt đầu cái tên Nguyễn Ánh 9 ra đời. Ban đầu tôi định lấy tên Nguyễn Ánh nhưng sợ phạm huý, lấy thêm số 9. Đấy là ngày cưới của 2 vợ chồng tôi.

Tôi là người lãng mạn, những tan nát bi thương trong các nhạc phẩm đều không gắn liền với tôi. Đấy chỉ là những điều tôi trông thấy, những xúc cảm được đẩy lên cao. Khi viết bài "Tình khúc chiều mưa" là lúc tôi ngồi bên quán cafe ven đường trú mưa, phía bên kia đường là đôi tình nhân đang dưới tán cây, cô ấy đưa tay giỡn nước. Tôi tự hỏi, nếu sau này hai người kia chia tay nhau, mỗi người mỗi ngả và khi có dịp họ đi qua đây, họ sẽ nhớ rất nhiều. Thế nên mới có "Tình chết không đợi chờ, tình xa ai nào ngờ, tình đã trôi nhạt mầu, tình đau..."

Có bao giờ vợ ông bất chợt hỏi về các nhân vật nữ trong các nhạc phẩm?

- Không bao giờ! Cô ấy còn góp ý rất nhiều cho bài hát tốt hơn, nghệ sĩ là kẻ thương thay khóc mướn nên nói hộ tâm trạng cho người khác.

 Ông thích ca sĩ nào hát nhạc của ông?

 - Bài hát ra, được người khác hát là mừng rồi, tôi không có tư tưởng cô này hát bài này, anh nọ hát bài kia.

 Ông có thấy sự mâu thuẫn ở chỗ, ca sĩ hát hay lại không nổi tiếng. Ca sĩ hát dở lại cứ nổi lềnh bềnh?

 - Tôi không có ý kiến. Tôi có nghe họ nhưng để nói về họ thì tôi khó nói. Mỗi người có cách nghĩ và suy nghĩ riêng, đừng nên áp đặt suy nghĩ vào ai đó. Tất cả những cái gì hay nó sẽ tồn tại. Mình lấy quyền gì mình phê phán? Tôi thấy các ca sĩ, nhạc sĩ kia mạnh dạn và tự tin, họ sáng tác và tin nhạc của họ có người nghe. Xã hội nhiều thành phần, trí thức hay bình dân đều có nhu cầu nghe nhạc, có thể nghe không giống nhau, nhưng đừng chửi lẫn nhau, không thích thì không ép phải nghe.

Nhưng ông đánh giá cao những ban nhạc, ca sĩ thị trường nào?

- Tôi rất thương các ban nhạc trẻ, họ phải vật lộn kiếm tiền. Như ban nhạc “5 Dòng kẻ” ở Hà Nội không phát triển tốt nên vào Sài Gòn. Thân gái lập nghiệp nơi xa, kiếm chỗ hát lấy tiền, sống lại cực khổ, 4 đứa chia nhau căn phòng. Thương chúng nó như con, nhưng không giúp được gì, chỉ tinh thần thôi. Giờ thì tụi nó nổi tiếng rồi, thỉnh thoảng ghé qua thăm mình, lại bố bố con con, lại ở lại hát chơi chút xíu.

 Mỗi người có cách riêng biệt để chứng tỏ mình. Nhạc trẻ Sài Gòn có bị hụt hẫng, rơi vào vòng luẩn quẩn, không có đường hướng, lối thoát riêng. Có một số bạn như AC&M và 5 Dòng kẻ, Nguyên Thảo có phong cách.

Các nghệ sĩ chọn cách xuất hiện, còn ông lại im lặng?

- Tôi có biết gì đâu mà nói, mà lỡ nói thật thì sợ mất lòng lắm! Tôi quan niệm ai cũng có vị trí riêng, có cái hay có cái dở. Nghệ sĩ là đem hết tình cảm dâng cho mọi người, chứ không phải là cho cái tôi của mình. Cái tôi chẳng là cái gì, chính người nghe cho mình cái tên. Nhạc sĩ, ca sĩ sống được và nổi tiếng được là do người ta cho mình cái tên!

Theo VNN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek