Thứ Hai, 07/10/2024 01:31 SA
Bảo tồn, phát triển văn hóa Tây Nguyên:
Vấn đề cấp thiết
Chủ Nhật, 01/06/2014 14:00 CH

Tiết mục biểu diễn cồng chiêng của người Ba Na (Phú Yên) tại Ngày hội Văn hóa, thể thao, du lịch lần 8 năm 2013 - Ảnh: T.DIỆU

Bản sắc văn hóa Tây Nguyên đang phai nhạt và mai một dần theo thời gian. Vấn đề bảo tồn và phát triển văn hóa Tây Nguyên đang trở nên hết sức cấp thiết. Tại tọa đàm khoa học Giải pháp bảo tồn và phát triển văn hóa Tây Nguyên vừa diễn ra tại Phú Yên, các học giả đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm phát triển văn hóa khu vực này theo chiều hướng bền vững.

 

CÁC VẤN ĐỀ CẤP THIẾT

 

Tại tọa đàm, các học giả nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên đã đưa ra 5 nguy cơ khiến văn hóa Tây Nguyên bị phai nhạt và mai một.

 

Nói về đồng bào Tây Nguyên phải nói đến tín ngưỡng đa thần gắn liền với các nghi lễ nông nghiệp, từ đó hình thành nên hệ thống lễ hội: cúng thần đất, thần núi, thần bến nước… cầu mùa, mừng lúa mới, bỏ mả… Hiện nay, do thay đổi tập quán mưu sinh, các lễ hội truyền thống ở khu vực Tây Nguyên hầu như chỉ còn lại lễ cầu mùa và lễ bỏ mả. Các nghi lễ cầu thần, hiến tế, diễn tấu cồng chiêng, giao lưu văn nghệ vẫn cần, nhưng giá trị tinh thần đã bị dịch chuyển.

 

Luật tục (tập quán pháp) điều hành xã hội là một biểu hiện độc đáo của xã hội các dân tộc Tây Nguyên. Luật tục là hệ thống văn bản truyền miệng bằng văn vần chế định tất cả mọi phương diện của đời sống xã hội và được cả cộng đồng triệt để tuân theo. Luật tục chứa đựng kho tàng tri thức dân gian của các tộc người Tây Nguyên đảm bảo ổn định các quan hệ xã hội, nhất là ở xã hội còn mang tính tộc người như Tây Nguyên. Tuy nhiên, hiện nay luật tục không được chính quyền coi trọng. Hơn nữa, nhiều nội dung trái với pháp luật hiện hành nên nó đã bị mai một.

 

Cùng với đó, nghệ thuật diễn xướng và nhạc cổ truyền của các dân tộc Tây Nguyên đang có nhiều biến đổi. Nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng cổ truyền mất đi không gian thiêng vốn có của nó. Những đêm hát sử thi, hát dân ca, dân vũ thiếu linh hồn vì tâm lý, ý thức cộng đồng và không gian diễn xướng thay đổi. Kiến trúc dân gian đặc sắc của đồng bào Tây Nguyên chính là nhà rông, nhà dài, nhà mồ. Tuy nhiên, các kiến trúc này đang mất dần và thay vào đó là thiết chế văn hóa hiện đại mà nhà văn hóa cộng đồng là một ví dụ. Đáng nói là thiết chế này rời xa truyền thống từng tộc người từ kiến trúc, trang trí đến công năng.

 

Bên cạnh đó, nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên như: dệt thổ cẩm, đan lát, rèn, đúc nhẫn bạc… hàm chứa giá trị cổ truyền rất cao, nhưng đang tồn tại lay lắt, thậm chí có nghề đã mất hẳn. Hiện tượng quên dần tiếng mẹ đẻ đang diễn ra phổ biến ở nhiều khu vực dân cư. Điều này càng làm cho con người Tây Nguyên mất dần đi tâm hồn và tính cách, rời xa những giá trị cơ bản của văn hóa tộc người mình.

 

Theo giáo sư, tiến sĩ Ngô Văn Lệ, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, văn hóa Tây Nguyên đang bị mai một là bởi “không gian rừng” bị phá vỡ, nguồn nước bị ô nhiễm, đất đai thu hẹp. Xã hội buôn làng là cái nôi của bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số bị biến động mạnh do quá trình giao lưu, ảnh hưởng của văn hóa người Kinh và ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai. Các nhà quản lý chưa quan tâm sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa các dân tộc thiểu số, dẫn đến kém hiệu quả trong quá trình gìn giữ, bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa Tây Nguyên.

 

XEM VĂN HÓA LÀ NGUỒN TÀI NGUYÊN

 

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu thống nhất xác định chủ thể của việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên phải là của các tộc người thiểu số và sự nghiệp của người dân khu vực này.

 

Theo Y Hồng Hà, Phó chủ tịch UBND TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum), cần phải coi văn hóa của tộc người thiểu số Tây Nguyên là một nguồn tài nguyên quan trọng cần được nghiên cứu, sưu tầm và đánh giá để phát huy giá trị. Ông đánh giá cao vai trò của luật tục trong việc điều chỉnh các mối quan hệ xã hội nơi đây. Luật tục chứa đựng kho tàng tri thức dân gian phong phú như: chế độ mẫu hệ, tập tục cưới hỏi, tang ma, sở hữu tài sản, nuôi dạy con cái… phải được phát huy tối đa trong đời sống xã hội hiện đại. Nếu luật tục được kết hợp và hỗ trợ tốt cho luật pháp trong việc quản lý, điều chỉnh các mối quan hệ xã hội thì chắc chắn cộng đồng dân tộc thiểu số sẽ gìn giữ được nếp sinh hoạt và truyền thống văn hóa lâu đời.

 

“Hai hình thức bảo tồn động và bảo tồn tĩnh văn hóa Tây Nguyên cần phát huy tốt. Theo đó, bảo tồn tĩnh là hình thức bảo tồn các hiện tượng văn hóa ngoài môi trường nó nảy sinh như: viện bảo tàng, thư viện, triển lãm, sách báo… Bảo tồn động là hình thức bảo tồn các hiện tượng văn hóa trong chính môi trường nó nảy sinh và tồn tại như: cồng chiêng, ẩm thực, văn hóa nhà mồ, điêu khắc, dân ca dân vũ… Giải quyết tốt hai hình thức bảo tồn này sẽ tạo cơ sở vững chắc trong việc phát triển văn hóa Tây Nguyên”, giáo sư, tiến sĩ Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển phương Đông cho biết như vậy.

 

Còn theo tiến sĩ Buôn K’Rông Tuyết Nhung, Trường đại học Tây Nguyên, văn hóa tộc người về cơ bản là văn hóa buôn làng, do đó muốn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cần khôi phục lại làng, buôn năng động, tích cực. Văn hóa Tây Nguyên có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Việc làm sao để phát triển văn hóa Tây Nguyên theo hướng bền vững chính là gắn việc phát triển văn hóa với phát triển du lịch. Xây dựng mô hình “làng du lịch văn hóa” được xem là mô hình hiệu quả cao.

 

DIỆU ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek