Thứ Ba, 08/10/2024 13:48 CH
Giỗ tổ Hùng Vương:
Đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc
Thứ Tư, 09/04/2014 08:00 SA

Giỗ Tổ Hùng Vương là một trong những sinh hoạt văn hóa trọng đại của đất nước, mang ý nghĩa tâm linh, thiêng liêng, là sự hội tụ và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, nổi bật là giá trị đạo lý: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”.

 

den-hung140408.jpg

Một tiết mục biểu diễn tại chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ hội Đền Hùng năm 2014 - Ảnh: L.P.THANH

Sách Việt sử lược - một bộ sử xưa nhất của nước ta được biên soạn vào cuối thế kỷ XIV - xác nhận rằng: “Khởi đầu của các đời Vua Hùng ứng vào khoảng đời Trang Vương nhà Chu (năm 696 - 682 trước Công nguyên) và chấm dứt cùng với sự xuất hiện của An Dương Vương (năm 258 trước Công nguyên).

Đền thờ Vua Hùng còn gọi là đền Hùng là một quần thể kiến trúc, một khu di tích lịch sử ở làng Cổ Tích, xã Hy Cương, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ, cách TP Việt Trì gần 20km phía đường đi Lào Cai.

 

Đền Hùng nằm gọn trên một quả núi có các tên gọi là núi Hùng, núi Nghĩa Lĩnh, núi Hy Sơn, Nghĩa Cương, Bảo Thiếu Lĩnh, Bảo Thiếu Sơn, có độ cao 175m so với mực nước biển.

 

Khu di tích Đền Hùng gồm 4 đền và 1 lăng Tổ.

 

Đi từ chân núi lên, du khách thường dừng chân trước Đại Môn (cổng lớn), đọc bức đại tự trên đầu 2 trụ cổng: “Cao sơn cảnh hành” nghĩa là núi cao, đường lớn, con đường mà cha ông khai sáng để các thế hệ con cháu bước theo. Cổng đền xây từ năm 1918. Từ cổng đền đến đền Thượng có 525 bậc thềm với 3 khu vực: đền Hạ và chùa, đền Trung, đền Thượng và lăng Tổ.

 

Đi qua hơn 200 cấp bậc thì tới đền Hạ. Đền Hạ có từ khoảng thế kỷ XVII, được xây 2 lớp theo kiểu chữ nhị. Tương truyền, nơi đây sau khi kết hôn, Lạc Long Quân đã đưa Âu Cơ từ động Lăng Xương (Thanh Thủy) về đến núi Nghĩa Lĩnh. Âu Cơ sinh ra một trăm người con. Khi các con khôn lớn, 50 người theo cha về vùng biển, 49 người theo mẹ ngược lên vùng núi, người con cả ở lại nối ngôi cha truyền được 18 đời đều gọi là Hùng Vương.

 

Trong khu vực đền Hạ còn có chùa Thiên Quang Thiền Tự (nơi có ánh sáng mặt trời rọi xuống) được xây dựng vào thời nhà Lê, kiến trúc chủ yếu là cột gỗ có đá kê và lợp ngói. Trước kia, chùa được xây theo kiểu chữ công, chung quanh có thành đá ong bao bọc. Chùa thờ Phật theo phái Đại Thừa. Trước cửa chùa có cây thiên tuế cành ngọn xum xuê, khoảng 700 năm tuổi. Tại nơi này, ngày 19/9/1954, Bác Hồ đã nghe đồng chí Song Hào báo cáo tình hình hoạt động chung của Đại đoàn Quân tiên phong. Trở lại đền Giếng, khi nói chuyện với bộ đội, câu nói của Bác đã đi vào lịch sử:

 

“Các Vua Hùng đã có công dựng nước

Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”.

 

Đó là sự tổng kết khoa học về quy luật tồn tại và phát triển lịch sử 4.000 năm của dân tộc.

 

Tiếp đến là đền Trung (Hùng Vương Tổ miếu). Đền Trung xây dựng từ thời nhà Trần. Thời Lê, đền Trung bị giặc phương bắc tàn phá. Sau chiến tranh, nhân dân địa phương đã xây một ngôi đền khá lớn. Cách đây khoảng 300 năm, đền Trung được xây dựng lại theo kiểu chữ nhất, tồn tại đến ngày nay. Tương truyền, nơi đây, các Vua Hùng cùng các quân thần thân tín thường họp bàn việc nước. Vào thời Hùng Vương thứ 6, sau khi đánh đuổi giặc Ân từ phương bắc tràn xuống, Vua Hùng thứ 6 muốn chọn con kế vị, cho gọi 18 người con về núi Nghĩa Lĩnh, mở cuộc thi làm cỗ để chọn người con nào có lòng hiếu thảo với cha mẹ, yêu đất nước. Lang Liêu là người con út thương dân, yêu lao động, hiếu thảo đã sáng tạo ra 2 món bánh chưng và bánh dày tượng trưng cho trời và đất, dâng vua cha tại đền Trung. Vua cha nhường ngôi cho Lang Liêu là Hùng Vương thứ 7.

 

Trên đền Trung là đền Thượng, nơi các Vua Hùng lập đàn tế trời đất vào mỗi tết đầu năm và thờ thần lúa, một “hạt thóc thần” bằng đá. Đời Hùng Vương thứ 6 còn thờ cả Thánh Gióng, người anh hùng thần thoại có công lớn đánh đuổi giặc phương Bắc xâm lược. Đây cũng là nơi Thục Phán dựng cột đá thề rằng: “Sẽ đời đời trông nom miếu vũ và giữ gìn cơ nghiệp của các Vua Hùng truyền lại”. Đền Thượng còn có tên Kinh Thiên Lĩnh Điện (đền thờ trời) được xây dựng từ thế kỷ XV. Từ năm 1914 đến 1922, vua Khải Định đã xuất tiền và cử quan về giám sát việc đại trùng tu đền Thượng.

 

den-hung1-140408.jpg

Người dân rước kiệu về Đền Hùng trong dịp giỗ Tổ - Ảnh: L.P.THANH

Cạnh đền Thượng là ngôi mộ Tổ Hùng Vương trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, một kiến trúc giản dị và xinh xắn, đặt theo hướng chếch đông tây (hướng mặt trời mọc và lặn). Có truyền thuyết nói rằng, mộ Tổ của Vua Hùng thứ nhất chôn tại đây. Cũng có truyền thuyết khác cho rằng, đó là mộ của vua Hùng thứ 6 (Hùng Hoa Vương, húy là Pháp Hải).

 

Mộ Tổ xưa là mộ đất có mái che. Đến năm 1874, mộ được xây dựng như kiểu dáng ngày nay.

 

Từ mộ Tổ rẽ về phía đông nam, qua nhiều cấp bậc bằng đá sẽ dẫn tới đền Giếng, nơi thờ 2 công chúa con vua Hùng thứ 18 là Tiên Dung và Ngọc Hoa. Đền Giếng gồm 3 lớp nhà và 2 nhà 2 bên, được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVIII. Tại đền này có 1 giếng nước rất trong, tương truyền đó là Giếng Ngọc, 2 công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa thường soi bóng xuống giếng nước để trang điểm.

 

Theo truyền thuyết, Tiên Dung xinh đẹp, có nhiều người đến cầu hôn. Nàng không muốn lấy chồng để được thường xuyên đi du ngoạn. Một lần, Tiên Dung bơi dọc sông Hồng đến vùng Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên). Tiên Dung nghỉ, tắm trên bãi cát, không ngờ gặp Chử Đồng Tử, chàng trai con nhà chài nghèo, đã nên duyên, trở thành biểu tượng đẹp của tình yêu. Nàng theo chồng về Dạ Trạch khẩn khoang, dạy dân trồng lúa.

 

Còn Ngọc Hoa cũng xinh đẹp, vua cha cho dựng lầu kén rể. 2 chàng trai tài giỏi Sơn Tinh và Thủy Tinh cùng đến cầu hôn, thi tài. Sơn Tinh thắng cuộc, lấy được nàng Ngọc Hoa. 2 vợ chồng về vùng núi Tản, quê của Sơn Tinh cùng dân làng trị thủy, trồng lúa nước.

 

Ngoài các ngôi đền nói trên đều nhỏ bé về quy mô và đơn giản về nghệ thuật kiến trúc, còn có các công trình phụ mới xây dựng sau này như nhà công quán, nhà bảo tàng trưng bày những di tích thời Hùng Vương…

 

Từ đây, ta có thể qua thăm hồ Lạc Long Quân.

 

Núi Hùng có 200 loài cây mang vẻ đẹp của rừng nguyên sinh, có nhiều cây dược liệu quý, nhiều loại hoa như hải đường… Vào mùa đông và tết đến, hoa đỏ rực trong rừng xanh, thật đẹp. Ở đây, có cây chò cao hàng trăm mét. Và cũng từ đất Tổ này, những cây chò con đã được đưa về trồng ở trước Lăng Bác Hồ.

Xung quanh núi Hùng là các ngọn đồi cao cũng được gọi là núi như Cao Phẩy, Phân Đăng, Cầu Lồ, Sòng…

 

Đền Hùng thật đẹp vì thiên nhiên, núi đồi, lại được tô điểm thêm bởi những hồ nước xanh mát, với những con đường đất đỏ uốn lượn dưới chân đồi cùng với các tràn ruộng bậc thang. Từ đền Thượng, trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, nhìn về xa xa là những cánh đồng bát ngát, những dòng sông quấn quýt về xuôi. Người xưa từng có câu đối đầy ý nghĩa:

 

“Mở lối, đắp nền, bốn mặt non sông quy một mối.

Lên cao, nhìn rộng, ngàn trùng đồi núi tựa đàn con”.

 

Hằng năm, vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, nhân dân cả nước, kể cả những con cháu Vua Hùng sống trên các lục địa khác nhau, đều hướng về đất Tổ Hùng Vương, cội nguồn sinh ra cha mẹ mình. Và cả một dân tộc hành hương về đất Tổ, hội tụ tại đền Hùng để dự lễ, để giao lưu tình cảm. Thực tế đúng như câu ca dao đã nhắn nhủ:

 

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”.

 

Giỗ Tổ Hùng Vương là một trong những sinh hoạt văn hóa trọng đại của đất nước, mang ý nghĩa tâm linh, thiêng liêng, là sự hội tụ và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, nổi bật là giá trị đạo lý: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”.

 

Về đền Hùng, kính cẩn thắp nén hương trên bàn thờ các Vua Hùng, chúng ta bồi hồi nhớ lại Lời dặn của vua Hùng Vương thứ 6: “Hãy chôn ta trên núi Cả để đứng trên núi cao, ta còn trông coi bờ cõi cho con cháu”.

 

NGUYỄN XUYẾN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tuần lễ của dân ca, nhạc cổ
Chủ Nhật, 06/04/2014 14:00 CH
Triển lãm tiệc cưới và đám cưới mẫu
Chủ Nhật, 06/04/2014 14:00 CH
12 thí sinh vào chung kết Project Runway
Chủ Nhật, 06/04/2014 10:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek