Thứ Ba, 08/10/2024 18:48 CH
Tuần lễ của dân ca, nhạc cổ
Chủ Nhật, 06/04/2014 14:00 CH

Tuần lễ Festival Thủy sản Việt Nam - Phú Yên 2014 vừa khép lại với 9 sự kiện văn hóa - văn nghệ diễn ra, đã đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả. Điều đặc biệt trong chuỗi chương trình nghệ thuật này là dân ca, nhạc cổ lên ngôi, khán giả đón xem một cách nhiệt tình, sôi nổi.

dan-ca1406506.jpg

Một tiết mục dân ca trong chương trình văn nghệ chào mừng Festival Thủy sản Việt Nam - Phú Yên 2014 - Ảnh: T.DIỆU

PHONG PHÚ VỀ THỂ LOẠI

Theo ông cao hữu Nhạc, Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Sao Biển, dân ca, cổ nhạc đặc sắc về thang âm, phong phú về điệu thức; lời ca có vần, có điệu phản ánh sinh động đời sống của cư dân miền biển. Thưởng thức dân ca, nhạc cổ sẽ giúp cho ta thêm yêu nguồn cội và quý trọng các giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông.

Từ tối 27/3 đến 2/4, tại các sân khấu: Nhà Văn hóa Diên Hồng, Bảo tàng tỉnh và Quảng trường 1 Tháng 4 (TP Tuy Hòa) luôn đỏ đèn với các suất diễn dân ca, nhạc cổ thu hút đông đảo khán giả đón xem.

Với chùm 12 tiết mục dân ca Khu 5 và bài chòi, bằng giọng hát điêu luyện, phóng khoáng mà trữ tình, gần 20 thành viên thuộc Câu lạc bộ (CLB) Đàn hát dân ca huyện Đông Hòa đã truyền tải trọn vẹn tình yêu biển, đảo thiêng liêng; tình yêu quê hương đất Phú và niềm hăng say lao động của cư dân miền biển Phú Yên.

Ông Bình Thảng, Chủ nhiệm CLB Đàn hát dân ca huyện Đông Hòa, chia sẻ: “Chúng tôi rất vinh dự khi mở đầu chuỗi chương trình nghệ thuật trong khuôn khổ Festival Thủy sản Việt Nam - Phú Yên 2014. Rất hiếm có chương trình văn nghệ mà dân ca được phát huy hoàn toàn như thế này. Chúng tôi có đến 2 giờ để thỏa sức thể hiện các tiết mục dân ca với các làn điệu xuân nữ, cổ bản, hò, lý. Tôi thấy khán giả ủng hộ khen ngợi. Anh, em trong CLB rất vui khi dân ca được hưởng ứng nhiệt tình như vậy”.

Tham dự Festival Thủy sản lần này, Nhà hát ca múa nhạc Sao Biển, các đoàn nghệ thuật đến từ các tỉnh Hải Dương, Khánh Hòa cũng dàn dựng các chương trình nghệ thuật đậm chất dân ca đặc trưng miền biển, sông nước. Đoàn nghệ thuật tuồng chuyên nghiệp tập thể Thống Nhất trình diễn vở tuồng cổ Thần Nữ dâng ngũ kỳ linh, Đoàn nghệ thuật cải lương Tây Đô diễn vở cải lương tâm lý xã hội Trăng về bến hẹn (tác giả Điêu Huyền). Ngoài ra, các đội hò bá trạo đến từ các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi cũng mang điệu hò bá trạo của địa phương mình đến giao lưu trong khuôn khổ trình diễn lễ hội cầu ngư.

Một diễn viên trong đội hò bá trạo tỉnh Ninh Thuận cho biết: Trong đội hò bá trạo, các ông tổng mũi, tổng lái, tổng thương sẽ hát, múa các điệu tế thần Nam Hải, cầu cho tàu thuyền đầy ắp cá tôm; đội chèo múa nhịp nhàng và hô theo nhạc hiệu thể hiện sự đoàn kết của bạn thuyền khi ra khơi. Tôi rất vui vì mình đã tham gia vào đội hò bá trạo trình diễn trong dịp Festival Thủy sản Việt Nam - Phú Yên 2014, góp phần giao lưu và quảng bá vốn văn hóa truyền thống của ngư dân Ninh Thuận nói riêng và cư dân miền biển nói chung.

KHÁN GIẢ THÍCH THÚ

Bà Trần Thị Mỹ Ái (phường 9, TP Tuy Hòa) không bỏ sót một buổi biểu diễn văn nghệ nào ở sân khấu Bảo tàng tỉnh. Đã quá lâu rồi, bà mới được xem biểu diễn hát bội, cải lương. Bà Ái kể: “Tôi như sống lại cái thời vàng son của nghệ thuật sân khấu truyền thống thuở nào - những đêm tối trời lội bộ đường xa đi xem tuồng, xem tích. Tôi yêu giai điệu mượt mà, khoan thai của dân ca, lối ca ra bộ chuyên nghiệp phô diễn tài hát, múa của người nghệ sĩ. Không giống như nhạc trẻ bây giờ người nghệ sĩ nhạt nhòa trên sân khấu”.

Còn ông Lê Văn Hoàng (phường 5, TP Tuy Hòa) bộc bạch, qua giai điệu, tuồng, tích xưa vẽ ra trong tôi khung cảnh lao động tập thể hăng say, đoàn kết; trai gái giao duyên ý nhị. Tư tưởng trung hiếu, nhân nghĩa, phẩm chất anh hùng trong các tuồng tích xưa khiến thế hệ tôi mê say.

Du khách Nguyễn Văn Thanh (Khánh Hòa) hào hứng nói: “Tôi xem tất cả chương trình văn nghệ được trình diễn tại Quảng trường 1 Tháng 4. Mỗi chương trình đều được dàn dựng rất công phu và chuyên nghiệp nêu bật lên ý nghĩa tình yêu biển, đảo quê hương. Nhưng điều đặc biệt nhất là có nhiều tiết mục dàn dựng mang âm hưởng dân ca vừa trữ tình, vừa hào sảng, rất lôi cuốn khán giả”.

Mỗi khi cô học trò Trần Hoa Thảo Trân (phường 8, TP Tuy Hòa) bật ti vi xem ca nhạc thường chọn nghe nhạc Hàn Quốc và nhạc tiếng Anh. Lỡ may, Trân có bật đúng kênh có dân ca, cổ nhạc cũng bắt sang kênh khác. Không chỉ bởi có nhiều kênh giải trí khác sôi động hơn mà còn vì Trân không hiểu được ý nghĩa của âm nhạc truyền thống. Trân tâm sự: “Những ngày theo bà nội đến Bảo tàng tỉnh xem cổ nhạc, em được bà nội nói về nội dung của các vở tuồng, tích; giải thích ý nghĩa trang phục, đạo cụ; các quy tắc ước lệ tượng trưng của những điệu hát, múa nên em thấy dễ hiểu hơn khi xem hát bội, cải lương. Việc xem trực tiếp các vở diễn trên sân khấu rất sinh động và hấp dẫn. Thêm vào đó, đông đảo khán giả cùng xem, càng tăng thêm sự thích thú”.

Ngành Văn hóa tỉnh đang manh nha tổ chức các đêm dân ca, cổ nhạc mỗi tối thứ 7 hàng tuần tại núi Nhạn như một cách để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của loại hình âm nhạc truyền thống này.

 

DIỆU ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek