Tối qua (2/4), Festival Thủy sản Việt Nam - Phú Yên 2014 khép lại với chương trình nghệ thuật tràn ngập sắc màu của biển. Hàng ngàn du khách và người dân đã có mặt tại quảng trường 1 Tháng 4 (TP Tuy Hòa), thưởng thức các tiết mục được thực hiện bằng nồng nàn cảm xúc và tình yêu biển đảo Việt Nam.
Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật - Ảnh: M.NGUYỆT
Trên nền nhạc trong sáng, tự hào, các nghệ sĩ, diễn viên cất cao tiếng hát thể hiện không khí ra khơi sôi nổi, khai thác những món quà của biển, góp phần làm giàu đất nước và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, như lời Bác Hồ dặn dò ngư dân khi Người về thăm làng biển Cát Bà cách đây 55 năm: “Rừng vàng biển bạc của ta, do nhân dân ta làm chủ”.
Phần 1 chương trình nghệ thuật Hương sắc của biển có tên Biển Việt Nam được mở đầu bằng tiết mục hát múa đầy màu sắc Tiếng hát ra khơi (nhạc và lời: Quốc Nam, biên đạo: Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Hữu Từ).
Vượt sóng ra khơi, những chàng trai da rám nắng, ngực trần vạm vỡ hăng say giăng lưới buông câu và nhận những món quà ấm no từ biển. Cảnh đánh bắt cá tôm của ngư dân giữa bao la sóng nước được tái hiện trong tiết mục hát múa Vũ điệu chài (nhạc và lời: Hoàng Bích, biên đạo: Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Hữu Từ).
Tiếp nối Vũ điệu chài là ca cảnh Biển sáng (nhạc và lời: Trịnh Công Sơn - Phạm Trọng Cầu, biên đạo: Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Hữu Từ), tái hiện hình ảnh bao ngư dân Việt ngày đêm gắn bó với biển xanh, vừa góp phần làm giàu cho đất nước, vừa giữ gìn biển bạc. Những chuyến vươn khơi dài ngày luôn chòng chành nỗi nhớ đất liền.
Trong phần 2 Biển mặn tình người, bằng âm nhạc và ngôn ngữ múa, các nghệ sĩ, diễn viên thể hiện tình yêu biển cả của ngư dân - những người cả đời gắn bó với biển.
“Ơi nồng nàn gió mặn biển khơi
Tình biển vẫn ngàn năm sóng vỗ
Những chuyến ra khơi bồng bềnh nỗi nhớ
Bàn tay ai chai sạn với mái chèo
Trước biển trời, đoàn tàu hướng mũi, nhổ neo
Con tàu lớn, khơi xa, luồng cá mới
Bao la biển, bao la trời đón đợi
Biển nồng nàn như đôi lứa yêu nhau”
Và sân khấu rộn ràng với liên khúc ca cảnh Lý kéo chài - Giăng câu - Hò thẻ mực (dân ca Nam Bộ, biên đạo: Minh Khai - Thanh Chi). Những khúc dân ca dí dỏm được thể hiện sinh động, miêu tả cảnh sinh hoạt của ngư dân trên bến dưới thuyền.
Ngư dân ngày đêm cần mẫn với biển khơi, còn những người lính hải quân ngày đêm chắc tay súng bảo vệ biển đảo - phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Vượt lên bao hiểm nguy, khó khăn gian khổ, sống trên nước mà vẫn thèm khát nước, người lính hải quân vẫn lạc quan yêu đời. Ca cảnh Mưa Trường Sa (nhạc và lời: Xuân An, biên đạo: Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Hữu Từ) đã làm cho những người sống trong đất liền hiểu thêm về nỗi khát mưa của những người lính nơi đảo xa.
“Mưa Trường Sa, là giọt sương trên nụ hoa thắm tươi bình minh
Mưa Trường Sa, là nụ hôn cho tình yêu phút đầu gặp em
Xôn xao... Bàng hoàng... Chơi vơi... Hạnh phúc...
Mưa Trường Sa, là bài ca ươm mầm xanh lớn trên đảo xa
Mưa Trường Sa, là tình thương từ đất liền suốt đời bao dung…”
Các giọng ca nữ vút cao, các giọng ca nam có lúc nhẹ nhàng, có lúc mạnh mẽ ào ạt như mưa ngoài biển khơi, xoa dịu cơn khát nước ngọt. Có thể nói, đây là một trong những tiết mục ấn tượng trong chương trình.
Trong khi những người đàn ông mải mê đi tìm luồng cá giữa mênh mông biển khơi, cánh phụ nữ thì ngóng đợi người thân trở về với khoang thuyền đầy ắp cá. Sự chờ đợi và niềm vui đón người thân trở về sau những ngày dài lênh đênh nơi khơi xa đã được các nghệ sĩ, diễn viên đến từ Trung tâm Nghệ thuật và Tổ chức biểu diễn tỉnh Hải Dương tái hiện trong tiết mục múa Bến đợi, trên nền nhạc đậm chất dân gian vùng duyên hải Bắc Bộ.
Tiết mục Hòa tấu nhịp chài của Trung tâm Nghệ thuật và Tổ chức biểu diễn tỉnh Hải Dương đã mang sắc màu lạ đến cho chương trình, với các âm thanh mộc mạc nhưng thú vị từ những gì vô cùng thân thuộc đối người làm nghề biển.
Tiếp nối bản hòa tấu độc đáo đó là đơn ca Lung linh mắt biển (nhạc và lời: Lê Quang, biên đạo: Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Hữu Từ). Bài hát về những ngọn hải đăng sừng sững giữa biển trời quê hương được thể hiện trên nền nhạc hào sảng.
Phần 3 Phú Yên biển hẹn gồm 2 tiết mục, như lời mời gọi du khách gần xa về với Phú Yên
“Bạn đã đến Phú Yên
Xin mời về thăm làng biển
Ngắm biển xanh cát trắng nắng vàng
Rộn rã những con tàu ra khơi vào lộng
Mùa cá về say lễ hội cầu ngư…
Về làng biển Phú Yên
Bước chân dùng dằng miền nhớ”
Tiếp nối những vần thơ mời gọi đó là tiết mục hát múa Về Phú Yên quê anh đi em (nhạc và lời: Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Quang, biên đạo: Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Hữu Từ). Âm nhạc rộn rã tươi vui, tiết mục này như lời mời ân cần, tình cảm của người Phú Yên nồng hậu, hiếu khách.
Chương trình nghệ thuật Hương sắc của biển khép lại bằng tiết mục hát múa Hát với biển xanh (nhạc và lời: Tấn Phát, coda kết: Xuân Huy) rộn ràng và đầy màu sắc, hội tụ tất cả nghệ sĩ, diễn viên tham gia chương trình nghệ thuật này: Nhà hát Ca múa nhạc Sao Biển, Trung tâm Nghệ thuật và Tổ chức biểu diễn tỉnh Hải Dương, Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng, Đoàn Nghệ thuật dân tộc Đắk Nông, Vũ đoàn Sắc Việt - Đà Nẵng, Khoa Múa Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang, Khoa Ca - Nhạc Trường trung học Văn hóa Nghệ thuật Bình Định và Khoa Múa Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai.
Nghệ sĩ ưu tú Cao Hữu Nhạc, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Sao Biển, người chỉ đạo nghệ thuật chương trình này, cho biết: “Chương trình Hương sắc của biển được dàn dựng tươi vui, nhẹ nhàng, không đưa vào các tiết mục kịch tính mà có những màn hát múa đẹp, sử dụng các ca khúc hay về biển đảo. Chúng tôi muốn dùng âm nhạc và ngôn ngữ múa để ca ngợi biển đảo Việt Nam, ca ngợi ngư dân - những người cả đời gắn bó với biển”.
YÊN LAN