Tiếng trống chầu vang lên náo nức lòng những người mê hái bội. Đoàn nghệ thuật Tuồng chuyên nghiệp tập thể Thống Nhất diễn vở Thần Nữ dâng ngũ linh kỳ tại tiền sảnh Bảo tàng Phú Yên, một trong hai sân khấu phụ của Festival Thủy sản Việt Nam - Phú Yên 2014.
Một cảnh trong vở tuồng Thần Nữ dâng ngũ linh kỳ - Ảnh: P.TRÀ
Chỉ những ai say mê tuồng mới thấy rộn lòng khi nghe tiếng trống ấy, mới náo nức đi xem hát tuồng. Trong đêm diễn 30/3, khán giả không đông nhưng xem rất chăm chú. Trên bậc thềm ngay dưới sân khấu, 3 bà lão ngồi cạnh nhau, mê mải dõi theo từng nhân vật. Cả ba bà lão tóc trắng như mây, vừa xem vừa móm mém cười ý chừng rất tâm đắc.
Thần Nữ dâng ngũ linh kỳ là vở tuồng đã chinh phục biết bao khán giả trong thời kỳ hoàng kim của sân khấu truyền thống. Theo tích xưa, ngũ linh kỳ là bảo pháp, có thể trừ được quân xâm lược. Phàn Lê Huê - nữ tướng nhà Đường lúc bấy giờ đang thu quân, chờ thời cơ tấn công giặc. Vì quá nôn nóng, Tiết Ứng Long - con nuôi của Tiết Đinh San và Phàn Lê Huê - đã cãi lời soái mẫu, cầm quân xông trận và chuốc lấy thất bại. Rồi Tiết Ứng Long gặp Thần Nữ (học trò của Lê Sơn Thánh Mẫu), người sở hữu ngũ linh kỳ và cũng là duyên tiền định của chàng. Đôi trai tài gái sắc hẹn thề chuyện trăm năm. Sau đó, Tiết Ứng Long chia tay người yêu, trở về doanh trại.
Biết được chuyện hẹn thề của Tiết Ứng Long với Thần Nữ, soái mẫu Phàn Lê Huê bèn tìm cách gia hình, khép con nuôi vào tội làm sai quân pháp, lệnh đưa ra pháp trường xử trảm, để Thần Nữ giao ngũ linh kỳ chuộc tội cho người yêu. Hay tin Tiết Ứng Long gặp nạn, Thần Nữ dâng ngũ linh kỳ cho Phàn Lê Huê dẹp giặc.
Tích xưa được tái hiện trên sân khấu nay, trong không khí lễ hội rộn ràng. Một bà lão hơn 80 tuổi ở phường 5 (TP Tuy Hòa) cười móm mém: “Tuồng này hay quá!”, trong khi hai người bạn già ngồi bên cạnh gật gù tâm đắc.
Nghệ sĩ Quang Minh, Trưởng đoàn nghệ thuật Tuồng chuyên nghiệp tập thể Thống Nhất, cho biết: “Đoàn biển diễn dọc các làng biển, trong xuân kỳ thu tế. Trong những dịp lễ lớn như kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển, Đoàn nghệ thuật Tuồng chuyên nghiệp tập thể Thống Nhất đã về biểu diễn phục vụ khán giả tại quê nhà. Chúng tôi cảm thấy rất vinh dự khi được Sở VH-TT-DL “chọn mặt gửi vàng”, biểu diễn tại Festival Thủy sản Việt Nam - Phú Yên 2014”.
Theo nghệ sĩ Quang Minh, trước đây, thời lượng biểu diễn một vở tuồng cổ kéo dài trong 3 tiếng đồng hồ. Bây giờ, các đoàn nghệ thuật rút ngắn thời lượng xuống còn 1 tiếng, lượt bỏ những tình tiết phụ. Trước khi biểu diễn cũng phải có vài ngày tập luyện lại để nâng cao chất lượng nghệ thuật của vở diễn.
Đã xa lắm rồi cái thời khán giả chen chân xem hát, song các nghệ sĩ, diễn viên tuồng vẫn nặng lòng, nặng nợ với sân khấu. Nghệ sĩ Kim Cúc, người đóng vai nữ tướng Phàn Lê Huê, chia sẻ: “Hát tuồng là nghề cha truyền con nối của gia đình tôi. Tôi cảm thấy vinh dự, trong lòng vui sướng khi về quê hương biểu diễn cho khán giả ở quê mình thưởng thức”. Còn nghệ sĩ Ngọc Sang (người Khánh Hòa), người đóng vai Điêu Nguyệt Nga, chia sẻ: “Tôi mong nghệ thuật tuồng được gìn giữ, không bị mai một theo thời gian. Hát tuồng là nghề tay phải của chúng tôi. Hết mùa diễn, chúng tôi làm nghề tay trái để nâng đỡ nghề tay mặt, bền chân theo nghiệp tổ”.
YÊN LAN