Hiện nay, những ngôi nhà cổ còn sót lại trên đất Phú Yên được đếm trên đầu ngón tay. Những ngôi nhà mà chủ nhân của nó vào thời đó phải có đủ tiền của để xây cất và nhà nào có thời gian gần nhất thì cũng vào thời điểm những năm 1920.
Một ngôi nhà cổ ở huyện Đồng Xuân - Ảnh: M.M.TÂM
Tại thôn Tân Long (xã Xuân Sơn Nam, Đồng Xuân) hiện còn 1 ngôi nhà cổ mà gia đình ông Lê Huỳnh Chương đang nâng niu gìn giữ, tôn tạo đã có tuổi thọ gần 100 năm. Ông Chương cho biết, theo lời kể của ông bà, ngôi nhà này được xây cất từ năm 1923 và đến năm 1961 thì phải trùng tu lại. Bởi trước đây nhà được lợp bằng tranh săng, đóng mè dày (mỗi hàng cách 1 tấc) và khi cắt đuôi tranh, mái của nó dày cả thước mộc. Với cách lợp duyệt như vậy, mỗi lần lợp phải đến hàng chục năm sau mới lợp lại. Nhờ lần trùng tu này, nhà lợp lại bằng ngói, vách xây bằng vôi với nước mật được thay bằng vách xây xi măng nên nhà mới tồn tại đến ngày nay.
Tại khu phố Long Thăng (thị trấn La Hai, Đồng Xuân) cũng còn 1 ngôi nhà cổ được xây cất khoảng năm 1920, người đang sở hữu nhà là ông Cao Nhất Thống. Ông Thống kể rằng ngôi nhà này đã qua 4 đời, có từ thời bà cố, nguyên trước đây ở làng Thạnh Đức (xã Xuân Quang 3). Thời chiến tranh, vùng này chịu nhiều bom đạn nên gia đình phải tháo dỡ, dùng thuyền bè vận chuyển cây gỗ theo đường sông về dựng lại tại đây.
Theo ông Mạnh Cát, nay đã 90 tuổi, ở thôn Thạnh Đức (Xuân Quang 3) là một thợ mộc kỳ cựu với 30 năm chuyên làm giàn trò nhà tầng bằng lá mái. Ông Cát kể lại, thời đó làm được 1 ngôi nhà tầng bằng lá mái phải mất cả năm trời đúng với nghĩa “nuột lạc bát cơm”. Thợ làm nhà phải trên chục người, mỗi người đảm nhận một phần việc, công đoạn và thợ phải đạt trình độ tinh xảo, nhất là thợ chạm khắc các bộ cửa và vách lụa (bức ngăn từng gian trong nhà). Bộ giàn trò gồm cột kèo, trính dún, xuyên ngang, trụ lỏng... phải dùng gỗ danh mộc (hương, gõ, liêm, sến...). Khi bộ cốt này được bào gọt láng nhuốt, cột kèo, đòn tay đã lên giàn, đến đoạn phả tầng bằng phải dùng tre già vàng ươm rồi đan thành líp, thả dọc theo mái, dùng đất sét ở bàu trộn chung với đất ruộng cho dẻo nhuyễn với rơm khô trét lên trên với độ dày cả gang tay rồi mới tới công đoạn lợp mái. Người ở nhà tầng bằng lá mái thường thấy mùa đông ấm áp, mùa hè mát mẻ là vậy.
Ông Thống và ông Chương đều có suy nghĩ chung là gìn giữ ngôi nhà với tâm thức linh thiêng và vô giá. Đã có một vài khu du lịch ngoài tỉnh đến hỏi mua và dù có tới hàng trăm triệu, họ cũng nhất quyết không bán. Bởi vì họ tiếc lắm công sức của cha ông, một thời đã dày công tạo dựng. Giờ ngôi nhà là nơi thờ cúng tổ tiên ông bà, nơi mỗi dịp giỗ chạp, lễ tết cho con cháu đi về, gặp gỡ sum vầy, thắt chặt tình máu mủ ruột rà của họ hàng gia tộc.
MẠNH MINH TÂM