Thứ Sáu, 29/11/2024 05:50 SA
Sông Hinh: Giữ gìn bản sắc văn hóa
Chủ Nhật, 23/03/2014 14:00 CH

Huyện miền núi Sông Hinh là địa phương tập trung đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nhiều nhất ở tỉnh. Trên vùng đất này, các giá trị văn hóa tạo nên vẻ đẹp đặc trưng. Thế nhưng, hiện có nhiều nét văn hóa đang dần mai một trong sinh hoạt tinh thần của đồng bào nơi đây.

 

bao-tang-140323.jpg

Bảo tàng, bảo tồn huyện Sông Hinh - nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa có giá trị - Ảnh: T.DIỆU

Cồng chiêng được xem là linh hồn của đồng bào dân tộc miền núi trên địa bàn huyện Sông Hinh. Tiếng cồng chiêng vang lên làm cầu nối giữa con người với đấng thần linh, thể hiện tinh thần gắn kết cộng đồng. Từ lúc đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời, đến khi lớn lên dựng vợ, gả chồng, tiếng chiêng lại rộn ràng trong ngày vui hạnh phúc và khi vĩnh biệt cõi đời về với tổ tiên đều có tiếng chiêng tiễn đưa. Bởi thế, cồng chiêng là nhạc cụ không thể thiếu trong các lễ hội trên vùng đất này như: lễ cúng vòng đời, cúng con mới sinh, mừng sức khỏe, mừng thọ, cưới, bỏ mả, về nhà mới, cúng nước, cúng rẫy, cúng lúa mới về kho, đâm trâu, bến nước…

 

Với đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Sông Hinh, nhà sàn truyền thống, nhà dài không chỉ là không gian sống mà còn là nơi gắn kết bao thế hệ dòng tộc. Không gian ấy biểu trưng cho ý thức mẫu hệ trong phương thức tổ chức đời sống. Trong không gian ấy, đêm đêm cả đại gia đình quây quần bên nhau. Ðàn bà, con gái dệt vải, thêu thùa; người già kể sử thi cho con cháu nghe.

 

Với những đường nét hoa văn tinh tế và màu sắc độc đáo, bằng đôi bàn tay khéo léo, phụ nữ miền sơn cước dệt nên các trang phục truyền thống của dân tộc mình tinh xảo, rực rỡ và giàu bản sắc. Các cô gái Ê Đê, Ba Na, Tày, H’Mông, Thái… diện váy mới trong các ngày lễ hội, cưới xin hay khi dân làng tập hợp bên tiếng cồng chiêng càng trở nên quyến rũ.

 

Thế nhưng hiện nay, do sự thay đổi nhanh chóng của cuộc sống đặc biệt là tác động của cơ chế thị trường với xu thế đô thị hóa, nhiều giá trị di sản văn hóa nói trên đang mất dần bản sắc, mai một và thất truyền. Oi B’Lứ (xã Ea Trol), nghệ nhân chơi được hầu hết các loại nhạc cụ của dân tộc Ê Đê, chia sẻ: “Việc học đánh cồng chiêng, thổi đinh tút phải có niềm thích thú và kiên nhẫn. Bọn trẻ bây giờ lại thích nghe nhạc trẻ hơn, chúng không mặn mà với việc học nhạc cụ truyền thống. Các buổi sinh hoạt thanh niên vắng hẳn tiếng cồng chiêng nên già này cảm thấy buồn lắm”.

 

Theo thống kê của Phòng VH-TT huyện Sông Hinh (năm 2006), toàn huyện có 555 bộ cồng chinh; hơn 3.000 nhà truyền thống, nhà ở nửa truyền thống, nửa hiện đại; 562 nghệ nhân trong đó có hơn 40% là nghệ nhân giỏi đan đát. Nhưng hiện nay, nghệ nhân ngày càng già yếu, có người đã mất, vì thế số người có thể truyền dạy làm nhà mồ, đẽo tượng, dệt vải, kể sử thi, đánh cồng chiêng đang giảm đi rõ rệt. Đáng tiếc, số lượng cồng chiêng cũng giảm đi đáng kể, nhà truyền thống dần được thay bằng nhà mái ngói đỏ, các tác phẩm văn học dân gian của người đồng bào bị quên lãng, các cô gái “lười” diện trang phục dân tộc…

 

Trước tình hình suy giảm các giá trị văn hóa truyền thống, ngành Văn hóa huyện Sông Hinh vẫn đang cố gắng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc nơi đây. Nhằm đưa tiếng cồng chiêng vang lên nhiều hơn trong các dịp lễ hội, UBND huyện cấp cho mỗi xã trên địa bàn huyện Sông Hinh một bộ cồng chiêng từ nguồn kinh phí thực hiện đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc huyện Sông Hinh. Trung tâm VH-TT huyện Sông Hinh đang trong quá trình hoàn tất việc dịch 3 trường ca: Dăm Dang tuốt lúa, Xinh Nhã lạc rừng, Dăm Di chặt đọt mây và 9 truyện cổ tích của người Ê Đê.

 

Trong không gian trưng bày của Bảo tàng, bảo tồn huyện Sông Hinh hiện đang lưu giữ các loại nhạc cụ truyền thống (3 bộ cồng chiêng, đinh tút, đinh gúi, đàn goong), trang phục truyền thống, dụng cụ sản xuất, tượng nhà mồ… Bảo tàng, bảo tồn huyện Sông Hinh luôn mở cửa phục vụ khách đến tham quan và tìm hiểu các di sản văn hóa.

 

Ông K’Sor Y Thư, Phó giám đốc Trung tâm VH-TT huyện Sông Hinh, cho biết: Chúng tôi sẽ thường xuyên tuyên truyền công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trên phương tiện thông tin đại chúng; mở lớp tập huấn cho cán bộ văn hóa xã, già làng; tiếp tục thực hiện công tác thu gom, điều tra, kiểm kê, phân loại di sản văn hóa; sưu tầm truyện cổ; tổ chức nhiều hơn nữa các hội thi, hội diễn, trình diễn trang phục truyền thống, nhạc cụ dân tộc; kịp thời khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.

 

Với những giải pháp mà ngành Văn hóa huyện đang triển khai, hy vọng các giá trị văn hóa vùng đất này được giữ gìn và phát huy bản sắc, hòa nhập mà không hòa tan trong xã hội hiện đại.

 

DIỆU ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek