Thứ Sáu, 04/10/2024 20:27 CH
Dân khí kiên cường, đất cảm tử trong “Phú Yên kháng chiến”
Chủ Nhật, 01/04/2007 15:00 CH

Cách đây hơn nửa thế kỷ, năm 1946, đèo Cả là giới tuyến giao tranh ác liệt giữa quân đội Việt Minh và Pháp. Phú Yên trở thành tuyến lửa thu hút sự chú ý của cả nước. Đáp ứng sự quan tâm của công chúng, nhà văn Hoàng Việt Sinh đã kịp thời cho ra mắt cuốn ký sự Phú Yên kháng chiến  (NXB Hoa Lư,  H. 1946). Đây là một trong những cuốn sách ra đời vào loại sớm nhất trong chế độ Việt Nam dân chủ cộng hòa.

 

070331-PY-khang-chien.jpg

Lời giới thiệu của NXB và trang đầu tập sách “Phú Yên kháng chiến”

 

Cuốn sách gồm có các phần: Tinh thần đồng bào Phú Yên, Tình hình sinh hoạt ở Phú Yên, Phong cảnh Phú Yên, Tính chất người Phú Yên, Khởi nghĩa Phú Yên, Phú Yên kháng chiến, Địa vị trọng yếu của Phú Yên và mối liên quan giữa Phú Yên với các miền bị chiếm. Dễ nhận thấy rằng, tác giả muốn giới thiệu một bức tranh tương đối hoàn chỉnh về Phú Yên. Vì biết địa danh này còn xa lạ với số đông người dân Hà Nội thời đó nên mở đầu cuốn sách, tác giả viết: “Phú - Yên! Tỉnh thành xa xăm quá, mà có lẽ bé nhỏ quá cho nên ít được công chúng thủ đô biết đến (…) ít ai để ý đến tỉnh “cảm tử” cuối cùng của mặt trận hiện nay”. Sau khi giới thiệu tầm chiến lược quan trọng của Phú Yên, tác giả đi vào giới thiệu chi tiết điều kiện địa lý, lịch sử, kinh tế, phong tục tập quán của người dân. “So với các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung – bộ thì sự sinh hoạt ở đây có phần dễ dàng hơn hết (…) Phú - yên ít có bóng người hành khất hay nạn thất nghiệp. Vì những duyên cớ rõ rệt: người ít, ruộng nhiều, công việc nhiều”. Hoàng Việt Sinh cho rằng, người Phú Yên giỏi buôn bán và làm kỹ nghệ. Nhưng các thương gia và kỹ nghệ gia Phú Yên không chú ý đến việc khuếch trương hàng hoá của mình ra bên ngoài mà chỉ lo “cung cấp cho mình đầy đủ quá”. Nói cách khác, người dân Phú Yên sống no đủ theo kiểu tự cung tự cấp. Tác giả cũng so sánh giá cả giữa Phú Yên và Hà Nội để thấy được dân chúng nơi đây có cuộc sống dễ chịu nhất so với các tỉnh Trung Bộ và Bắc Bộ. “Đất nhiều ruộng tốt, cho nên về gạo cơm cũng như các thực phẩm, hàng hoá khác rất rẻ. Khách tiêu 100 $ ở đây có thể trị giá gấp bội ở thủ đô. Cốc cà phê rất thơm và đầy chỉ có 0 $ 50, quả trứng 0 $ 50, các thứ bánh ngọt từ 0 $ 10 giở lên đến 0 $ 50 là nhiều. Bữa cơm 2 $ thế mà tưởng chừng như bữa cơm sang trọng nhất ở những quán khách sang trọng Hà-thành”.

 

Về địa lý tự nhiên, Hoàng Việt Sinh cho rằng, so với các tỉnh khác thì Phú Yên ít cảnh đẹp. “Cảnh không đẹp, nhưng sông núi Phú-yên này bắt ta phải dở lần những trang sử cũ, tìm thấy những chiến công oanh liệt của cha ông đã hát khúc chiến thắng trong những trận đánh Chiêm- thành”. Không hiểu sao tác giả lại cho rằng: “Lòng người Phú –yên hiên ngang nhưng sông núi Phú-yên đượm một vẻ buồn u ẩn”. Hình ảnh tháp Nhạn cổ kính đã gợi tác giả nhớ đến những câu thơ sầu của Chế Lan Viên. Tác giả cũng nhắc đến cái “nhất” của Phú Yên là có cây cầu dài nhất Việt Nam bắc qua sông Đrang (Đà Rằng): “Sông rộng và dài quá nên cầu bắc ngang cũng dài hơn đâu hết; trên mặt sông êm đềm 22 nhịp cầu lơ lửng nằm ngang”. Tuy Hoà còn có cái gió đặc biệt khác với các tỉnh miền ngoài. Bởi vậy mà nhà thơ Trần Mai Ninh (có mặt trong đoàn quân Nam Tiến thuở ấy) đã thốt lên: “Ơ cái gió Tuy Hoà / Cái gió chuyên cần và phóng túng”. Còn Hoàng Việt Sinh cũng nhận xét về cái gió ở đây như sau: “Mỗi khi gió bể thổi vào, bụi cát bay mù trời, sức nóng không ít, làm khách bộ hành đi qua rất khó chịu”. Người Tuy Hoà thường nghĩ, chỉ có Phan Rang, Phan Thiết là xứ nóng, nhưng dưới con mắt người Hà Nội thì Tuy Hoà cũng là xứ nóng.

 

Dưới con mắt của văn sĩ người Bắc Hoàng Việt Sinh, “người Phú-yên rất trung thực và thẳng thắn. Vì thẳng thắn quá mà đôi khi thiếu sót ít nhiều trong câu chuyện xã giao. Tính chất người Phú-yên là tính chất của những hiệp sĩ đời trang cổ, vị nghĩa và ngay thẳng”…

 

Nội dung chính của cuốn sách là lịch sử cách mạng tỉnh Phú Yên từ 1945 trở đi. Tác giả đã tái hiện sinh động cuộc khởi nghĩa Phú Yên chỉ xảy ra cách đó vài tháng: “Khởi nghĩa! Hai tiếng thiêng liêng ấy đã từ miệng người này truyền sang người khác nhanh chóng vô cùng (…) Dân chúng hoan hô nhiệt liệt và gia nhập hàng ngũ rất đông. Những cuộc biểu tình liên tiếp, những bài hát cách mạng và những khẩu hiệu vang dậy khắp trời đã làm phấn khởi hết thảy mọi người”. Cuộc khởi nghĩa ở Phú Yên thành công, chính quyền non trẻ vừa mới thành lập thì quân Pháp từ Nha Trang đã kéo ra gây chiến định chiếm lại toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Lúc bấy giờ, tỉnh Phú Yên “đóng vai trò cực kỳ quan trọng về quân sự cũng như về chính trị. Hơn thế nữa, Phú-yên đã là mối liên quan giữa nó và các tỉnh miền Nam bị chiếm”.  

 

Theo lời NXB Hoa Lư, cuốn sách được in ngay trong lúc “tiếng súng vẫn đang nổ” ở Phú Yên. Hoàng Việt Sinh đã kịp thời mang lửa từ Phú Yên ra góp phần thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước trong công chúng thủ đô. Tác phẩm không chỉ có tính thời sự nóng hổi, mà còn là một tài liệu lịch sử, khảo cứu có giá trị. Cuốn sách cũng giúp cho bạn đọc cả nước hiểu biết hơn về Phú Yên, một tỉnh nhỏ khiêm nhường mà anh dũng trong buổi đầu kháng chiến.

 

PHẠM NGỌC HIỀN

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek