Thứ Sáu, 04/10/2024 22:24 CH
Lê Bá Dương - Một thời rực lửa, một thời hoài niệm
Chủ Nhật, 25/03/2007 07:29 SA

Trong chiến tranh, anh được biết đến với danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹõ trên đất lửa Quảng Trị. Hòa bình, anh trở thành nhà báo, thành nghệ sĩ nhiếp ảnh và được FIAP (Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế) kết nạp. Song, cả nước biết đến anh bởi một bài thơ rung động lòng người:

 

Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm

 

070324-Le-Ba-Duong.jpg

Lê Bá Dương tại mặt trận bảo vệ thành cổ Quảng Trị, tháng 7/1972

Anh là Lê Bá Dương. Một nhà báo, song cho đến tận bây giờ, chừng như vẫn là một người lính.

 

* Anh đã có nhiều bài thơ viết về chiến tranh, nhưng tên của anh gắn liền với bài thơ nói về những đồng chí đồng đội đã nằm vào lòng sông Thạch Hãn. Bài thơ đó ra đời như thế nào?

 

- Năm 1987, một buổi chiều ngồi bên sông Thạch Hãn, thấy thuyền đi ngược lên (hồi đó chưa có thuyền máy như bây giờ, chỉ có thuyền chèo). Tôi thốt lên câu:

 

Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm

 

Có một đêm, tôi vào nằm với anh em trong thành cổ. Hồi đó thành cổ hoang vu, gọi là thị xã cỏ lau. Nửa đêm nhìn thấy toàn đom đóm nên có bài thơ:

 

Giấc ngủ chập chờn giữa thành cổ

Nhòa trong sáng xanh đom đóm bay

Đồng đội ơi… bao người nằm lại

Cùng tôi thao thức suốt đêm nay

 

Kiểu viết của tôi là như thế, “viết” và nhớ trong đầu, rồi đọc ra.

 

* Ấn tượng nào sâu sắc nhất trong quãng đời cầm súng của anh ở đất lửa Quảng Trị?

 

- Thật ra ngày đầu tiên nổ phát súng đầu tiên cũng là một ấn tượng, nhưng sau đó có những ấn tượng khác nó lấn đi. Cuộc chiến đấu kéo dài, và thời điểm đó không ai chiêm nghiệm những việc mình làm. Sau này thì mới chiêm nghiệm. Có nhiều góc nhìn về chiến tranh. Tôi có hai góc nhìn, một là của thằng lính rời khỏi chiến tranh, hai là của người cầm bút, người cầm máy ảnh.

* Hai góc nhìn đó khác nhau chứ?

 

- Không, không khác. Trong tôi đều chỉ là một thằng lính. Nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo, nhà thơ… nếu như có được trong tôi thì cũng trên cái nền của một người lính đi qua thời trận mạc.

 

* Những trận chiến khốc liệt, đẫm máu ở Quảng Trị có ám ảnh anh trong giai đoạn sau này?

 

- Chiến tranh đối với tôi không ám ảnh. Chỉ có sự ám ảnh về những kỷ niệm với đồng đội, với bạn bè, kể cả người sống và người chết. Hằng năm tôi vẫn về hương hoa cho anh em, cho những người đã chết, nhưng đồng thời cũng làm cho cả người sống. Vì nếu như người ta không nhớ được những người nằm xuống đó, thì cũng sẽ không nhớ được những người đang sống. Tôi bây giờ - không phải là tự bằng lòng với cuộc sống của mình - nhưng quả thật là so với rất nhiều anh em đồng đội trở về quê, thì mình còn hơn họ rất nhiều. Chính vì vậy sự ám ảnh đối với tôi là thân phận những người sống. Tôi dấn thân vào nghề báo cũng chính là để đi được nhiều nơi, làm được nhiều việc.

 

070324-Le-Ba-Duong-2.jpg

Lê Bá Dương cùng đồng đội thả hoa trên sông Thạch Hãn.

 

Nói cho cùng, không ai chọn chiến tranh cả. Nhưng mà chiến tranh nó lại chọn những người lính. Bọn tôi do chiến tranh chọn, chứ không phải bọn tôi chọn chiến tranh. Nhưng khi chiến tranh đã chọn rồi thì bọn tôi chấp nhận sự lựa chọn đó một cách tự nguyện và làm bằng hết khả năng.

 

* Có phải vì thế mà anh thường khai thác đề tài về người lính trong nhiếp ảnh, và anh là người đầu tiên thả hoa đăng trên dòng sông Thạch Hãn?

 

- Thực ra, sông Thạch Hãn là điểm cuối cùng trong hành trình hương hoa của tôi. Năm 1976, sau chiến tranh, tôi trở lại Quảng Trị. Bắt đầu từ Bến Tắt, phía tây bắc của nghĩa trang Trường Sơn, nơi vượt sông Bến Hải ngày xưa của bọn tôi, tôi đã thả hoa đầu tiên ở đó. Sau đó về cầu Đuồi, về sông Hiếu ngay chỗ cầu Lai Phước, rồi vào sông Ô Lâu. Thả hoa ở đó xong thì quay trở lại thả trên sông Thạch Hãn. Tôi làm việc này cho tất cả những đồng đội. Tự tay tôi chôn mấy trăm người, nhưng bây giờ chỉ tìm được một hai người thôi. Có những người, sau khi chôn xong thì bị suối trong mùa lũ cuốn trôi. Có khi chôn xuống một lần, bom nó xới lên, rồi người ta chôn lại… Thả hoa cũng là cách giữ giỗ cho anh em đồng đội. Khi bọn tôi ra thả hoa, các cháu cũng đi theo, mỗi đứa cầm bẹ chuối và đi tìm hoa dại cắm vào đó để thả. Tôi có một tấm ảnh đó. Sau này, khi tập quán ăn sâu vào đời sống tâm linh, người ta có thể làm được điều đó trên tất cả các dòng sông trong cả nước này.

 

Lê Bá Dương được sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ nghèo ở Nghệ An (là con của NSDN Lê Bá Tùng). Anh nhập ngũ khi vừa tròn 15 tuổi (năm 1968), được biên chế về Đại đội 3, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 27 mặt trận B5, tham gia chiến đấu tại mặt trận đường 9 Quảng Trị. Ngay trong trận đánh đầu đời, Lê Bá Dương đã lập công và trở thành Dũng sĩ diệt Mỹ cấp II, khi mới 15 tuổi 49 ngày. Sau đó, anh còn có thêm 7 lần được trao tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, diệt máy bay, diệt cơ giới từ cấp III đến cấp ưu tú… Với tinh thần chiến  đấu quả cảm, Lê Bá Dương trở thành tấm gương của đơn vị, và phong trào thi đua Chốt chặt như Lê Bá Dương, Xung kích như Lê Bá Dương lan rộng khắp mặt trận đường 9… Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Lê Bá Dương làm cán bộ tuyên giáo (Tỉnh ủy Phú Khánh), cán bộ tuyên huấn thuộc phòng Chính trị Tỉnh đội Khánh Hòa, sau đó trở thành nhà báo của Báo Quân khu 5. Hiện nay, là phóng viên Báo Văn Hóa.

* Anh đã tự tay chôn cất rất nhiều đồng đội. Trong những kỷ niệm đau đớn đó, có những kỷ niệm nào để sau ngày hòa bình lập lại, anh thấy rằng mình không chỉ sống cho mình mà còn phải sống cho những người không trở về?

 

- Có một đêm tháng 11/1969, bọn tôi đánh nhau xong quay ra sườn đồi 333. Vừa mới dừng lại để bắc hộp lên nấu thì một loạt bom dội xuống đội hình. Đại đội tôi lúc ấy là 67 người. Sau mấy giây đồng hồ thì còn đúng 7 người. Chỉ còn 1 hầm 7 người. Anh Ngô Xuân Lục, đại đội phó, nhìn bãi đầy xác anh em mình và anh ấy bị sốc. Thế là cứ chạy lên chạy xuống, vừa chạy vừa la “đâu là đường sống”, sau đó tự nhiên anh ấy lảo đảo và ngã lăn ra chết. Còn đúng sáu người. Sau này tôi viết “Sáu người lính, mười hai bàn tay/ Cào đến bật máu suốt một đêm/ Nhặt chưa đầy mười ba lô thịt…

 

Cậu Hà người Hà Tĩnh, trung đội phó thông tin, bị thương vỡ ngực, bảo: Thôi tao không sống được đâu. Còn hai hào mày nộp giùm đảng phí cho tao (nghẹn lại). Cậu Nguyễn Tử Mạch, trước khi vào bờ Nam đánh nhau, đi ngang hầm của tôi, cậu ghé vào, đọc một vế đối và một bài thơ. Đêm đó cậu ấy hy sinh. Tôi còn nhớ vế đối đó, sau đó gởi cho báo Quân đội đăng liên tục nhưng không ai đối được.

 

* Vì sao anh, một người lính bộ binh, say mê khai thác về đề tài lính hải quân?

 

- Ngày trước tôi đã xung phong ra làm sĩ quan chỉ huy đảo, nhưng vì tôi là thương binh hạng 2 nên người ta không cho đi. Sau mấy lần đi hụt, tôi cũng đã ra đến Trường Sa. Sau này tôi có viết bài “Những phong tục lạ Trường Sa”. Năm kia, tôi tổ chức triển lãm ảnh “Những khoảnh khắc Trường Sa”.

 

* Anh là nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo ,  nhà thơ.  Thật ra với anh, đâu là nghề và đâu là nghiệp?

 

- Làm báo, chụp ảnh, cái nào cũng là nghiệp cả. Tôi viết nhật ký bằng ảnh. Mỗi một tấm ảnh ghi lại một kỷ niệm, những gì mà mình thấy, theo cách của mình.

 

Trước khi đi bộ đội, tôi thiên về hội họa. Tôi có thể kiếm ăn bằng nghề vẽ, nhưng mà đến lúc vào chiến trường rồi thì tôi viết. Mà viết cũng rất tình cờ. Ngày đó tôi đánh nhau được rất nhiều người biết tới ở Quảng Trị. Trên các tờ báo thời đó có mục Xung kích như Lê Bá Dương, Chốt chặt như Lê Bá Dương. Rất nhiều nhà báo đến gặp tôi. Và qua họ, tôi “khai thác” cách làm báo, cách chụp ảnh. Với nghề báo, tôi học từ khi tôi là nhân vật của các nhà báo chiến trường. Tôi tiếp cận với nghề báo rất tình cờ, thấy có vấn đề gì viết được thì viết. Đơn vị bắn rơi máy bay VO 10, trên đó có một cái máy ảnh. Tôi nhờ anh phóng viên ảnh bày cho mình cách chụp ảnh, tráng phim, rồi lên bệnh viện mặt trận xin hóa chất về tự tráng phim. Đấy là năm 1971. Thấy tôi làm được, đơn vị trang bị cho tôi luôn chiếc máy ảnh đó, để đi chụp trận địa nọ kia… Tôi cầm máy cũng rất tình cờ như vậy. Tôi biết phương pháp chụp ảnh là nhờ các phóng viên ảnh: Đoàn Công Tính, Cao Tiến Lê, Đậu Kỷ Luật… Đến bây giờ tôi vẫn học, học từ những người thợ chụp ảnh. Có những điều mình hướng dẫn cho họ, nhưng có những điều mình phải học họ.

 

* Xin cảm ơn anh.

 

PHƯƠNG TRÀ (thực hiện)

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek