Thứ Năm, 10/10/2024 06:28 SA
Đầu năm vui hội bài chòi
Thứ Sáu, 07/02/2014 09:05 SA

Bài chòi là một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống đặc sắc của cư dân Nam Trung Bộ, nhất là ở vùng nông thôn. Năm nay, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Phú Yên tổ chức hội bài chòi, thu hút đông đảo người dân tham gia vui xuân.

 

bai-choi-140207.jpg

Người dân tham gia hội bài chòi ở huyện Phú Hòa - Ảnh: K.CHI

Từ ngày 30 tết, hội bài chòi tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên đã chính thức khai hội và kéo dài đến rằm tháng Giêng (tức 14/2/2014). Ở nhiều xã, phường trên địa bàn tỉnh, hội bài chòi cũng rộn ràng, tiếng trống liên tục vang lên báo hiệu và thôi thúc người dân đến chơi và nghe hô bài chòi.

 

Người chơi bài chòi, không phải tính chuyện ăn thua mà để chơi cho “vui vẻ ba ngày xuân”, để được thưởng thức văn nghệ, tìm sự may mắn… Anh Nguyễn Vy Phương, phường 2 (TP Tuy Hòa) nói: Ngày nay, có nhiều thú vui khác theo trào lưu mới, nhưng với tôi bài chòi là một món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi khi tết đến xuân về. Em Đỗ Tấn Lợi, xã Hòa Định Tây (Phú Hòa) cho biết: “Tết các năm trước cháu thường theo mẹ về thăm ngoại, xem và nghe bài chòi riết rồi đâm ghiền trò chơi này”. Bà Phan Thị Điền, 70 tuổi, phường 4 (TP Tuy Hòa), nói: “Vui lắm! Lâu lắm mới có một hội bài chòi bài bản như vậy, họ hát hay quá. Năm nào cũng được đi hội bài chòi như thế này chắc là vui lắm!”.

 

Theo truyền thống, hội bài chòi thường được tổ chức vào mùa xuân, dịp tết hay vào lúc nông nhàn. Hội được tổ chức trên một bãi đất rộng. Một hội bài chòi, phải có 9 hoặc 11 hoặc 13 chòi làm bằng tre; bộ bài được làm bằng thẻ tre, cắt từng con bài để dán lên. Ngoài ra, ban tổ chức hội còn phải chuẩn bị cờ thưởng, người chạy hiệu, ban nhạc, khay, bình và chén rượu để mời chúc mừng khi có chòi trúng; định ra thể lệ chơi bài chòi. Tên các chòi được đặt theo bát quái đồ trong Kinh Dịch: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài, và chòi Trung. Nếu 11 chòi thì sẽ đặt tên theo thập can: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý và chòi Trung. Nếu 13 chòi thì tên chòi đặt theo thập nhị chi Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Chòi Trung rất đặc biệt, là chòi chủ đạo, chỉ để dành cho các hương chức, những người có vai vế hay các bô lão trong làng mua thẻ ngồi chơi cùng (đẳng cấp được phân biệt khá rõ nét trong lối đánh bài chòi ngày trước). Chòi luôn được dựng theo hướng đông (hướng của quẻ Đoài, có nghĩa vui vẻ, hòa thuận); ở khoảng đất giữa các chòi, người ta dựng một cây tre cao còn đọt lẫn lá, trên đó treo lá phướn, có gắn ống xóc để người hô hiệu bốc các lá bài, xóc và rút ra rồi hô tên bài thông qua các câu thai (lời hát).

 

Hình thức vui chơi này không chỉ có ý nghĩa giải trí đơn thuần, mà bài chòi chính là sân khấu trình diễn của làn điệu dân ca đặc trưng của con người nơi đây. Từ trẻ con, người già, phụ nữ, anh nông dân… ai cũng có thể hát, ai cũng có thể diễn, có thể hô để thu hút mọi người cùng tham gia. Sức hấp dẫn, lôi cuốn của bài chòi chính là sự kết hợp một cách hài hòa giữa nghệ thuật biểu diễn sân khấu dân gian và tính giải trí trên nền nhạc dân tộc, đệm bằng tiếng trống chầu, đờn cò, kèn.

 

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek