Thứ Năm, 10/10/2024 12:15 CH
Chế Lan Viên trong cổ tích Đồ Bàn
Thứ Ba, 21/01/2014 13:00 CH

Ngày về thăm lại đất xưa, Chế Lan Viên đã ví von Bình Định với miền Provence nước Pháp và ông bảo nếu Alphonse Daudet ca tụng các cối xay gió thì ông cũng biết ơn các tháp Chàm suy tưởng của mình. Năm ấy, ông ghé Ghềnh Ráng thăm mộ Hàn Mặc Tử, rồi ra Thu Xà thăm mộ Bích Khê, sau đó ông có viết lời tựa cho di cảo của hai người bạn quá cố này. Ông lên nhà Yến Lan, dắt nhau qua thăm dấu vết vườn cũ trong thành Bình Định, cách lầu Cửa Đông xưa một con dốc…

 

CLV140121.jpg

Nhà thơ Chế Lan Viên (thứ hai từ trái sang) cùng các nhà thơ: Tế Hanh, Hoàng Trung Thông, Nông Quốc Chấn - Nguồn: CAND

Với khoảng 20 năm gắn bó, từ năm lên 7 cho đến 26 tuổi, Chế Lan Viên nói rằng dù quê cha mẹ ông ở vùng gió Lào và khoai sắn Bình Trị Thiên nhưng ông vẫn nhận Bình Định là quê. Không gian văn hóa ông “hô hấp” từ bé là không gian kinh thành Đồ Bàn hoang phế, nền thơ của tập Điêu tàn.

 

Tôi có cơ duyên được gặp Chế Lan Viên và hai người bạn ông là Quách Tấn và Yến Lan, trong khung trời ông thành thật tạ ơn các “Tháp Chàm suy tưởng”, với những dòng xúc động “Cho tôi nói lên lòng biết ơn với quê…”, “Mẹ con ta trong thành Bình Định cũ - Cái giếng vườn rau căn nhà nho nhỏ”… ông viết về đất này. Tôi cũng nhớ, Quách Tấn đã không giấu nổi những giọt nước mắt khi trở lại chốn xưa, nhớ lại những kỷ niệm với bạn bè văn chương thời tuổi trẻ. Ông nói với những người yêu thơ nơi này rằng, thời ấy, có hai người am hiểu thơ Quách Tấn nhất, đó là Tản Đà, người đề tựa Một tấm lòng và Chế Lan Viên, người đề tựa Mùa cổ điển. Yến Lan kể lại chuyện cùng Chế Lan Viên đi xem Hội đổ giàn, xem đấu võ hoặc đá banh ở An Thái - nơi ghi dấu mái trường tuổi thơ anh hùng Nguyễn Huệ. Có hôm, xe đò dừng qua đêm ở thị trấn, ông lân la làm quen mượn được cuốn sách hay, liền tranh thủ mang đến cùng Chế Lan Viên đọc để đến lúc gà gáy trả lại cho hành khách lên đường.

 

Chế Lan Viên thông minh, sắc sảo, từ nhỏ mà đã mê lĩnh vực nào là mê tột bực rồi lan truyền cả niềm đam mê ấy cho những người xung quanh. Từ năm 12 tuổi, ông làm thơ và 5 năm sau thì ra tập thơ với hiện thực của một thế giới khác lạ, mà 14 tờ báo thời ấy có bài phê bình, quả như lời Hoài Thanh “Điêu tàn đột ngột xuất hiện giữa làng thơ như một niềm kinh dị!”.

 

Tôi lẩn thẩn đi tìm xem hoa lan nào trong giống lan Bình Định ở khu vườn Yến Lan đề thơ “Vườn lan ai ấy tưới thay con”, để thành cái tên Lan Viên đứng cạnh họ Chế. Cái đất này thật lạ, có khi qua lại lên xuống như đất khác, vẫn chợ búa, quán xá, đường sá, mây bay nước chảy, nhưng nếu chú tâm vào các mệnh đề xưa, lập tức nó sinh thành những câu trả lời và những câu hỏi mới, bùng cháy trong mình những ngọn lửa mãnh liệt. “Kìa em trông một vì sao đang rụng - Hãy nghiêng mình mà tránh đi nghe em - Chắc có lẽ linh hồn ta lay động - Khi vội vàng trở lại nước non Chiêm”, những câu thơ Chế Lan Viên lần lượt bay về, như nó đã giăng mắc đâu đó trong tơ trời, trên những viên gạch rụng và phù điêu, trong mạch đập của cổ thụ và chồi tơ. Hôm đó, ông có nói về mối liên hệ mầu nhiệm giữa nhà thơ và độc giả, mới đây tình cờ tôi có đọc bài Sủi tăm của ông, hồi tưởng lại câu chuyện và càng thấm thía “Chả có gì sủi tăm ở cái hồ lãng quên anh ném câu thơ vào đó/ May ra thế kỷ sau, từ viên sỏi thơ anh sủi lên giọt máu như máu con bông bống/ “Bống bống bang bang!”... / Sẽ có người đến bên hồ mà gọi thơ anh/ Câu thơ trồi lên, đáp lại tiếng gọi mình”.

 

Sau đợt đó, khi Nghĩa Bình lúc bấy giờ chuẩn bị các tuyển tập Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Chế Lan Viên thơ văn chọn lọc, tôi có vào thăm nhà ông, ngồi trong khu vườn giữa Sài Gòn mà ông đặt tên là Viên Tĩnh Viên. Thật xúc động khi ông có những cử chỉ ân cần để xóa bớt những e ngại trong tôi, ông nói về chuyện cái hay cái lạ của Bình Định trong kiến trúc Champa, trong nghệ thuật hành binh thần tốc Quang Trung, trong võ thuật, trong tuồng cổ, bất kỳ lý do gì, đều không chấp nhận sự sáo mòn dễ dãi mà luôn vươn tới những tìm tòi, cách tân với khát vọng mãnh liệt. Ông không giấu niềm yêu mảnh đất tuổi nhỏ khi kể về những chuyến đi châu Âu, ông luôn trình bày một điều gì đó về những thành tựu của văn hóa Bình Định như chuyện ướp xác một mệnh phụ thời Tây Sơn hay sự gặp gỡ giữa thuyết gián cách trong nghệ thuật sân khấu của Brecht và hát bội… Có thể nói, song song với quê cha đất tổ, ông cất giữ một tình yêu Bình Định không lúc nào nguôi.

 

Chế Lan Viên là một tác giả lớn của thế kỷ XX có sức lan tỏa xa rộng, như một ngọn tháp Chàm thách thức với thời gian. Thời trẻ ông đã hô hấp một không gian trầm tích ngàn năm và sáng tạo một không gian thơ đầy quyến rũ, ấn tượng, chấn động, lúc về già ông đúc kết lại là trên mảnh đất này, ông “đã rời số phận một con người để sống số phận một dân tộc”. Nếu không thể tưởng tượng nổi Alphonse Daudet tách rời Provence thì chúng ta cũng khó hình dung tương tự giữa Chế Lan Viên trong cổ tích Đồ Bàn.

 

Nhà thơ NGUYỄN THANH MỪNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek