Thứ Năm, 10/10/2024 22:25 CH
Vẻ đẹp văn hóa trong Dọc đường cảm tác
Thứ Ba, 07/01/2014 14:00 CH

Nhiều năm gắn bó với ngành Văn hóa, nhà báo Hữu Bình, Trưởng phòng Quản lý Báo chí - Xuất bản (Sở Thông tin - Truyền thông) có những ấn tượng đặc biệt về chiều sâu văn hóa trên vùng đất Phú Yên. Vẻ đẹp phong phú, đa dạng đó được ông tái hiện trong tập sách Dọc đường cảm tác (NXB Thông tin và Truyền thông), vừa ra mắt bạn đọc trong thời điểm khép lại năm 2013 và năm 2014 mở ra với thênh thang dự ước.

 

Chu-Huu-Binh140107.jpg

Nhà báo Hữu Bình - Ảnh: Y.LAN

* Trong tập sách này, ông giới thiệu với bạn đọc 36 bài viết, mỗi tác phẩm thể hiện một vẻ đẹp riêng về văn hóa trên vùng đất Phú Yên và một số vùng đất xa xôi trong khu vực châu Á mà ông từng đặt chân đến. Vì sao ông lại lấy tên sách rất giản dị là “Dọc đường cảm tác”?

 

- Dọc con đường mà mình đã đi qua trong bao năm tháng với rất nhiều cảm xúc và đã có hàng trăm bài viết, tôi chọn 36 bài tâm đắc để giới thiệu với bạn bè, độc giả. Đó là những bài viết về văn hóa vùng miền, từ miền biển đến miền núi cùng một số bài về văn hóa nơi xứ người mà tôi viết sau những chuyến công tác, du lịch ở nước ngoài. Tôi muốn các tác phẩm đó tạo nên sự so sánh, để biết nền văn hóa của một số quốc gia châu Á có gì tương đồng, có gì khác biệt.

 

 Tôi đã có những năm tháng gắn bó với các hoạt động văn hóa. Những hoạt động đó là chất xúc tác để tôi đi sâu vào việc tìm hiểu, nghiên cứu lĩnh vực này, đặc biệt là văn hóa ở Phú Yên - một vùng văn hóa rất đa dạng. Dọc đường cảm tác là con đường thời gian, con đường đến với văn hóa, với những cảm xúc, suy nghĩ được ghi chép lại.

 

* Thuận lợi của ông là có quãng thời gian làm việc trong ngành Văn hóa, song để trải nghiệm và có hàng trăm bài viết thật không hề đơn giản!

 

- Trước đây, tôi giảng dạy ở Trường cao đẳng Sư phạm Phú Khánh, sau đó chuyển công tác sang ngành Văn hóa và làm báo. Tôi đã viết nhiều bài báo ở nhiều khía cạnh khác nhau, đặc biệt là về những vấn đề văn hóa, như văn hóa lễ hội vùng đầm Ô Loan, những lễ hội của đồng bào Tây Nguyên… Ngoài viết báo, tôi cũng thử vào một số “địa hạt” khác như làm thơ, viết truyện ngắn, bút ký… Song có lẽ, đó không phải là cái “gu” của mình.

 

36 tác phẩm trong Dọc đường cảm tác giống như 36 câu chuyện. Và những câu chuyện này không được sắp xếp theo thứ tự thời gian mà là những cảm nghĩ của tác giả. Văn hóa của vùng đất Phú Yên rất đa dạng và phong phú, có điều chúng ta chưa đánh thức sự đa dạng phong phú đó để quảng bá với bạn bè quốc tế.

 

* Mỗi vùng miền có đặc trưng văn hóa riêng, mỗi quốc gia càng có sự khác biệt về văn hóa. Sau khi đặt chân đến một số nước ở châu Á và cảm nhận được phần nào sắc màu văn hóa của nước bạn, nhìn lại văn hóa trên vùng đất Phú Yên, ông thấy điều gì là ấn tượng nhất?

 

- Ngày nay, người ta hay nói thế giới phẳng, đấy là do công nghệ thông tin mang lại, còn sự khác nhau lớn nhất, tôi nghĩ là văn hóa. Đặc sắc của văn hóa Phú Yên là còn có những nguyên bản và chúng ta cần đánh thức, giữ gìn một cách phù hợp. Tôi nghĩ nên tránh hình thức bảo tồn bằng sân khấu hóa hoặc chỉ ghi chép lại rồi đưa vào kho lưu trữ mà cần phải bồi dưỡng, hướng cho lớp trẻ tiếp cận với văn hóa truyền thống bằng góc nhìn mới, để từ đó hiểu sâu hơn tính nhân văn của con người Việt Nam, với dòng chảy văn hóa như một mạch nước ngầm tuôn chảy từ bao đời nay. Dòng chảy văn hóa làm cho người Việt Nam có bản lĩnh, tự tin hơn và vươn ra hội nhập.

 

* Đây là tập sách thứ ba của ông được xuất bản, ra mắt đúng vào lúc khép lại một năm và năm mới mở ra. Tác phẩm này có ý nghĩa như thế nào đối với ông?

 

- Đây là một món quà, một thông điệp của tôi nhân dịp năm mới, để mọi người tìm hiểu thêm về dòng chảy văn hóa trên quê hương, đất nước mình. Chỉ mong bạn đọc tiếp nhận những tâm tư, tình cảm trao đổi của mình dưới góc nhìn về văn hóa. Hy vọng rằng trong năm mới Giáp Ngọ, mình sẽ có những đóng góp vào quá trình tìm hiểu về văn hóa trên vùng đất Phú Yên.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

Dọc đường cảm tác là đầu sách thứ ba của nhà báo Hữu Bình (tên đầy đủ là Nguyễn Hữu Bình), sau tập thơ Thao thức (in chung) và công trình nghiên cứu Lễ bỏ mả của người Ê Đê tỉnh Phú Yên.

 

Nhà báo Hữu Bình (bút danh Ngọc Hữu) sinh năm 1957 tại Ninh Bình, quê ở Triệu Phong (Quảng Trị). Ông là hội viên các hội: Nhà báo Việt Nam, Văn nghệ dân gian Việt Nam, Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Yên.

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek