Đọc tập thơ Mênh mông trước biển do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên phối hợp Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam ấn hành của tác giả Nguyễn Tường Văn, ta như được sống lại một thời đã qua của dân tộc. Một tập thơ nóng hổi nhịp thở thời gian, đồng thời đem đến cho ta những ngạc nhiên, bất ngờ thú vị.
![]() |
Bìa tập thơ Mênh mông trước biển - Ảnh: CTV
|
Chỉ 100 bài thơ, Mênh mông trước biển đã mở ra trước mắt người đọc thật nhiều mảng màu của cuộc sống, nhiều cung bậc của cảm xúc. Hình ảnh, ngôn ngữ trong thơ có lúc bình dị, thậm chí thô mộc như viên cuội, có lúc biến ảo, trau chuốt, kỳ công: Đêm xuân thoảng một tiếng trầm/ Bước đường thế kỷ nghe chầm chậm qua/ Đong đầy kỷ niệm xưa xa/ Hai nghìn năm gặp quê nhà hành tinh (Đêm xuân).
Nhưng cũng có lúc cảm xúc cùng ngôn từ ào lên như cơn bão, có lúc là niềm vui, niềm tin tràn ánh sáng. Tập thơ khiến ta bất ngờ bởi cái tên tưởng như tác giả dùng biện pháp đảo ngữ. Gấp trang cuối tập thơ, ta lại bất ngờ ngẫm ra rằng, cuộc đời, con người thật mênh mông. Dường như tác giả đã mang cả cái mênh mông ấy lặng nhìn về phía biển…
Phần “Cảm nhận của bạn bè” cuối tập thơ là những bài viết hay, cô đọng, súc tích và chính xác. Cái tâm, cái tình và lòng yêu quê hương, đất nước, dân tộc ta đáng được nhiều người quý mến. Tôi rất tâm đắc với nhận xét của nhà thơ, tiến sĩ Phạm Quốc Ca, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng: “Thơ Nguyễn Tường Văn trước năm 1975 thể hiện tâm hồn của một người trẻ tuổi ưu tư, phẫn uất và tin tưởng sắt đá vào lý tưởng yêu nước và cách mạng”.
Nỗi phẫn uất khiến “ngôn ngữ tắt nghẹn” trong thơ Nguyễn Tường Văn, dường như tác giả kìm nén cảm xúc để nhả ra từng con chữ: Đêm nay mưa/ Mưa trên Poncho/ Mưa trên cơ thể anh/ Giọt mưa chảy về nguồn nô lệ/ Mang tuổi trẻ chúng ta vào đêm dài thế kỷ… (Mưa trên Poncho).
Tác giả từng là sinh viên Trường đại học Đà Lạt. Hình ảnh những bông hoa Đà lạt cũng phải chịu chung số phận của người dân mất nước có lẽ đã trở thành nỗi ám ảnh trong tâm hồn chàng thanh niên yêu nước, yêu cái đẹp. Nỗi đau quê hương dồn nén để rồi sau đó trào lên thành cơn bão: Bây giờ là đêm/ Với ngôn ngữ tắt nghẹn/ Thét lên trong bóng tối/ Như cánh hải âu vụt từ bỏ miền trùng dương quen thuộc bay đến vùng trời xa lạ… (Viết từ trung tâm nhập ngũ).
Trái tim nồng nhiệt ấy có lúc dịu lại, lắng sâu và ta như bị mê hoặc bởi những liên tưởng, so sánh, ẩn dụ biến ảo, tài tình: Vành môi/ Chín mọng bao giờ/ Ngàn năm/ Hôn mãi vào bờ/ Sóng ơi… (Khoảnh khắc biển chiều).
Nhà văn Thanh Quế, Hội nhà văn Việt Nam rất có lý khi “bắt mạch” Tường Văn, xếp anh vào loại nhà thơ “… Có thể đó chỉ là sự bộc bạch giãi bày những ẩn chứa trong đời mình mà trang giấy chỉ là cái cớ”. Đọc thơ Nguyễn Tường Văn, tôi chợt nhận ra: Tâm hồn anh thật mênh mông, thật đẹp.
Nguyễn Tường Văn (SN 1950) quê ở xã Hòa An (Phú Hòa), là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Ông đã ra mắt 2 tập thơ: Tình ca cho tự do (1994) và Trên phiến đá trổ bông (1998). Năm 2013, tác giả tiếp tục ra mắt tập thơ Mênh mông trước biển được độc giả gần xa nhiệt tình đón nhận.
PHẠM THỊ HỒNG