Khán giả thường có thói quen thưởng thức nghệ thuật, đánh giá, ghi nhớ và ấn tượng với tác phẩm dựa trên nội dung đang diễn ra trên sân khấu. Tác giả vẫn là nhân vật “lu mờ” ít được để ý đến. Nhưng trên sân khấu nghệ thuật quần chúng ở Phú Yên, tác giả Phụng Kỳ là cái tên xuất hiện nhiều đến mức nổi tiếng trong giới sáng tác.
![]() |
Nghệ sĩ Phụng Kỳ vẫn miệt mài sáng tác - Ảnh: T.DIỆU
|
Phụng Kỳ chia sẻ: “Ngành Dân số, Bưu điện, Công an, các trung tâm văn hóa huyện; hội người cao tuổi, phụ nữ, thanh niên, nông dân… hầu như mỗi tuần đều có người tìm đến nhà nhờ tôi viết hộ ca khúc. Số lượng tác phẩm chính xác là bao nhiêu tôi không nhớ được, nhưng chủ yếu tôi biên kịch bản, sáng tác kịch dân ca đặc biệt là viết ca khúc dựa trên làn điệu dân ca là nhiều nhất”.
Thử đứng trên sân khấu của ngành Bưu điện nghe một tác phẩm dân ca của Phụng Kỳ:
Nói lối: Vinh quang thay ngành Bưu điện chúng ta
Được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng mười chữ vàng cho công nhân viên chức
Mỗi cán bộ, nhân viên phải chung lòng chung sức
Xây dựng quê hương bằng tâm đức sáng ngời…
Xàng xê: Chiến tranh gian khổ một thời
Biết bao xương máu đổi đời tự do
Ngày nay áo ấm cơm no
Nhưng còn bao nỗi chung lo cho tròn
Phải trung thành, sắt son với nước
Dũng cảm kiên cường tiếp bước cha anh
Thấy điều sai trái đấu tranh
Nghĩa vụ, quyền lợi phân minh rạch ròi… (trích Vinh quang ngành Bưu điện).
Một đề tài dù khô cứng đến đâu, dưới bàn tay sắp đặt của tác giả Phụng Kỳ, tác phẩm trở nên mềm mại trữ tình với các làn điệu cổ nhạc như: cổ bản với giọng điệu vui vẻ, ngắn gọn, dồn dập; xàng xê với giọng điệu hùng tráng, uy nghi, nhưng dịu dàng, êm ái; lý vãi chài với giọng điệu vui vẻ; xuân nữ với giọng điệu ngắn gọn, bi thiết…
Chị Đặng Thụy Hằng, chuyên viên Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tây Hòa chia sẻ: “Tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao - Du lịch Phú Yên lần VIII năm 2013, trong phần thi diễn của đội Nghệ thuật quần chúng huyện Tây Hòa có 5 tiết mục thì có đến 3 sáng tác là của nghệ sĩ Phụng Kỳ. Ông góp công lớn trong việc tạo nên những sáng tác trữ tình ca ngợi vùng đất Tây Hòa trong chiến tranh, trong lao động sản xuất. Được biết, kịch bản dân ca tuồng Liệt nữ anh hùng ca ngợi chị Trần Thị Có, quê xã Hòa Thịnh (Tây Hòa) đã dũng cảm hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước được đánh giá hay và được nhiều người biết đến. Có thể nói, những sáng tác của nghệ sĩ Phụng Kỳ đã góp công lớn trong việc quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước, con người Tây Hòa đến với bạn bè ở các nơi khác.
Sở dĩ Phụng Kỳ sáng tác khỏe, đáp ứng kịp thời tính thời sự và nghệ thuật là do ông đã có trên 40 năm hoạt động ở lĩnh vực sân khấu, kịch nghệ, từ lúc là diễn viên Đoàn Văn công của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Phú Yên (cũ). Phụng Kỳ đi nhiều nơi, tình yêu quê hương đất nước hòa quyện với tình yêu nghệ thuật dân ca truyền thống đã thấm sâu vào máu thịt con người của nghệ sĩ. Tình yêu cháy bỏng này đã trở thành động lực thúc đẩy ông luôn cố gắng viết nhiều như một cách để cống hiến, ghi nhớ, bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống.
Đến nay, ngoài hàng trăm ca khúc dân ca, Phụng Kỳ đã xuất bản 6 kịch bản sân khấu là: Rừng thiêng nổi lửa, Tiếng kêu của những oan hồn, Lê Thành Phương, Những bài ca vọng cổ, Người đi mở đất, Liệt nữ anh hùng; 2 tập thơ: Đi tìm hương hoa và Phép tu thân…
Nghệ sĩ Phụng Kỳ tên đầy đủ là Nguyễn Phụng Kỳ (SN 1951), quê xã Hòa Bình 2 (Tây Hòa), từng giữ chức Phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên, hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật, ông đã đoạt nhiều giải thưởng do ngành Văn hóa trao tặng dành cho lĩnh vực sáng tác. Các tác phẩm: kịch bản sân khấu Người đi mở đất, kịch bản chuyển thể Ma Lim… được trao tặng bằng khen cấp quốc gia.
DIỆU ANH