Thứ Bảy, 12/10/2024 00:27 SA
Nhà thơ Trần Thị Huyền Trang: Nghiêm khắc với chính mình mới có tác phẩm hay
Thứ Ba, 26/11/2013 14:00 CH

Nhà thơ Trần Thị Huyền Trang sinh năm 1964, quê ở huyện Phù Cát (Bình Ðịnh). Không chỉ là tác giả những bài thơ đầy nữ tính, những truyện ngắn ấn tượng, chị còn có các công trình nghiên cứu và biên khảo lịch sử xuất sắc, được nhiều bạn đọc mến mộ.

 

Tran-Thi-Huyen-Trang131126.jpg

Nhà thơ Trần Thị Huyền Trang - Ảnh: Đ.T.TRỰC

* Yếu tố nào đã cho chị động lực để sáng tác song hành cả hai thể loại?

 

- Viết, với tôi là để giãi bày những gì mình cảm nhận, có khi là cảm xúc tươi rói, có khi là ký ức ám ảnh, có khi là tình huống mới bắt gặp... Tôi viết văn hay thơ vì cảm thấy điều ấy phải nói bằng cách ấy, thế thôi.

 

Có người khuyên tôi nên lựa chọn để theo đuổi một thứ, và tôi cũng đã hơn một lần suy nghĩ về lời khuyên ấy. Tuy nhiên, khi sáng tác tôi chỉ tuân theo cảm xúc, không buộc được mình phải chuyên trên một lĩnh vực nào.

 

* Ngoài làm thơ viết văn, chị còn viết nghiên cứu văn chương và lịch sử?

 

- Văn chương phản ánh đời sống, còn lịch sử thì chứa trong nó đời sống và cả lý do của đời sống. Tôi từ nhỏ đã rất “tò mò”, rất thích cắt nghĩa, lý giải về những việc, những điều làm mình bận tâm. Có những thắc mắc ám ảnh tôi rất dai dẳng nhưng khi đọc sử, tôi dần dần được giải đáp. Nhà thơ Quách Tấn hồi còn sống về thăm quê có lần nói: “Tây Sơn là đại địa”. Tôi nghĩ mãi không ra. Nếu bảo là vì Tây Sơn có núi có sông thì trong tỉnh Bình Định nhiều vùng cũng núi cũng sông. Nếu tính về diện tích dân cư thì Tây Sơn đất không rộng, người không đông bằng nhiều huyện khác của tỉnh Bình Định. Lịch sử đã giúp tôi giải bài toán ấy qua sự nghiệp của nhà Tây Sơn, qua cuộc đời những người anh hùng áo vải như Quang Trung, như Bùi Thị Xuân, như Võ Văn Dũng. Một ngọn cờ dựng nơi góc núi mà quy tụ hào kiệt nghìn trùng ứng nghĩa. Sau này đi tìm những dấu tích trên đất Tây Sơn liên quan đến Chàng Lía - thủ lĩnh Truông Mây lừng danh với khẩu hiệu “Cướp của người giàu chia cho người nghèo”, tôi ngỡ ngàng nhận ra thôn Phú Lạc chẳng những là quê mẹ của chàng Lía mà còn là quê mẹ của Tây Sơn tam kiệt Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, lại cũng là quê mẹ của Bình Tây đại nguyên soái Mai Xuân Thưởng. Cái thôn nhỏ bằng bàn tay dưới chân núi Sưng, đã lần lượt vang lên tiếng khóc chào đời của bao bậc anh hùng cái thế - một rẻo đất hẹp nhưng ai bảo không phải là đại địa? Tôi không dám nhận công việc to tát nghiên cứu văn chương lịch sử, chẳng qua là tôi đam mê và ghi lại những cảm nhận của mình trước sự kỳ diệu và những dẫn dắt lạ lùng như vậy của văn chương, lịch sử mà thôi.

 

* Có nhà nghiên cứu tác phẩm của chị đã nhận định: “Bước đầu đã thành công với truyện ngắn và thơ, Trần Thị Huyền Trang vừa biết kết hợp bản năng và tri thức trong lao động nghệ thuật không mệt mỏi, chắc chắn chị còn đi rất xa”. Chị nghĩ sao về lời nhận định này?

 

- Tôi cảm kích về sự ưu ái đó và luôn thấy có lỗi vì mình chưa đi được xa.

 

* Được biết chị đã trải qua thời sinh viên trên đất cố đô. Chị có còn nhớ những kỷ niệm đẹp từ thời làm thơ sân trường?

 

- Thuở ấy luôn là nguồn sáng ấm áp dịu dàng trong ký ức tôi. Kỷ niệm thì nhiều lắm. Những thầy cô giáo Khoa Văn Trường đại học Tổng hợp Huế, những nhà thơ nhà văn trong Ban Biên tập tạp chí Sông Hương, những bạn bè cùng trường cùng lớp, những người bạn cùng sinh hoạt Câu lạc bộ thơ 22 Trương Định… Tất cả đã tỏa bóng lên những năm tháng nắng nôi, giúp tôi tin vào văn chương và con người.

 

* Chị có làm thơ tình, và còn nhớ kỷ niệm về bài thơ tình đầu tiên?

 

- Những đêm da trời xanh là bài thơ tôi viết năm 18 tuổi, sau này trở thành tên tập thơ đầu tiên.“Sao trời chỉ lấp lánh/ Những đêm da trời xanh/ Mắt em còn xa vắng/ Nếu đời không có anh/ Và mình chưa có nhau/ Em vẫn tin anh đến/ Mỗi khi nhìn trời sao/ Lấp lánh như lời hẹn/ Những đêm da trời xanh…”. Bài thơ ấy được 5 người phổ nhạc: Đỗ Trí Dũng, Trần Hinh, Trần Hữu Pháp, Cầm Phong và Trần Hoàn. Có anh và em và một tình yêu chưa đến, đó có phải là thơ tình không?

 

* Thời gian gần đây, hình như chị ít công bố tác phẩm của mình hơn trước. Vì sao vậy?

 

- Tôi đợi đến thời điểm thích hợp sẽ công bố.

 

* Là người sớm thành công với nghề viết, chị có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm về nghề viết với các cây bút trẻ hôm nay?

 

- Hãy luôn luôn là người học trò non dại của đời sống nhưng phải biết làm người thầy nghiêm khắc của chính mình.

 

* Xin cảm ơn nhà thơ!

 

Nhà thơ Trần Thị Huyền Trang là cử nhân khoa học ngành Ngữ văn, thạc sĩ Văn hóa học, đang nghiên cứu sinh tại Hà Nội, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Các tác phẩm đã xuất bản của chị: Hàn Mặc Tử, Hương thơm và mật đắng (chân dung văn học, Nxb Hội Nhà văn 1991, tái bản 1997); Nhạn thần cô (biên khảo lịch sử, Sở VHTT Bình Định 1993, tái bản 2003); Những đêm da trời xanh (tập thơ, Nxb Văn học 1994); Muối ngày qua (tập thơ, Nxb Hội Nhà văn 2000); Một lứa bên trời (tập truyện ngắn, Nxb Hội Nhà văn 2000); Trong tĩnh lặng (tập thơ, Nxb Hội Nhà văn 2005) và nhiều công trình, tác phẩm in chung.

 

Giải thưởng: Giải A của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam với tập thơ Muối ngày qua - 2000; Giải B cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ 1998-2000; 5 giải A - Giải thưởng văn học nghệ thuật Xuân Diệu - Đào Tấn lần thứ nhất (1990-1995), lần thứ hai (1996-2001) và lần thứ ba (2002-2006) về thơ, truyện ngắn và biên khảo.

 

ĐÀO TẤN TRỰC (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek