Thứ Bảy, 12/10/2024 10:24 SA
Nhà nghiên cứu - nhà thơ Trương Đăng Dung:
Khắc khoải với thời gian
Thứ Ba, 05/11/2013 14:00 CH

Ở “địa hạt” lý luận văn học, PGS-TS Trương Đăng Dung là một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu. Và ông chính là người đưa Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du đến với độc giả Hungary, đưa các tiểu thuyết của Franz Kafka, Móricz Zsigmond, Sarkadi Imre đến với độc giả Việt Nam. Năm 2011, nhà nghiên cứu - dịch giả Trương Đăng Dung tạo hiệu ứng mạnh trên thi đàn, khi ra mắt tập thơ Những kỷ niệm tưởng tượng.

 

tien-si131105.jpg

PGS - TS Trương Đăng Dung.

Là một trong những nhà khoa học uy tín, làm việc tại Viện Văn học từ năm 1978 đến nay và từng giữ cương vị Phó viện trưởng trong 15 năm, PGS-TS Trương Đăng Dung đã có những công trình nghiên cứu công phu: Các vấn đề của khoa học văn học (chủ biên), Từ văn bản đến tác phẩm văn học (tiểu luận - phê bình), Tác phẩm văn học như là quá trình (chuyên luận). Ông say mê nói về triết học, văn học hàng giờ liền. “Có hai cách tiếp cận sự vật trong đời sống: đi vòng quanh sự vật và đi trong lòng sự vật đi ra. Hãy nhìn sự vật, con người chung quanh ta bằng sự thấu hiểu, độ lượng và cho họ được suy nghĩ khác ta” - ông chia sẻ với các học viên lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du khóa VII.

 

Những ai từng học PGS-TS Trương Đăng Dung, dù trong nhiều năm hay chỉ trong một buổi, một ngày, đều tôn kính người thầy rất mực uyên thâm này. Ông sinh năm 1954, tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường đại học Eotvos Loránd Budapest vào năm 1978, bảo vệ luận án tiến sĩ tại Viện Hàn lâm khoa học Hungary năm 1984. Trong thời gian du học, ông đã dịch Truyện Kiều sang tiếng Hungary, với mong muốn giúp bạn đọc ở quốc gia này biết đến một tác phẩm đồ sộ trong kho tàng văn học Việt Nam và hiểu hơn nỗi đau của thi nhân trước thân phận con người. Khi đó Trương Đăng Dung mới 29 tuổi.

 

Sau khi bản dịch Truyện Kiều được in thành sách, Giáo sư Viện sĩ Klocniczay Tibor, người từng giữ cương vị Viện trưởng Viện Văn học Hungary đã viết thư chúc mừng và hỏi Trương Đăng Dung: “Tại sao một tác phẩm như thế mà bây giờ chúng tôi mới được đọc?”.

 

Có thể nói Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du là phát pháo mở đầu, đưa “ông đồ xứ Nghệ” đi vào con đường dịch thuật, còn tạo nên dấu ấn cho dịch giả Trương Đăng Dung chính là bản dịch tiểu thuyết Lâu đài của Franz Kafka, được xuất bản vào năm 1998. Đây là nhà văn “đã làm thay đổi mô hình phản ánh hiện thực bằng những tác phẩm sâu sắc, thể hiện sự suy tư không ngừng về sự phi lý của con người trong thế giới hiện tại” và cũng là cây bút có nhiều ảnh hưởng đối với PGS-TS Trương Đăng Dung.

 

Sau Lâu đài, PGS-TS Trương Đăng Dung dịch các tiểu thuyết: Đứa trẻ mồ côi của Móricz Zsigmond, Thằng điên và quỷ sứ của Sarkadi Imre; các công trình nghiên cứu Trên đường đến với ngôn ngữ của triết gia M.Heidegger - người mà ông ngưỡng mộ cùng nhiều công trình mỹ học, lý luận văn học khác.

 

Năm 2011, nhà nghiên cứu quê ở xứ Nghệ làm nhiều người ngạc nhiên khi ra mắt tập thơ đầu tay Những kỷ niệm tưởng tượng. Đó là một tập thơ giàu suy tưởng, có không khí hậu hiện đại, được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng. 25 bài thơ trong Những kỷ niệm tưởng tượng - có bài được viết cùng nước mắt, trong cảm thức cô đơn khi tác giả đang là nghiên cứu sinh ở Viện Hàn lâm khoa học Hungary - phần nào giúp người đọc hiểu thêm về PGS-TS Trương Đăng Dung, một người dường như luôn đắm chìm trong công việc nghiên cứu văn học và dịch thuật, ít giao du, đứng ngoài những bon chen danh lợi và hiếm khi xuất hiện trên báo chí. Đó là một nhà thơ có tâm hồn của một triết gia, bị ám ảnh bởi thời gian bên trong con người chứ không phải là thời gian với bốn mùa luân chuyển. Một nhà thơ khắc khoải với thời gian, với cảm giác cô đơn và sự ngắn ngủi của kiếp người. Những bài thơ trong tập Những kỷ niệm tưởng tượng được tác giả sắp xếp một cách có chủ ý. Đây là một đoạn trong Anh không thấy thời gian trôi - bài thơ mở đầu tập Những kỷ niệm tưởng tượng: “Anh không thấy thời gian trôi/ Chỉ thấy những lá thư ngày một bạc màu/ Những cơn mưa rơi vào đêm vắng/ Dấu chân ta - năm tháng còn đâu/ Anh không thấy thời gian trôi/ Chỉ thấy mùa thu vừa lạ vừa quen/ Những gương mặt những nụ cười mới gặp/ Chưa kịp thân đã thấy khác đi rồi/ Anh không thấy thời gian trôi/ chỉ thấy lòng ngày một tha thiết với trời xanh/ Sợi tóc rụng bàn tay nào giữ được/ Mỗi ban mai khắc khoải việc chưa thành/ Anh không thấy thời gian trôi/ Thời gian ở trong máu, không lời/ Ẩn mình trong khóe mắt, làn môi/ Trong dáng em đi nghiêng nghiêng như đang viết lên mặt đất thành lời/ Về kiếp người ngắn ngủi”.

 

Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy viết: “Trương Đăng Dung là một nhà thơ có tư tưởng. Mỗi bài thơ, thậm chí mỗi câu thơ của anh đều gửi gắm đến người đọc một thông điệp nào đó về cuộc đời. Có điều, khác với thơ cổ điển, thông điệp thơ anh không phải là những bưu kiện để người đọc nhận trọn gói, mà là những chấm phá phía chân trời vẫy gọi người đọc đến thám mã và đồng sáng tạo”.

 

Vừa có sự sang trọng của một trí thức - nhà khoa học, vừa gần gũi, tình cảm, PGS-TS Trương Đăng Dung để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng những người từng được học ông.

 

Với những đóng góp có giá trị trong việc truyền bá văn hóa Hungary thông qua hoạt động dịch thuật, tháng 4/2012, PGS-TS Trương Đăng Dung được trao Huân chương Chữ thập vàng của tổng thống Hungary.

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Hoài Bảo, giọng ca trẻ đang được mến mộ
Chủ Nhật, 03/11/2013 14:00 CH
Tom Hanks, quý ông điện ảnh
Chủ Nhật, 03/11/2013 10:16 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek