Thứ Bảy, 12/10/2024 20:19 CH
Xu hướng làm phim mang tầm quốc tế
Thứ Ba, 22/10/2013 14:00 CH

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18 vừa diễn ra tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) xác định các mục tiêu phát triển nền điện ảnh Việt Nam trong tương lai: Điện nh Việt Nam - Dân tộc, nhân văn, sáng tạo và hội nhập. Đây là hướng đi đưa đến thành công của nhiều nhà làm phim và tác phẩm điện ảnh của họ được đánh giá cao ở tầm quốc tế.

 

LHP131022.jpg

Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang và nghệ sĩ nhân dân Thế Anh (từ bên trái qua) là những diễn viên điện ảnh thời kỳ đầu của điện ảnh Việt Nam được yêu mến - Ảnh: T.DIỆU

Chúng ta vẫn thường nghe: Phim của Wes Anderson, phim của Trần Anh Hùng, phim của Kim Ki Duk, phim của Trương Nghệ Mưu, phim của Trần Khải Ca… Không phải ngẫu nhiên mà giới mộ điện ảnh lại vinh danh các cá nhân cùng với tác phẩm điện ảnh của họ. Điều này có được bởi trong từng tác phẩm của các đạo diễn này đều mang đậm bản sắc riêng. Mà điều kỳ diệu hơn hết, bản sắc ấy lại hầu như chỉ làm bằng chất liệu dân tộc và nhân văn.

 

Có thể nói, kiệt tác điện ảnh mang đậm bản sắc dân tộc Bá Vương Biệt Cơ (Farewell my concubine) được sản xuất năm 1993 của đạo diễn Trần Khải Ca (Trung Quốc) là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy tính dân tộc trong phim ảnh bao giờ cũng có sức cuốn hút lớn đối với khán giả.

 

Bá Vương Biệt Cơ sử dụng loại hình nghệ thuật cổ truyền của Trung Quốc là kinh kịch làm chất liệu cơ bản xuyên suốt bộ phim. Trần Khải Ca chú trọng phô diễn nhiều trường đoạn kinh kịch kinh điển trong lịch sử của loại hình nghệ thuật này trên màn ảnh. Tính cách của các nhân vật trong các trường đoạn kinh kịch được tác giả ẩn dụ về vẻ đẹp trong tâm hồn của người dân nơi này. Thông qua thăng trầm của 2 diễn viên kinh kịch trong hơn 50 năm của cuộc đời họ, khán giả điện ảnh sẽ dễ dàng nắm bắt lịch sử văn hóa, sinh hoạt tinh thần của người dân Trung Quốc.

 

Bộ phim đã giành được giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes (Pháp) và vô số giải thưởng điện ảnh danh giá khác vào năm 1993. Phim vẫn luôn nằm trong danh sách 1 trong 100 phim Trung Quốc được yêu thích nhất mọi thời đại.

 

Có thể khẳng định chính đặc tính dân tộc nổi trội không hòa trộn vào đâu của phim Bá Vương Biệt Cơ mà tác phẩm điện ảnh này vẫn luôn sống mãi trong lòng những người yêu thích điện ảnh quốc tế. Bộ phim trở thành khuôn thước cho đặc tính dân tộc trong một tác phẩm điện ảnh.

 

Điện ảnh Hàn Quốc ghi danh trên trường quốc tế có thể nói là nhờ sự góp công lớn của đạo diễn giàu bản sắc Kim Ki Duk. Phim của ông khai thác các chủ đề quen thuộc diễn ra trong bất kỳ xã hội nào như: tình yêu, tình bạn, tình mẫu tử... Các nhân vật trong phim của Kim Ki Duk luôn gai góc khiến người xem cảm giác dường như chỉ có Kim mới tạo nên được nhân cách của các nhân vật ấy. Nhưng trong phim của Kim Ki Duk, bao giờ khán giả cũng nhìn ra những phản ánh kỳ lạ; những lý giải đặc biệt hấp dẫn về luân thường đạo lý; thấy bản chất của con người trong xã hội; thấy bản thân mình đâu đó trong các thước phim. Có thể nói, tính nhân văn bao trùm mỗi tác phẩm của Kim Ki Duk mà đơn cử là bộ phim Pieta (Đức Mẹ sầu bi) đoạt giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice cùng nhiều giải thưởng quan trọng khác tại các liên hoan lớn vào năm 2012. Phim đã được công chiếu qua 20 nước, mang lại nhiều thành công cho nền điện ảnh Hàn Quốc.

 

Dù là nổi bật ở tiêu chí dân tộc hay nhân văn, các tác phẩm điện ảnh mang tầm quốc tế bao giờ cũng có sự hòa trộn, đan xen tinh tế giữa 2 tiêu chí cơ bản này. Một khi khán giả cảm nhận được tinh thần dân tộc và tính nhân văn trong một tác phẩm điện ảnh thì đạo diễn đã thành công trong việc sáng tạo nên một tác phẩm điện ảnh có thể hội nhập với quốc tế.

 

Trên bản đồ điện ảnh thế giới, các phim của đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng như: Mùa hè chiều thẳng đứng, Mùi đu đủ xanh, Xích lô là dấu chấm nhỏ ghi dấu ấn của phim Việt trong mắt khán giả điện ảnh quốc tế. Và Trần Anh Hùng là biểu tượng cho niềm tự hào của điện ảnh Việt Nam bởi trong phim của anh, tính dân tộc và nhân văn luôn là ưu tiên hàng đầu.

 

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18 bị đánh giá là thất bại do chất lượng phim tham dự quá kém. Nhưng các nhà quản lý điện ảnh đã xác định được những mục tiêu làm khuôn thước cho một tác phẩm điện ảnh mà nếu đi theo hướng này thì tương lai điện ảnh Việt Nam sẽ có nhiều phim chất lượng cao. Có thể xem đây là tín hiệu đáng vui mừng, là con đường đi đúng cho sự phát triển điện ảnh nước nhà.

 

TUYẾT DIỆU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek