Thứ Bảy, 12/10/2024 22:25 CH
Phát huy phong trào văn nghệ quần chúng trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở
Chủ Nhật, 20/10/2013 14:00 CH

Những năm gần đây, truyền hình vệ tinh, truyền hình cáp, mạng internet... đã lấn át, làm cho sân khấu, nhà hát, rạp chiếu phim “khốn đốn” vì vắng khách... Riêng hoạt động văn nghệ quần chúng, phong trào văn nghệ quần chúng ở Phú Yên từ nhiều năm qua vẫn được kế thừa, nuôi dưỡng và phát huy mạnh mẽ.

 

hoi-dien131020.jpg

Một tiết mục biểu diễn của Đoàn nghệ thuật quần chúng huyện Sông Hinh tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh - Ảnh: T.DIỆU

Hình thành từ những nhóm đàn hát trong các xóm nhỏ làng quê, trường học, công trường, nhóm yêu văn nghệ..., phong trào văn nghệ quần chúng của tỉnh được gầy dựng và phát triển trong điều kiện chưa có nhà văn hóa, phương tiện và điều kiện hoạt động hết sức khó khăn.

 

Còn nhớ, vào thời điểm sau năm 1975, mỗi lần biểu diễn văn nghệ, địa điểm thường là trên nền đất, sân cỏ rộng, ánh sáng chỉ là chiếc đèn măng-xông, nhạc cụ duy nhất là cây đàn ghi ta, hát mộc... vậy mà vẫn được người xem tán dương cổ vũ. Sau ngày tái lập tỉnh năm 1989, năm 1991 tại rạp chiếu phim Hưng Đạo đã diễn ra kỳ hội diễn nghệ thuật quần chúng đầu tiên của tỉnh Phú Yên do Sở Văn hóa - Thông tin (cũ) tổ chức. Từ đó đến nay qua 7 kỳ hội diễn, mỗi kỳ đánh dấu những bước chuyển biến, tiến bộ về nội dung nghệ thuật và còn là dịp cho các địa phương, đơn vị “hâm nóng” sức sống bền bỉ của một phong trào. Một phong trào được người dân sáng tạo để hưởng thụ; theo phương châm quần chúng làm văn hóa, nuôi dưỡng văn hóa và hưởng thụ văn hóa.

 

Tôi có dịp thưởng thức nhiều chương trình văn nghệ do chính tay “quần chúng” dàn dựng, biểu diễn. Và đã chứng kiến sự say mê kỳ lạ của khán giả với những đêm diễn từ những diễn viên không chuyên. Trong đêm văn nghệ chào năm mới hàng năm của Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, diễn viên là những thầy thuốc phục vụ bệnh nhân, không kể tuổi tác, ai biết hát cứ hát, múa, ngâm thơ, hò vè... thỏa thích mà “khoe”, mà diễn; đêm cuối năm tiết trời se lạnh nhưng hàng trăm bệnh nhân vẫn say sưa nghe, xem đến hết chương trình mà còn thấy tiếc. Cũng tại một đêm văn nghệ ở thôn Thạnh Đức (xã Xuân Quang 3, Đồng Xuân) nhưng có 3 đội văn nghệ, diễn viên là những người nông dân. Để chuẩn bị cho đêm diễn, chồng các chị diễn viên thì khuân vác bàn ghế học sinh dựng thành sân khấu, dân làng tự nguyện đóng góp tiền mua sắm trang phục, đạo cụ; bỏ tiền túi chi hàng triệu đồng để thuê mướn âm thanh, nhạc công; mới từ chiều mà làng xóm đã náo nức rủ nhau đi xem người thân của mình biểu diễn văn nghệ...

 

Anh Chín Bình, Trưởng thôn Thạnh Đức cho biết: “Dân ở đây, nói góp tiền tổ chức văn nghệ là họ nộp liền”. Văn nghệ quần chúng là vậy, ở đó bao giờ cũng đông vui, phấn khích cho cả người xem và người diễn. Khán giả có cả những cụ ông, cụ bà tuổi đã 60, 70 đến xem với tinh thần không bình phẩm hay dở, miễn được xem con cháu, anh em, bạn bè…của mình hát múa là vui rồi; có tiết mục còn vụng về nhưng vẫn nhận được những tràng pháo tay tán thưởng nồng nhiệt. Thế mới biết vì sao những năm gần đây ở nhiều địa phương tự phát sinh ra những nhóm nhạc sống thái quá, gây náo động làng quê yên ả, có nơi chính quyền và ngành chức năng phải quy định về giờ giấc hoạt động.

 

Bản chất của văn nghệ quần chúng là sự sáng tạo nghệ thuật từ lực lượng không chuyên nên sản phẩm của họ làm ra cũng hồn nhiên, chân chất và trong sáng. Khi cái ăn, cái mặc của người dân tạm no đủ, nhu cầu còn lại của cuộc sống là vui chơi, thưởng thức văn hóa văn nghệ - giải trí tinh thần, nó cũng cấp thiết như cơm ăn nước uống hàng ngày.

 

Văn nghệ quần chúng đã đáp ứng một phần nhu cầu đó và trở thành “món ăn” không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần ở cơ sở. Một nhà nghiên cứu văn hóa đã ví von: “Văn hóa, văn nghệ quần chúng vừa là đất màu tươi tốt nuôi dưỡng cây văn hóa, vừa là vườn hoa đầy hương sắc của nền văn hóa nhiều dân tộc. Không có được một phong trào văn nghệ quần chúng sâu rộng thì văn nghệ chuyên nghiệp cũng dễ vàng vọt như cây mất rễ, như sông cạn nguồn”.

 

MẠNH MINH TÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek