Thứ Bảy, 05/10/2024 04:23 SA
Tiếng cồng chiêng ngày xuân
Thứ Tư, 28/02/2007 14:00 CH

Nếu trước kia, cồng chiêng chỉ sử dụng trong những ngày lễ trọng của buôn làng, thì nay, cồng chiêng là âm điệu của mùa xuân.

 

Từ bao đời nay, cồng chiêng đã gắn liền với đời sống văn hoá, tinh thần và tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng núi phía Tây Phú Yên, từ lúc họ được sinh ra cho đến khi trở về với cỏ cây, đất, nước. Tiếng cồng chiêng trong lễ thổi tai của dân tộc Êđê mừng trẻ sơ sinh đầy cữ, có ý nghĩa chính thức công nhận đứa trẻ vào cộng đồng. Và khi trưởng thành, nó sẽ khoẻ mạnh như cây mọc thẳng, biết vượt qua mọi khó khăn để tồn tại. Tiếng chiêng trong lễ cầu hôn nhắc nhở đôi trai gái yêu thương bền chặt, thuỷ chung, tuân thủ truyền thống, giữ trọn đạo nghĩa vợ chồng. Cồng chiêng xua đuổi thú dữ khi chúng phá rẫy nương, thúc giục trai tráng, dân làng ra trận khi có chiến tranh và cổ vũ mọi người chiến đấu quên mình vì sự tồn vong của cộng đồng, dân tộc.

 

070228-cong-chieng.jpg

Buôn làng vào hội – Ảnh: D.T.XUÂN

 

Khi buôn làng có người qua đời, tiếng chiêng báo tin nghe nặng nề, chậm chạp, nỉ non… Mọi người xích lại gần nhau chia sẻ nỗi đau này, góp công góp sức lo liệu, tiễn biệt người đã khuất… Đặc biệt, trong sinh hoạt lễ hội, cồng chiêng có vai trò chủ đạo gây phấn khích, thúc giục mọi người nô nức vào hội, khuấy động không gian lễ hội tràn ngập niềm hân hoan…

 

Già làng Mang Thông ở buôn Xí Thoại (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân) cho biết: Nếu trước kia, cồng chiêng chỉ sử dụng trong những ngày lễ trọng của của buôn làng như lễ xoay cột đâm trâu, lễ mừng mùa lúa mới, lễ bỏ mả… thì nay, cồng chiêng là âm điệu của mùa xuân.  Trong ba ngày Tết, tiếng cồng chiêng cứ âm vang náo nức, đuổi xua những rủi ro trong cuộc sống, rước về cho buôn làng những điều tốt lành trong năm. Đây cũng là dịp bà con cảm tạ thần sông, thần núi đã phù trợ cho một năm làm ăn mạnh cái tay, no cái bụng, buôn làng bình yên. Ông Ma Téo, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa) cho biết: “Nếu trong ngày Tết, ngày lễ mà không có cồng chiêng thì dù có ăn heo, ăn bò cũng không có giá trị gì.”

 

Với đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi Phú Yên, cồng chiêng là một tài sản vô cùng quý báu, biểu thị sức mạnh trong đời sống vật chất và tinh thần. Về mặt vật chất, cồng chiêng biểu hiện sự giàu có của từng gia đình, dòng họ, buôn làng. Song, điều quý nhất của cồng chiêng vẫn là giá trị tinh thần. Âm thanh của cồng chiêng khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc trầm hùng, hoà quyện với tiếng suối, tiếng gió, với tiếng lòng người, gởi theo bao khát vọng.

 

Đồng bào các dân tộc thiểu số nâng niu, gìn giữ cồng chiêng. Già làng Ma Ngoe ở Thồ Lồ  (xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân) khẳng định: “Từ xưa, làng có thể dời đi do đất ở không hợp hoặc do luật tục quy định. Đời sống có lúc no lúc đói do chiến tranh, thiên tai địch hoạ, nhưng cồng chiêng không thể rời khỏi con người”. Cồng chiêng còn là dân tộc còn, cồng chiêng mất là dân tộc mất. Chính vì thế có nhiều già làng gìn giữ cồng chiêng như gìn giữ cuộc đời mình. Oi Lương ở buôn Thu (xã Krông Pa, huyện Sơn Hoà) tâm sự: “Có nghèo gì nghèo, nhưng không được bán đi những thứ này. Bán là có tội với trời đất, với tổ tiên đấy”.

 

Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh Phú Yên hiện có trên 800 bộ cồng chiêng. Chỉ tính riêng huyện Sông Hinh có 606 bộ, trong đó có 118 bộ cồng chiêng được chế tác trước 1945. Cồng chiêng của các dân tộc thiểu số  ở Phú Yên có các loại: Chiêng Aráp mà người Êđê, Bana thường sử dụng bộ bình thường gồm 3 cồng và 8 chiêng . Bộ Aráp đầy đủ có từ 18-20 chiếc. Nhưng đối với người Chăm H’roi, Bana, sử dụng phổ biến nhất là bộ ba: cồng 3, chiêng 5, trống đôi. Cùng là nhạc khí thuộc bộ gõ, nhưng khi hoà thanh mỗi loại tạo nên âm hưởng bổ trợ cho nhau, làm cho âm thanh rộn ràng, vang xa. Cồng 3 giữ bè trầm tạo âm thanh nền, vang rền, sâu lắng; chiêng 5 ngân vang giai điệu thánh thót, khoan thai; trống đôi điểm nhịp tiết tấu, tạo nên không khí tưng bừng cho lễ hội.

Cồng chiêng của các dân tộc thiểu số là một bộ phận góp phần làm phong phú vốn văn hoá dân gian. Cồng chiêng ở Phú Yên có nét độc đáo riêng. Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Quang, Quyền Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, cho biết: “Cồng chiêng ở Phú Yên có thể chia làm hai hệ rất đặc thù. Thứ nhất là cồng chiêng tiếp thu từ Tây Nguyên, đó là dàn cồng chiêng A ráp, cái gốc của nó là dân tộc Giá Rai ở Tây Nguyên. Trong quá trình giao lưu văn hóa, các dân tộc Chăm, Bana, Êđê Phú Yên đã tiếp thu, đồng thời bổ sung tiết tấu, cách điệu hoá trở thành nét riêng đầy sáng tạo. Thứ hai là dân tộc Chăm H’roi ở Phú Yên tiếp thu từ bộ cồng 3 trống đôi của dân tộc Êđê và bộ cồng 3 chinh 5 của dân tộc Bana biến thành bộ cồng 3 chinh 5 và trống đôi của dân tộc Chăm H’roi. Tôi cho đây là sự sáng tạo đầy ngẫu hứng của Phú Yên mà không nơi nào có được. Sự phối hợp, sáng tạo này nâng giá trị cồng chiêng lên. Điệu  thức hoà thanh mang tính khoa học rất cao”. Còn nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Ka Sô Liễng, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Phú Yên, nói: “Có một thời gian trước đây, tình trạng “chảy máu” cồng chiêng đã làm mất đi nhiều bộ cồng chiêng quí hiếm từ ngàn đời nay. Ngành chuyên môn phải có ngay một đề án bảo tồn, phát triển cồng chiêng Phú Yên. Nếu không là chúng ta có tội lớn không chỉ với người đã khuất mà ngay cả với thế hệ con cháu sau này.”

 

Những năm qua, ngành văn hóa thông tin tỉnh Phú Yên đã tổ chức khảo sát, thống kê và có kế hoạch hỗ trợ cồng chiêng cho các địa phương vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp nên ngành chỉ hỗ trợ cho các buôn được công nhận buôn văn hóa tiêu biểu. Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Phú Yên, cho biết: “Chúng tôi đang xây dựng đề án không gian văn hóa cồng chiêng ở Phú Yên, báo cáo bổ sung cho Bộ Văn hóa - Thông tin để được hỗ trợ kinh phí bảo vệ phát triển. Hiện nay mỗi thôn buôn đồng bào dân tộc thiểu số ở Phú Yên đều được hỗ trợ xây dựng nhà rông văn hóa, tuy nhiên nhiều địa phương vẫn chưa có được bộ cồng chiêng để sinh hoạt”. 

 

Khi xuân về Tết đến, tiếng cồng chiêng lại âm vang khắp núi rừng xua đi những điềm gở, đem đến cho buôn làng niềm vui và cảm giác yên bình, như tiếng chiêng trong trường ca Êđê Phú Yên:

 

“Đánh lên! Cho khỉ quên ôm chặt vào cây

Cho ma quỷ quên hại người…

Đánh lên! Cho thỏ phải giật mình

Cho hưu nai đứng nghe, quên ăn cỏ… “

 

MINH TÂM -TRÌNH KẾ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek