Chủ Nhật, 13/10/2024 12:21 CH
Thương lắm, cải lương!
Thứ Năm, 26/09/2013 09:00 SA

Đồng nghiệp định làm phim tài liệu về đời và nghề của nghệ sĩ, diễn viên cải lương ở một đoàn ngoài công lập, về những gian nan vất vả mà họ trải qua để gắn bó với nghiệp hát, một khi cải lương đã đi quá xa cái thời hương thịnh như trước kia.

 

Cai-luong130926.jpg

Cảnh trong vở cải lương do một đoàn cải lương dân lập biểu diễn (ảnh chỉ có tính minh họa) - Ảnh: Y.LAN

Gọi điện cho trưởng đoàn thì nghe ông ngập ngừng, phân vân: “Cái này… để tôi hội ý với anh em trong đoàn đã nhé”. Hội ý xong, ông nhỏ nhẹ trả lời: Anh em ngại lắm. Họ nói quay phim rồi chiếu lên, khán giả coi sẽ nói: Trời, sao nghệ sĩ cải lương lại sống cực như vầy…

 

Không cực sao được khi hết năm này sang năm nọ đi theo đoàn hát, coi sân khấu là nhà. Nếu không mượn được trụ sở thôn, trụ sở HTX thì sau khi diễn xong, sàn và gầm sân khấu trở thành chỗ ngủ. Cứ vậy mà dong ruổi hết vùng quê này tới vùng quê khác, từ miền Trung cho đến Tây Nguyên rồi tới vùng sông nước miền Tây… Mà, giá vé xem một đêm diễn có nơi chỉ từ 5.000 đến 10.000 đồng, bằng giá một ổ bánh mì!

 

Có người sẽ nói: Cực như vậy, sao không bỏ nghề đi, theo đoàn hát làm gì? Muốn bỏ cũng đâu có bỏ được, bởi đã trót mang cái nghiệp vào thân, bởi niềm đam mê sân khấu quá lớn, đã át đi những tính toán thiệt hơn về vật chất. Và bởi, từ 15, 16 tuổi đã theo đoàn hát, đi qua hơn nửa đời người cũng chỉ biết đem tiếng hát lời ca giúp vui cho người. Giờ không hát nữa, không diễn nữa thì biết làm gì đây?

 

Nếu đoàn tan rã thì chẳng còn cách nào khác, đằng này đoàn vẫn diễn thì mình vẫn mang kiếp con tằm mà rút ruột nhả tơ.

 

Nhưng, hễ nghĩ đến giá vé coi cải lương bằng giá một ổ bánh mì, lại thấy thương sao là thương đời diễn viên, nghệ sĩ.

 

Lại thấy xa như lên tít cung trăng khoảng cách về thù lao của những người biểu diễn nghệ thuật truyền trống với các ngôi sao nhạc nhẹ hiện nay. Số tiền cát-xê mấy nghìn đô la cho đêm diễn của một ngôi sao ở TP Hồ Chí Minh, quả thật đã vượt xa tất cả các giấc mơ của nghệ sĩ cải lương, nhất là cải lương ở những tỉnh nghèo.

 

Đều phục vụ công chúng cả, nhưng khác nhau ở chỗ người thì hát trên sân khấu rực rỡ ở các đô thị lớn những bài hát thịnh hành, người thì hát trên sân khấu nghèo ở quê những câu ca, tuồng tích có lẽ chỉ còn lay động trái tim nông dân tuổi cao xế bóng. Thế nên người thì có biệt thự, ô tô đắt tiền, người chỉ mong trang trải đủ chi phí học hành cho con. Mà, trong trường hợp này, thị hiếu (chứ không phải tài năng) là thước đo để làm ra vật chất.

 

Mùa mưa đang ngấp nghé ở miền Trung. Chặng đường biểu diễn của các đoàn nghệ thuật ngoài công lập, trong đó có đoàn cải lương, sẽ dài hơn: lên Tây Nguyên, vào trong Nam, thậm chí ra tít ngoài Bắc. Họ tìm khán giả. Họ cần khán giả để giữ cho sân khấu nhỏ sáng đèn, để họ tiếp tục được hát trong nhọc nhằn và đầy ắp đam mê.

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek