Chủ Nhật, 13/10/2024 12:18 CH
Bút phê của các hoàng đế trên Châu bản triều Nguyễn
Thứ Năm, 26/09/2013 14:00 CH

Nhân dịp Kỷ niệm 20 năm ngày Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, 10 năm Nhã nhạc Cung đình Huế được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và kỷ niệm 90 năm thành lập Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức triển lãm thư tịch với chủ đề “Bút phê của các hoàng đế trên Châu bản triều Nguyễn”.

 

VB-1820-130926.jpg

Bản tấu của Đào Thị Thôn năm Minh Mệnh thứ 1 (1820).

Châu bản triều Nguyễn là một loại hình tài liệu Hán - Nôm thuộc diện quý hiếm đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước - Bộ Nội vụ).

 

Số lượng Châu bản được lựa chọn trưng bày gồm hơn 150 tài liệu qua 10 triều đại: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại.

 

Đây là những văn bản hành chính của triều Nguyễn do các cơ quan chính quyền từ trung ương đến địa phương soạn thảo và thông qua hoàng đế “ngự lãm”, “ngự phê” bằng mực son để truyền đạt ý chỉ hoặc giải quyết những vấn đề về chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội… Vì vậy có thể coi châu bản là kho lưu trữ tài liệu văn thư hành chính của vương triều Nguyễn. Các loại văn bản trên Châu bản triều Nguyễn bao gồm dụ, chiếu, chỉ, thân, bản kê, tấu, sớ, bản dịch văn bản ngoại giao và các dạng công văn khác.

 

Bút phê của các hoàng đế trên Châu bản triều Nguyễn với các hình thức phản ánh nội dung như: một nét son được chấm lên đầu văn bản hoặc một vấn đề thể hiện sự đồng ý của nhà vua; một đoạn, một câu hay một vài chữ do đích thân nhà vua viết thể hiện quan điểm hoặc cho ý kiến chỉ đạo; một vòng son được nhà vua khuyên lên điều khoản, tên người hoặc vấn đề được nhà vua chấp thuận; nét son được phẩy lên tên người hoặc vấn đề nào đó thể hiện sự lựa chọn hoặc không chấp thuận của nhà vua; nét son được gạch sổ trực tiếp lên những chỗ cần sửa chữa hoặc không được chấp thuận; các chữ, câu, đoạn viết bên cạnh những chữ đã sổ bỏ nhằm sửa lại hoặc thể hiện quan điểm của nhà vua.

 

Tất cả những điều đó sẽ góp phần cung cấp thêm những thông tin về tư tưởng chỉ đạo, quan điểm của các hoàng đế của từng thời đoạn lịch sử đối với các vấn đề khác nhau trong điều hành tổ chức nhà nước, góp phần tìm hiểu chế độ văn thư triều Nguyễn nói riêng cũng như văn hóa lịch sử, mỹ thuật nói chung.

 

VB-1826-130926.jpg

Bản tấu của trấn Phú Yên năm Minh Mệnh thứ 7 (1826).

Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên chúng ta có cơ hội biết đến chữ viết của 10 vị hoàng đế triều Nguyễn trong cùng một chủ đề. Nhiều người từ trước đến nay, chưa có điều kiện biết đến nét chữ (chữ Hán) của một số vị hoàng đế như Thành Thái, Duy Tân, Bảo Đại. Qua nội dung và hình thức châu phê cũng phản ánh phần nào thư pháp, chương pháp của các vị hoàng đế, điển hình như Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Thành Thái, Khải Định. Từ các châu bản, cũng có thể hình thành nên “bộ sưu tập thư pháp thảo thư của các hoàng đế Nguyễn” với những nét chữ thảo khoáng đạt, đạt đến tính thẩm mỹ cao trong lối thể hiện thư pháp của người xưa.

 

Tại triển lãm, có 2 châu bản liên quan đến Phú Yên. Đó là bản tấu của trấn Phú Yên năm Minh Mệnh thứ 7 (1826) với nội dung Biện lý trấn Phú Yên Nguyễn Hữu Thị tấu về việc hành quân đánh dẹp giặc Man thắng lợi và việc phát tiền gạo cho dân phu. Vua Minh Mạng phê như sau: “Biết cho các việc nói trên, sẽ có chỉ ngay. Sau có thuê dân phu vận tải lương thực, chuẩn mỗi ngày đều phát 2 tiền, sự việc xong kê sổ tâu lên xin tiêu. Khâm thử” (Châu bản Minh Mệnh tập số 15; tờ số 101-102). Qua châu bản này, có thể thấy, nhà vua rất quan tâm đến đời sống của dân phu, giải quyết công việc hết sức rốt ráo, nhằm giải quyết nhanh chóng các chế độ chính sách, góp phần yên ủi đời sống dân phu.

 

Đặc biệt, với bản tấu của bà Đào Thị Thôn năm Minh Mệnh thứ 1 (1820), thì có thể thấy rằng, ở cương vị của nhà vua bận rộn rất nhiều việc, nhưng vua Minh Mạng cũng hết sức quan tâm đến những trường hợp “cá biệt”. Nội dung văn bản do bà Đào Thị Thôn, mẹ của Chưởng Hậu quân, lãnh thầu đầm Vũng Lấm tâu xin giảm nửa thuế, mỗi năm nạp 600 quan tiền thuế kể từ năm Tân Tỵ về sau. Vua Minh Mạng phê như sau: “Thuế lệ vẫn như cũ, nhưng xét con của thị có công với nước nhà, nên gia ân miễn nửa thuế từ năm Tân Tỵ về sau; đặc biệt chuẩn Đào Thị Thôn lãnh thầu thửa Ghềnh Miệt đầm Vũng Lấm miễn giảm nửa thuế. Mỗi năm nạp 600 quan tiền thuế, chỉ nạp nửa phần của 600 quan để tỏ ý ân dưỡng kẻ già của trẫm. Khâm thử”. (Châu bản Minh Mệnh tập số 1; tờ số 80). Trong Châu bản triều Nguyễn có rất nhiều văn bản liên quan đến tỉnh Phú Yên, rất có giá trị về văn hóa, lịch sử giúp cho hậu thế nghiên cứu về vùng đất Phú Yên từ 1802 đến 1945.

 

PHAN THANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek