Thứ Hai, 14/10/2024 00:14 SA
Tôn vinh nhiều hơn giá trị văn hóa của lễ hội truyền thống
Chủ Nhật, 08/09/2013 14:00 CH

Trong khuôn khổ của Ngày hội Văn hóa Thể thao và Du lịch các dân tộc Phú Yên lần VIII-2013 vừa được tổ chức, nhiều lễ hội truyền thống độc đáo mang đặc trưng văn hóa của các địa phương được trình diễn. Dù chỉ trong khuôn khổ của ngày hội, nhưng các lễ hội truyền thống đã mang lại không khí háo hức cho người tham gia.

 

mua-sieu130908.jpg

Nghi thức múa siêu trong Lễ cầu ngư (huyện Đông Hòa) - Ảnh: T.DIỆU

HÁO HỨC XEM LỄ HỘI

 

Phần thi lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc, vùng miền. TP Tuy Hòa tái hiện lại không gian tao nhã của Lễ hội trà; TX Sông Cầu, huyện Tuy An và Đông Hòa thể hiện lòng tôn kính của người dân miền biển đối với các vị thần linh mà họ tin, thờ trong Lễ hội cầu ngư; huyện Đồng Xuân thể hiện sự tôn kính thần linh và kính mong đấng thần linh, ông bà tổ tiên phù hộ cho con cháu được khỏe mạnh với Lễ mừng sức khỏe; huyện Phú Hòa với Lễ rước sắc Thành hoàng Lương Văn Chánh; huyện Sơn Hòa tưng bừng, hân hoan với Lễ mừng lúa mới; huyện Sông Hinh nghiêm cẩn, cầu kỳ các nghi thức trong Lễ cúng nhà mới; huyện Tây Hòa thể hiện sự tôn kính của người dân đối với vị thành hoàng của mình trong Lễ cúng xuân.

 

Chị Hồng Nguyệt (phường 1, TP Tuy Hòa) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi được hòa mình vào đội múa của các cô gái Ê Đê, Ba Na, Chăm H’Roi nhảy múa quanh tiếng cồng chiêng của các chàng trai khỏe mạnh. Đây là một trải nghiệm rất khác lạ và thú vị”. “Tôi rất ngạc nhiên khi xem Lễ hội cầu ngư của huyện Đông Hòa vì có nhiều điểm khác nhiều so với huyện Tuy An và TX Sông Cầu. Cùng một nghi lễ nhưng đội lễ, cách chọn lễ phục, cách hành lễ rất khác nhau. Cùng trong một tỉnh, cùng một lễ hội nhưng mỗi vùng lại có một cách tổ chức riêng” anh Nguyễn Văn Long, một thanh niên ở huyện Đông Hòa nói. Còn chị Minh Hòa (phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) chia sẻ: “Được hòa mình trong không khí của những lễ hội truyền thống, tôi cảm nhận được sự phong phú, đa dạng và những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc cùng chung sống trên vùng đất Phú. Tính cộng đồng, hòa hợp các dân tộc được tôn vinh”.

 

Nghệ nhân Oi Thao ở huyện Sơn Hòa cho biết: Tôi đã 4 lần tham dự ngày hội văn hóa thể thao và du lịch các dân tộc Phú Yên. Năm nay, các đơn vị có đầu tư kỹ hơn về trang phục, số lượng diễn viên, nghệ nhân tham gia nhiều hơn nên phần lễ hội được dàn dựng quy mô, để lại ấn tượng tốt đẹp với người xem.

 

VÀ NHỮNG TRĂN TRỞ

 

Không ít bạn trẻ chia sẻ cảm xúc và niềm vui khi được hòa mình vào lễ hội. Tuy nhiên, cũng chính các bạn lại không biết ý nghĩa tốt đẹp của lễ hội truyền thống.

 

Anh Nguyễn Văn Long nói: “Các lễ hội của đồng bào miền núi rất sôi động và rộn ràng, rất dễ làm người ta hòa mình vào. Còn về ý nghĩa, nguồn gốc của các lễ hội thì tôi không biết”. “Đến với ngày hội, tôi mới biết Phú Yên có đến 31 dân tộc anh em cùng sinh sống. Tôi thấy các lễ hội truyền thống, các nghệ nhân trình diễn rất hay, lạ, cuốn hút người xem. Tuy nhiên, tôi chưa hiểu hết ý nghĩa từng lễ hội truyền thống quan trọng như thế nào đối với sinh hoạt cộng đồng ở các địa phương”, chị Mỹ Thoa (Phú Hòa) bộc bạch. Còn chị Minh Châu (phường 9, TP Tuy Hòa) nói: “Tôi thấy sự đa dạng và đặc sắc trong văn hóa của các dân tộc qua các lễ hội. Nhưng để hiểu và nói cho người khác hiểu về ý nghĩa, nét đẹp trong các lễ hội thì tôi không biết diễn tả”.

 

Lễ hội dân gian là nơi thể hiện rất rõ sắc thái văn hóa của vùng miền, địa phương và cộng đồng. Lễ hội là nơi bảo tồn, trao truyền văn hóa giữa các thế hệ. Vậy nhưng trong cuộc sống hiện đại có không ít người không hiểu, thậm chí còn thờ ơ với lễ hội truyền thống với nguồn cội dân tộc.

 

Ông Lê Văn Tính, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Phú Hòa trăn trở: “Lễ hội truyền thống chỉ được tổ chức quy mô trong dịp Ngày hội Văn hóa, còn trong cuộc sống, người dân không thường xuyên tiếp cận, xem các lễ hội. Công tác tuyên truyền, giáo dục các giá trị truyền thống trong lễ hội cũng chưa được quan tâm đúng mức. Theo tôi, cần quan tâm đầu tư nhiều hơn cho lễ hội truyền thống để người dân, nhất là các bạn trẻ, thanh niên hiểu hơn về giá trị tốt đẹp của lễ hội truyền thống. Vì vậy, ngày hội văn hóa nên luân phiên đưa về các huyện thay vì chỉ tổ chức ở thành phố”.

 

Một trong những giải pháp hay nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc sống tại Phú Yên là gắn với du lịch. Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên Hồ Văn Tiến khẳng định: Bản sắc văn hóa của từng dân tộc là rất riêng biệt, sinh động thể hiện qua phong tục, tập quán cổ truyền và các lễ hội truyền thống. Đây chính là các yếu tố hấp dẫn du khách. Ngành VH-TT-DL Phú Yên đang cố gắng xây dựng đề án phát triển du lịch gắn với văn hóa, đặc biệt là gắn với các lễ hội truyền thống của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

 

DIỆU ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Em và mùa thu – thơ VIỆT QUANG
Chủ Nhật, 08/09/2013 13:00 CH
Hiện tượng màn ảnh HongKong đến Việt Nam
Chủ Nhật, 08/09/2013 08:15 SA
Ẩm thực, sứ giả của du lịch
Chủ Nhật, 08/09/2013 07:30 SA
Đêm của tình yêu âm nhạc
Thứ Năm, 05/09/2013 14:00 CH
Ai sẽ đăng quang?
Thứ Năm, 05/09/2013 09:30 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek